Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Hội thảo quốc tế tính toán hiệu năng cao và ứng dụng - HPCA 2005
Trong hai ngày 23 và 24/11/2005, Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo quốc tế về tính toán hiệu năng cao và ứng dụng. Hội thảo giới thiệu một số thành tựu mới nhất về tính toán song song, tính toán lưới và kỹ thuật mô phỏng số đồng thời cũng dành nhiều thời gian cho việc trao đổi kinh nghiệm vận hành các trung tâm tính toán hiệu năng cao.

Hơn 80 đại biểu, trong đó có 9 nhà khoa học từ Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ và Đài Loan đã tới dự. Hội thảo vinh dự được đón tiếp GS.TSKH Bành Tiến Long - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, TS. Nguyễn Công Thành - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn - Phó Viện Trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, GS.TSKH Đào Trọng Thi - Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQGHN cùng nhiều nhà khoa học là lãnh đạo các trường, viện, ban, ngành trong và ngoài ĐHQGHN.

Trong diễn văn khai mạc, GS.TSKH Đào Trọng Thi đã nêu rõ tầm quan trọng của tính toán hiệu năng cao cũng như sứ mạng của ĐHQGHN trong việc nghiên cứu và ứng dụng tính toán song song, tính toán mạng lưới để giải quyết các bài toán thực tế quan trọng cho đất nước.

Các báo cáo tại Hội thảo được chia thành 3 nhóm với các chủ đề sau:

1.     Kinh nghiệm vận hành và khai thác các trung tâm tính toán hiệu năng cao.

2.     Công nghệ mới trong tính toán song song và tính toán lưới.

3.     Kỹ thuật mô phỏng số để giải các bài toán thực tế trên máy tính hiệu năng cao.

Nhóm thứ nhất gồm các báo cáo của TS. H.Y. Chang và TS. C.Y. Shen về nghiên cứu và triển khai tính toán bó/mạng lưới tại Trung tâm tính toán hiệu năng cao Đài Loan, của TS. Nitin Arun Harne về những thành tựu trong tính toán hiệu năng cao và tính toán lưới tại Trung tâm tính toán tiên tiến C-DAC, Ấn Độ, của PGS.TS Nguyễn Thanh Thuỷ và các cộng sự về xây dựng nền tảng tính toán hiệu năng cao tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, của TS. Hoàng Minh Tuấn và cộng sự về kinh nghiệm đánh giá hiệu quả bó máy tính song song.

Nhóm thứ hai gồm các báo cáo của GS. L. Barolli về xu hướng nghiên cứu mạng băng rộng và mạng không dây, của GS. Sơn Vương về công nghệ mới COOL Search và Bit-Vampire cũng như khả năng ứng dụng to lớn của chúng trong tương lai, của nhóm nghiên cứu về đánh giá hiệu năng PVFS của bó LINUX tại Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN.

 Nhóm thứ ba bao gồm các báo cáo về phương pháp toán học và mô phỏng giải các bài toán thực tế: của GS Nguyễn Hữu Công về phương pháp song song dự báo - hiệu chỉnh dạng Runge-Kutta-Nystrom cho bài toán không cương, của GS. A. Haeseler về áp dụng tính toán song song trong khôi phục gen, của GS. Shao Xiu-min về mô phỏng số sự truyền sóng trong môi trường vô hạn, của GS. Nguyễn Quý Hỷ và GS. Nguyễn Văn Hữu về bài toán giảm thiểu rủi ro do động đất và lũ lụt cho dự án thuỷ điện Sơn La, của PGS. Hoàng Văn Lai về áp dụng tính toán song song trong việc tính toán vỡ đập, của PGS. Đặng Quang Á về phương pháp lặp song song giải bài toán biên với gián đoạn bước nhảy trên biên của các miền con.

Đặc biệt, Hội thảo đã dành 2 giờ thảo luận bàn tròn (Penal session) nhằm đề xuất hướng phát triển cho Trung tâm tính toán hiệu năng cao  (HPC) của Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN. Các nhà khoa học nước ngoài đều cho rằng Trung tâm HPC của Trường ĐHKHTN mặc dù hiện nay được trang bị hiện đại nhất Việt Nam, song có quy mô nhỏ và không được nhà nước bao cấp như nhiều trung tâm khác trên thế giới, ví dụ như NHPC Đài Loan hoặc C-DAC Ấn Độ chẳng hạn. Vì vậy, Trung tâm HPC nên hướng tới người sử dụng trong ĐHQGHN cũng như nhu cầu tính toán ở Việt Nam. Nên bắt đầu từ những ứng dụng nhỏ nhằm chứng tỏ tính hiệu quả của Trung tâm. Cần hợp tác với các nhà khoa học và đề xuất với ĐHQGHN một quy chế khuyến khích các chủ trì đề tài khoa học thực hiện tính toán trên các bó máy tính hiệu năng cao. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng tính toán hiệu năng cao. Bước tiếp theo của Trung tâm là xây dựng các dự án mạng lưới (Grid projects) như V-Grid, University-Grid, Learning-Grid, v.v... để kết nối với các trung tâm tính toán khác trong và ngoài nước.

Hội thảo đã nhận được sự giúp đỡ và tài trợ của Dự án giáo dục Đại học 2000-2005, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đề tài trọng điểm QG.TĐ0510 về thuật toán song song và kỹ thuật mô phỏng số cho máy tính hiệu năng cao, Đề tài trọng điểm về một số vấn đề chọn lọc của tối ưu hoá và tính toán khoa học, Công ty IBM Việt Nam, Công ty FPT Software.

Các cuộc trao đổi, tiếp xúc ngoài lề hội thảo khá hiệu quả với nhiều thoả thuận hợp tác được cam kết. Hội thảo đã kết thúc thành công hơn cả mong đợi. Các đại biểu mong muốn Trường ĐHKHTN sẽ kết hợp với các đơn vị khác thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế kèm theo các trại huấn luyện (training camps) về tính toán song song, tính toán lưới.

 Phạm Kỳ Anh
Khoa Toán - Cơ - Tin học,
Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :