Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Cơ hội và thách thức tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN
Ngày 11/10/2013, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN tổ chức Hội thảo “Tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam” tại Hà Nội với sự tài trợ của Quỹ Friedrich Naumann (FNF) và Bộ Khoa học Công nghệ.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ đề tài “Cộng đồng kinh tế ASEAN trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam”, mã số KX.01.11/11-15, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KX.01/11-15.
Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Hội đồng lý luận trung ương, đại diện các Bộ - Ban - Ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Uỷ ban quốc gia về hợp tác Kinh tế quốc tế, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đại diện lãnh đạo một số địa phương (Thái Nguyên, Bắc Giang), đại diện Quỹ Friedrich Naumann (FNF), đại diện lãnh đạo Phái đoàn EU tại Việt Nam và một số Đại sứ quán các nước Đông Nam Á, đại diện các Viện nghiên cứu và các Trường đại học khối kinh tế, kinh doanh và quản lý, cùng đại diện các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp là đối tác của Trường ĐHKT, ĐHQGHN.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tăng cường trao đổi học thuật cũng như kinh nghiệm thực tiễn, cung cấp một diễn đàn cho các học giả và các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận về kinh nghiệm hội nhập kinh tế, kinh nghiệm của các nước ASEAN trong việc tham gia và đóng góp cho việc thực hiện AEC vào năm 2015 cũng như những gợi ý cho Việt Nam tham gia thành công AEC.
Ngoài ra, Hội thảo một lần nữa khẳng định ý nghĩa của việc thành lập AEC với các nước thành viên. Sau hơn 40 năm thành lập, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thể hiện là một tổ chức liên kết khu vực thành công, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong khu vực và quốc tế. Việc tích cực và chủ động tham gia AEC sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho các nước thành viên ASEAN như tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, tăng cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tham gia tích cực vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng trong khu vực và toàn cầu. Việt Nam cũng có cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Hiện, các nước trong khu vực đã triển khai nhiều hành động chuẩn bị cho việc thành lập AEC và hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc theo lộ trình.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN cho rằng hội nhập kinh tế ASEAN, đặc biệt việc ủng hộ và tham gia tích cực AEC sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế và uy tín trên diễn đàn ASEAN cũng như các diễn đàn quốc tế khác, nắm bắt được những cơ hội và chủ động đối phó với những thách thức trong tiến trình hợp tác khu vực nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một trong những thách thức hiện nay đó là khoảng cách lớn về trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước ASEAN, do đó quá trình thực hiện AEC của Việt Nam vẫn phải đối đầu với nhiều khó khăn. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, Hội thảo này thực sự hữu ích, giúp đưa ra những khuyến nghị, góp phần giúp các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam xây dựng được các biện pháp, chiến lược phù hợp để hội nhập AEC thành công, mang lại những lợi ích thiết thực cho nền kinh tế Việt Nam.
Hội thảo đã nghe các chuyên gia thuyết trình và cùng thảo luận về hai chủ đề chính: Kinh nghiệm của các nước ASEAN trong việc tham gia vào AEC với 4 trụ cột gồm thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, vùng kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế công bằng và hội nhập vào nền kinh tế thế giới; Kinh nghiệm của EU và các khu vực khác về hội nhập khu vực, trong đó nhấn mạnh vào các vấn đề: (i) Quá trình hình thành và phát triển của Liên minh Châu Âu, những thách thức của EU trong bối cảnh toàn cầu mới và những kinh nghiệm cho các nước ASEAN, (ii) Kinh nghiệm của các nước thành viên EU trong việc tham gia vào EU, (iii) So sánh giữa EU và AEC.
Bản tin video:

 Sinh Vũ - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :