Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Kết luận phiên họp Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN lần thứ VII (nhiệm kỳ 2001-2005)
Phiên họp Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN lần thứ VII, nhiệm kỳ 2001-2005 đã được tổ chức ngày 21/4/2005 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng - GS.VS. Nguyễn Văn Đạo.

Chủ đề phiên họp là "Kết hợp hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn".

Hội đồng đã nghe 4 báo cáo: (1) Gắn kết hoạt động đào tạo với thực tiễn; (2) Gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với thực tiễn ở ĐHQGHN: Thực trạng, phương hướng và giải pháp; (3) Mô hình đại học công nghệ trong đại học đa ngành; (4) Đánh giá thành tựu khoa học công nghệ - đào tạo sau đại học và đề xuất những giải pháp định hướng xây trường đại học nghiên cứu tiên tiến;.

Chủ tịch Hội đồng đã kết luận phiên họp với các nội dung chính sau đây:

Chủ đề của phiên họp này là hết sức quan trọng. Thực trạng sinh viên của ĐHQGHN nói riêng và sinh viên đại học nói chung tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đời sống xã hội, đặc biệt là khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ và các công cụ thông tin còn yếu và thiếu kiến thức thực tiễn.

ĐHQGHN cần có những giải pháp mạnh mẽ để gắn kết chặt chẽ hơn nữa hoạt động đào tạo, KHCN với thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội. Cụ thể:

I. Về hoạt động đào tạo

1. Cần khẩn trương xây dựng những khung chương trình và chương trình chi tiết phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1269/CP-KG và hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo về xây dựng chương trình tiên tiến, từng bước chuyển giao công nghệ đào tạo tiên tiến của các trường đại học có uy tín của nước ngoài vào ĐHQGHN.

2. Đổi mới việc xây dựng chương trình đào tạo. Cần hết sức lắng nghe ý kiến của các sinh viên đã tốt nghiệp đang công tác đúng ngành nghề được đào tạo và thu thập ý kiến đóng góp của các cơ sở sử dụng sinh viên tốt nghiệp để cải tiến chương trình phù hợp với thực tiễn.

3. Cần có những thay đổi mạnh mẽ về phương pháp và cách thức tổ chức đào tạo.

- Rà soát và sửa đổi lại chương trình các môn học, giảm mạnh thời lượng lên lớp, tăng thời lượng sinh viên tự học, tự nghiên cứu và thu thập thông tin ở nhà, chuẩn bị seminar.

- Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ tiên tiến và công nghệ thông tin trong dạy và học.

- Đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá và thi cử theo hướng nâng cao trách nhiệm của cán bộ giảng dạy, không chỉ kiểm tra kiến thức mà tăng cường kiểm tra đánh giá năng lực tư duy, kỹ năng của sinh viên.

4. Có kế hoạch tuyển chọn đội ngũ chuyên gia, cán bộ giảng dạy giỏi trong và ngoài ĐHQGHN tham gia đào tạo; khuyến khích các chuyên ngành trực tiếp giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, có chế độ thù lao thoả đáng đối với những cán bộ giảng dạy giỏi, tạo điều kiện để họ phát huy tiềm năng và kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.

5. Khẩn trương xây dựng trang web về cựu sinh viên và có những hoạt động xúc tiến thành lập Hội cựu sinh viên của ĐHQGHN, tạo điều kiện để các cựu sinh viên phát huy khả năng đóng góp xây dựng ĐHQGHN.

6. Tích cực xây dựng và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai đề án đào tạo theo tín chỉ.

II. Về hoạt động khoa học công nghệ

1. Cần xây dựng một cơ chế pháp lý chi tiết gắn kết chặt chẽ hoạt động đào tạo và NCKH, đặc biệt là đào tạo SĐH với các đề tài, dự án các cấp.

2. Đổi mới cách thức xây dựng các đề tài NCKH, phương thức tuyển chọn đề tài. Cương quyết giải quyết dứt điểm các đề tài quá hạn và không có hiệu quả. Nghiên cứu bổ sung một số tiêu chí đánh giá để gắn NCKH với thực tiễn.

3. Cần có những yêu cầu "đặt hàng" từ phía Nhà nước (đối với nghiên cứu cơ bản), từ phía người sản xuất, doanh nghiệp, công ty (đối với nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ). Công tác quản lý hoạt động KHCN cần tích cực đổi mới phù hợp với yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tiến hành từng bước tin học hoá quản lý hoạt động KHCN.

4. Ưu tiên phân bổ kinh phí NCKH và xét chọn các đề tài phục vụ sự nghiệp phát triển của chính ĐHQGHN (giải quyết các vấn đề cụ thể về quy hoạch, xây dựng đội ngũ, chính sách quản lý,…) và tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ xã hội. Tăng cường gắn kết NCKH với đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học.

5. Tiếp tục hoàn thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, thu hút được các đề tài và kinh phí từ nhiều nguồn, đặc biệt từ các địa phương và các cơ sở sản xuất. Trên cơ sở nhóm nghiên cứu, thành lập thí điểm các phòng thí nghiệm sản xuất - chế thử quy mô, hiện đại để đẩy mạnh việc nghiên cứu chế thử các sản phẩm công nghệ cao.

6. Chú trọng quyền sở hữu trí tuệ trong các hoạt động KHCN.

7. Cần quan tâm đặc biệt tới việc đưa các sản phẩm KHCN ra thị trường, thí điểm xây dựng các doanh nghiệp KHCN theo mô hình 4 nhà (Nhà nước, nhà trường, nhà khoa học, nhà sản xuất và doanh nghiệp).

8. Đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng trang thiết bị KHCN phục vụ nghiên cứu và sản xuất, khai thác tốt hơn nữa các hợp tác KHCN trong và ngoài nước theo định hướng liên kết chế tạo các sản phẩm công nghệ cao.

9. Đổi mới cơ chế quản lý, kiện toàn bộ máy quản lý KHCN ở ĐHQGHN.

Phiên họp Hội đồng khoa học và đào tạo lần thứ VIII (vào cuối năm 2005) sẽ tiếp tục đi sâu vào nội dung “Kết hợp hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn".

 Hội đồng Khoa học & Đào tạo ĐHQGHN - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :