Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Bàn thêm về mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN
Gần 100 các nhà khoa học đã tham dự hội thảo vừa diễn ra trong 2 ngày 24, 25/11/2011. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn chính sách – Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tổ chức.

Tham dự Hội thảo này, ngoài các chuyên gia của CHLB Đức còn có các nhà khoa học từ Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM; ĐHQGHN, các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu, một số Sở, Ban, Ngành chức năng ở Hà Nội
Trong báo cáo đề dẫn của hội thảo, GS. Vũ Cao Đàm – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn chính sách nhấn mạnh, từ Đại Hội  VI (1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đề ra đường lối xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Từ mốc lịch sử này, Việt Nam xóa bỏ hệ thống kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp để chuyển sang một hệ thống kinh tế trong đó thừa nhận quyền của người dân được hoạt động kinh doanh ngoài khu vực kinh tế Nhà nước. Trên con đường phát triển hệ thống kinh tế mới đó, chúng ta thấy nổi lên những tập đoàn lớn của Nhà nước và một số tập đoàn thường xuyên mắc những khoản nợ rất lớn. Chính đó là lý do mà các nhà nghiên cứu Việt Nam dành nhiều nỗ lực tìm kiếm mô hình phát triển cho Việt Nam.
Các nhà khoa học đã thảo luận xoay quanh các chủ đề mà các nhà hoạch định chính sách đang theo đuổi về một mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều nội dung phong phú:
- Mô hình kinh tế được xem là “hệ thống kinh tế thị trường định hướng XHCN" sẽ phải có hình hài thế nào?
- Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được tổ chức và vận hành ra sao?
- Thiết chế vĩ mô sẽ được thiết lập như thế nào để vận hành phù hợp với mô hình kinh tế đó?
- Cấu trúc xã hội XHCN trong mô hình kinh tế thị trường sẽ được kiến tạo ra sao để hài hòa với cách thức vận hành của mô hình kinh tế thị trường?
Để trả lời cho các vấn đề được đặt ra, các nhà khoa học, nhà quản lý của Cộng hoà Liên bang Đức và Việt Nam đã thảo luận và trao đổi về kinh nghiệm và những vấn đề lý luận trong quá trình nghiên cứu các vấn đề như: tính nhân văn của lý luận Cánh Tả trong nền kinh tế thị trường; các giá trị đạo đức trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa, công tác xã hội, các khía cạnh văn hóa, đạo đức kinh doanh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề dân chủ và Nhà nước pháp quyền; bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thảm họa khí hậu toàn cầu...
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã bắt đầu hợp tác với Quỹ Rosa- Luxemburg Cộng hoà liên bang Đức từ cuối năm 2002 với Dự án đầu tiên có tên tiếng Anh là Vietnam-Rosa Luxemburg Project on Policies Studies.
Mục tiêu của dự án là tập trung nghiên cứu những cơ sở kinh tế, xã hội, văn hoá của quá trình hoạch định chính sách, nhất là trong lĩnh vực khoa học và giáo dục.
Kể từ khi triển khai dự án đến nay, hàng loạt các nghiên cứu khoa học; các khóa tập huấn tại các địa phương, khóa tập huấn cho Văn phòng Quốc Hội, các tọa đàm, hội thảo khoa học về chính sách, quy trình hoạch định chính sách, các kỹ thuật ra quyết định chính sách… cũng như các nghiên cứu thực tiễn về sự tác động, ảnh hưởng của chính sách đối với sự phát triển của một quốc gia, một địa phương, một tổ chức hay một vấn đề xã hội… đã được triển khai và đem lại những hiệu quả nhất định đối với công tác nghiên cứu chính sách, hoạch định chính sách của Trường và của ngành khoa học, giáo dục.

 Bùi Tuấn - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :