Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
“Vietnam M&A Review” – Một sản phẩm trí tuệ đặc sắc
“Vietnam M&A Review” - Một sản phẩm trí tuệ đặc sắc “Vietnam M&A Review” là ấn phẩm đầu tiên được xuất bản chuyên nghiên cứu, đánh giá toàn cảnh bức tranh về hoạt động Mua bán và Sáp nhập (M&A) tại Việt Nam. Đây là ấn phẩm đang thu hút được sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới doanh nhân. Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN (đơn vị chủ trì thực hiện) về ấn phẩm này.

>>>> Bản tin số 256 (pdf)

>>>> “Vietnam M&A Review” – Một sản phẩm trí tuệ đặc sắc (pdf)

Thưa Tiến sĩ, được biết Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là đơn vị chủ trì thực hiện và xuất bản ấn phẩm “Vietnam M&A Review”, vậy ý tưởng cho ấn phẩm này xuất phát từ đâu?

Bản thân những người làm nghiên cứu kinh tế và đã có một thời gian trải nghiệm qua thực tiễn ở các doanh nghiệp như chúng tôi rất quan tâm đến những xu hướng đang diễn ra của nền kinh tế. Hoạt động M&A với sự xuất hiện và mở rộng không ngừng tại Việt Nam đã và đang trở thành xu thế và là một trong những kênh đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này thực sự thôi thúc chúng tôi cần phải có những nghiên cứu để tìm ra những quy luật hay hướng đi đúng đắn, nhằm tư vấn và đưa ra các khuyến nghị, các bài học kinh nghiệm… để hoạt động M&A ở Việt Nam có thể đi theo những chiều hướng hiệu quả nhất.

Ý tưởng xây dựng một chương trình nghiên cứu, đánh giá thường niên và xuất bản ấn phẩm "Vietnam M&A Review" được chúng tôi nung nấu từ hơn 3 năm trước. Lúc đó, diễn đàn M&A Việt Nam do Bộ Kế hoạch Đầu tư bảo trợ diễn ra lần đầu tiên. Bản thân khi nghiên cứu và tìm hiểu, chúng tôi cũng nhận thấy rằng đây là lĩnh vực khá mới ở Việt Nam và trong nước chưa có một chương trình nghiên cứu hay công trình xuất bản nào về M&A ngoại trừ một vài cuốn sách được dịch sang tiếng Việt trong thời gian gần đây.

Theo đó, chúng tôi đã xây dựng một chương trình nghiên cứu với sự cộng tác của Diễn đàn M&A Việt Nam, và ấn phẩm “Vietnam M&A Review” đã ra đời.

Tiến sĩ có thể điểm qua một vài nét về bức tranh tổng quan tình hình M&A trên thế giới và tại Việt Nam?

Trên thế giới, M&A là một hoạt động phổ biến trong kinh doanh của các doanh nghiệp và nhà đầu tư; hàng năm giá trị giao dịch M&A theo số liệu thống kê của Thomson Reuters đạt mức trên 3.000 tỷ USD.

Tại Việt Nam, khái niệm M&A dần được biết đến nhiều hơn với các thương vụ M&A hoặc mang tính chất M&A đầu tiên như kem đánh răng Dạ Lan được bán cho P&G, Kinh đô mua lại kem Walls của Unilever, Pacific Airlines bán cổ phần cho Qantas, Bảo hiếm Dai-ichi mua lại Bảo Minh CMG… Trong vòng 10 năm qua, giá trị M&A tại Việt Nam đã tăng trưởng trên 150 lần, từ mức khoảng 30 triệu USD năm 2002 đến 4,7 tỷ USD năm 2011. Đặc biệt, từ năm 2009 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức cao, lần lượt là 65% và 135%, với sự xuất hiện của hàng loạt thương vụ M&A tầm cỡ.

Vậy Tiến sĩ  có thể cho biết ý nghĩa chính của việc xây dựng chương trình nghiên cứu và xuất bản thường niên ấn phẩm này là gì?

Việc nghiên cứu, đánh giá và xuất bản thường niên ấn phẩm Vietnam M&A Review được thực hiện nhằm góp phần cho sự phát triển của hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam. Theo đó, hàng năm, chương trình sẽ tiến hành báo cáo tổng kết hoạt động Sáp nhập và Mua lại (M&A) tại Việt Nam (hướng tới xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về M&A tại Việt Nam), điểm lại yếu tố vĩ mô, các điều kiện về môi trường tác động lên giao dịch M&A, xem xét lại tình hình hoạt động M&A, và đánh giá xu thế, triển vọng của hoạt động M&A trong năm tiếp theo. Thêm vào đó, Ấn phẩm cũng sẽ vượt trên một Báo cáo thường niên qua việc bổ sung phân tích sâu các khía cạnh/ chủ đề cụ thể liên quan đến M&A và đặc biệt là việc nghiên cứu, phân tích và đánh giá các thương vụ tiêu biểu trong năm.

Những nội dung mà ấn phẩm năm nay tập trung là gì?

Chủ đề năm 2011-2012 của Ấn phẩm tập trung vào nội dung “Đi tìm giá trị cộng hưởng”. Vấn đề làm thế nào để tạo giá trị cộng hưởng thông qua các thương vụ M&A là một câu hỏi được quan tâm của các nhà lãnh đạo quốc tế. Các nhà lãnh đạo và quản lí doanh nghiệp Việt Nam cũng đang trăn trở với vấn đề này. Đạt được điều này không dễ khi các con số thống kê cho rằng đến 65% các thương vụ trên thế giới là không tạo ra giá trị cho cổ đông. Không phải cộng hưởng lúc nào cũng tích cực mà có cả cộng hưởng tiêu cực. Chúng tôi cũng đã có những nghiên cứu, trao đổi và chia sẻ về vấn đề này trên các diễn đàn, phương tiện truyền thông hay các ấn phẩm khoa học (như báo cáo, bài báo khoa học) trong thời gian vừa qua và được doanh nghiệp, các nhà đầu tư hay tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm.

Ấn phẩm Vietnam M&A Review 2011 - 2012 bao gồm 3 phần: Phần 1 - Toàn cảnh M&A trong khu vực và Việt Nam (phần này sẽ hướng tới xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu về M&A tại Việt Nam cũng như phân tích dự báo xu thế M&A trong thời gian tới); Phần 2 - Giá trị cộng hưởng; và Phần 3 - Phân tích giá trị cộng hưởng trong các thương vụ M&A tiêu biểu ở Việt Nam (Phần này tập hợp, phân tích, bình luận và nhận định riêng qua các thương vụ tiêu biểu cụ thể).

Những ai sẽ là các đối tượng mà kết quả chương trình nghiên cứu cũng như ấn phẩm hướng đến?

Kết quả chương trình nghiên cứu cũng như Ấn phẩm “Vietnam M&A Review” hướng tới 3 nhóm: Các nhà đầu tư, doanh nghiệp và tổ chức/cá nhân; Cơ quan quản lí và hoạch định chính sách của Nhà nước; và các tổ chức hay các nhà nghiên cứu, tư vấn trong và ngoài nước…

Trước tiên M&A được coi như là chiến lược ở tầm quản trị cấp cao quyết định con đường phát triển của doanh nghiệp hay tổ chức. Tiếp đến, khi doanh nghiệp thực hiện M&A thì sẽ cần sự triển khai thực hiện ở các cấp độ quản lí thấp hơn và những chuyên viên chuyên trách. Ấn phẩm này cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm, phân tích, bình luận và nhận định riêng qua các thương vụ tiêu biểu cụ thể và đi sâu vào phân tích một khía cạnh cụ thể của M&A nên sẽ hữu ích cho nhóm đối tượng là các nhà đầu tư, chủ sở hữu doanh nghiệp, các lãnh đạo và quản lí của doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân trong và ngoài nước.

Tiếp đến, Ấn phẩm hệ thống hóa các vấn đề lí luận cũng như tiến hành báo cáo tổng kết hoạt động Sáp nhập và Mua lại (M&A) tại Việt Nam và hướng tới xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về M&A tại Việt Nam, điểm lại yếu tố vĩ mô, các điều kiện về môi trường tác động lên giao dịch M&A, xem xét lại tình hình hoạt động M&A, và đánh giá xu thế, triển vọng của hoạt động M&A trong năm tiếp theo nên cũng sẽ hữu ích cho các nhà làm công tác quản lí, hoạch định chính sách, luật… tại các cơ quan quản lí của Nhà nước về đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp, thị trường… tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ấn phẩm dựa trên một chương trình nghiên cứu nên cũng là nguồn tài liệu tham khảo cho các tổ chức hay các nhà nghiên cứu, tư vấn trong và ngoài nước… theo các khía cạnh có liên quan đến M&A.

Tiến sĩ có thể chia sẻ kế hoạch sắp tới của nhóm chuyên gia nghiên cứu?

Trong thời gian trước mắt, nhóm nghiên cứu sẽ cố gắng xuất bản Ấn phẩm bằng tiếng Anh. Trên thực tế, Ấn phẩm “Vietnam M&A Review 2011-2012: Đi tìm giá trị cộng hưởng” được sự bảo trợ thông tin của Viện nghiên cứu mua lại, hợp nhất và liên minh chiến lược IMAA Thụy Sỹ. GS.TS Christopher Kummer - Chủ tịch IMAA đã đánh giá cao ý tưởng, sự nỗ lực và công việc của nhóm nghiên cứu và đã bày tỏ mong muốn được cùng các tác giả đưa những nghiên cứu và nội dung ấn phẩm này ra quốc tế.

Tại diễn đàn M&A Vietnam 2012 vừa qua, chúng tôi cũng đã tiến hành gặp gỡ một số tổ chức quốc tế chuyên về M&A như Recof (Nhật Bản), MergerMarket (một đơn vị trực thuộc Financial Times – Anh Quốc)… để trao đổi cơ hội hợp tác và phát triển Ấn phẩm tốt hơn nữa.

Các khó khăn và thách thức đặt ra cho nhóm nghiên cứu là gì?

Trước tiên thì việc ra đời Ấn phẩm này không thể thiếu được sự hỗ trợ của Ban Giám đốc ĐHQGHN và Ban Giám hiệu trường ĐHKT, cũng như một số giảng viên, NCS, học viên và sinh viên của Trường ĐHKT và một số trường đại học khác. Chính những ý tưởng tiên phong và định hướng phát triển KHCN mang tính trọng điểm nhằm tạo ra các sản phẩm KHCN hữu ích và đột phá của các thầy đã là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho nhóm nghiên cứu với quyết tâm cao đạt được mục tiêu đặt ra.

Đúng là có những khó khăn và thách thức không nhỏ. Việc xây dựng chương trình nghiên cứu và xuất bản lần đầu Ấn phẩm như vậy, nhóm nghiên cứu đã phải rất nỗ lực với đam mê và tâm huyết rất cao trong điều kiện khó khăn, đặc biệt là về nguồn kinh phí. Với mục tiêu sắp tới đề ra cũng khá tham vọng là xuất bản bằng tiếng Anh để đưa Ấn phẩm ra quốc tế, tiếp tục triển khai chương trình nghiên cứu cho năm tiếp theo, mở rộng quy mô và phạm vi nghiên cứu… khó khăn về nguồn lực cụ thể là về kinh phí càng lớn. Nhóm nghiên cứu cũng đang nỗ lực tìm giải pháp cho kế hoạch lâu dài về mặt tài chính để ổn định tập trung vào chuyên môn. Do vậy sự hỗ trợ của ĐHQGHN sẽ là rất to lớn.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

 

 ĐỖ CHIÊM (thực hiện) - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :