Tham dự hội thảo, có ông Trương Đình Tuyển - Uỷ viên Hội đồng Chính sách Tiền tệ Quốc gia, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT; GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQGHN, đại diện Văn phòng Quốc hội, các đại sứ quán, viện nghiên cứu và trường đại học.
Báo cáo thường niên 2011, do TS.Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VEPR - chủ biên, đề cập đến một loạt vấn đề trọng yếu mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Nhóm tác giả cũng đã cung cấp một cái nhìn và đánh giá toàn cảnh về nền kinh tế trong năm qua, các khuynh hướng chính trên các khía cạnh lớn như kinh tế vĩ mô, cấu trúc kinh tế, ngân sách chính phủ, cán cân thanh toán và chính sách kinh tế vĩ mô.
Theo báo cáo, mặc dù năm 2010 kinh tế Việt Nam đã tiếp đà hồi phục năm 2009 và tăng trưởng khá cao nhưng trước mắt đang phải đối mặt với những bất ổn vĩ mô tiềm tàng, như lạm phát tăng cao, thâm hụt ngân sách, nợ công tiếp tục tích lũy, thâm hụt thương mại chưa được cải thiện, cải cách doanh nghiệp nhà nước còn nhiều vấn đề…
Thách thức đó đòi hỏi Việt Nam cần có những quyết sách quan trọng liên quan đến cơ hội và quyết tâm tiếp tục cải cách kinh tế-xã hội, thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế… để tạo ra những động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội vững chắc trong trung và dài hạn.
Mặt khác, báo cáo đề xuất mô hình phản ánh những rủi ro tiềm tàng của kinh tế vĩ mô Việt Nam với những vấn đề cốt yếu bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng kinh tế hiện thời, tích tụ rủi ro lên hệ thống tài chính và thị trường tài sản, đồng thời là nguyên nhân gây mất cân đối vĩ mô trong nền kinh tế.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, nhiều khả năng nợ công Việt Nam sẽ tạm thời chững lại trong năm 2011, nhưng những năm tiếp theo sẽ tăng dần đều tới mức 64% GDP vào năm 2015 và 80% GDP vào năm 2020. Kịch bản này đòi hỏi Chính phủ phải đưa dần thâm hụt ngân sách tổng thể từ 7,7% trong năm 2009 xuống còn 4,3% trong năm 2011; 3,1% trong năm 2015 và 2,8% GDP trong năm 2020. Mặc dù khẳng định khả năng thanh toán và thanh khoản của nợ công nước ta vẫn trong ngưỡng an toàn, song cục diện chung tiềm ẩn nhiều dấu hiệu cần hết sức thận trọng.
Báo cáo đã đưa ra nhận định, năm 2011 lạm phát có thể ở mức 15,5%, tăng trưởng đạt 6,2% trong điều kiện thắt chặt tiền tệ và cắt giảm đầu tư công quyết liệt. Còn nếu Chính phủ không đủ kiên trì các biện pháp quyết liệt chống lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô thì mức lạm phát có thể cao hơn khoảng 18% và tăng trưởng đạt mức 6,5%.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Hữu Đức biểu dương những nỗ lực của Trường ĐHKT đã 3 năm liên tục nghiên cứu thành công và công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam, đóng góp một cách tiếp cận mới, cách nhìn mới, khoa học, độc lập, khách quan và hiện đại vào việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh, ĐHQGHN là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao. Với đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu, trong những năm qua, bên cạnh việc đào tạo chất lượng cao, trình độ cao, ĐHQGHN là đơn vị dẫn đầu trong cả nước về công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế. Những năm gần đây, ĐHQGHN rất quan tâm đến việc phát triển các sáng chế, giải pháp hữu ích phục vụ trực tiếp cuộc sống và nhu cầu phát triển của xã hội. Các công trình khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp những kết quả quan trọng, cung cấp những luận chứng khoa học có giá trị góp phần bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc, đồng thời đưa ra những khuyến nghị cho việc hoạch định những chính sách của Đảng, Nhà nước. Sáng kiến về báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam của Trường ĐHKT cũng nằm trong các nỗ lực đó.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, chúng ta đang ở trong thời đại kinh tế tri thức, trong đó các khoa học liên ngành và nguồn nhân lực phi truyền thống đang có những đóng góp và ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Với triết lý phát triển dựa vào tri thức, đòi hỏi các nhà khoa học phải nỗ lực hơn nữa, hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng giải quyết những vấn đề liên ngành. Trong hoàn cảnh đó, là một ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQGHN có thế mạnh trong việc nghiên cứu những vấn đề liên ngành và được cộng đồng khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là chuỗi báo cáo nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn hàng năm, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời, Báo cáo thường niên kinh tế là sản phẩm chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Trường ĐHKT, ĐHQGHN về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam” do PEPR thực hiện.
Năm 2009, với chủ đề “Kinh tế Việt Nam: Suy giảm và thách thức đổi mới”, lần đầu được công bố, Báo cáo đã được giới khoa học và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam đánh giá cao. Tiếp đó, năm 2010, với chủ đề “Lựa chọn để tăng trưởng bền vững”, Báo cáo được xuất bản bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, chính thức đưa sản phẩm này ra cộng đồng quốc tế.
|