Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Sự ra đời dự án Phòng thí nghiệm Vật lý Nhiệt độ thấp (Cryolab)
30 năm từ ngày thành lập, Phòng thí nghiệm Vật lý Nhiệt độ thấp (Cryolab) thuộc Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN đã đạt được nhiều thành tích tự hào trong đào tạo cán bộ có trình độ cao, trong nghiên cứu khoa học và trong hợp tác quốc tế.

Nhiều năm qua Cryolab đã trở thành địa chỉ được nhiều người cán bộ khoa học và quản lý ở trong nước và trên thế giới biết đến với sự trân trọng. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Cryolab, tôi xin nêu một số thông tin về sự ra đời của Cryolab.

Vào đầu những năm 1970, tôi được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thông báo chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận phòng thí nghiệm Vật lý Nhiệt độ thấp do các trường ĐH của Hà Lan viện trợ. Tin đó đến với tôi vô cùng bất ngờ và vui mừng. Bất ngờ vì nước ta nghèo (thiếu đủ mọi thứ), vẫn trong tình trạng chiến tranh lại xây dựng một phòng thí nghiệm cơ bản và rất tốn kém. Vui mừng vì ngay từ khi còn học đại học và sau này là nghiên cứu sinh ở Trường ĐH Tổng hợp Lômônôxốp - Matxcơva (Liên Xô cũ), tôi đã có ước nguyện là sau này khi về nước, Việt Nam có được một phòng thí nghiệm có môi trường nhiệt độ thấp (nhiệt độ hêli lỏng 4,2K) để triển khai các nghiên cứu khoa học. Chính vì ý nguyện đó mà trước khi về nước (cuối năm 1969) tôi đã thu thập các tài liệu như: hệ thống hóa lỏng khí hêli, hệ thống thu hồi khí hêli, các buồng chứa nitơ và hêli lỏng, sơ đồ các hệ đo ở nhiệt độ thấp và cả một cuộn dây siêu dẫn với từ trường cực đại 20Koe,…

Thắc mắc của tôi về việc xây dựng một phòng thí nghiệm nhiệt độ thấp ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN) được giải tỏa khi tôi được gặp Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp GS. Tạ Quang Bửu, tại nhà riêng của ông. Giáo sư Bửu giải thích cho tôi là ngay từ bây giờ (còn chiến tranh) ta phải chuẩn bị các điều kiện để nghiên cứu trong tương lai. Hà Lan là nước nhỏ, nhưng có 2 lĩnh vực phát triển mạnh là nhiệt độ thấp và vi điện tử. Khi đó, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội được giao nhiệm vụ xây dựng Phòng thí nghiệm Vật lý Nhiệt độ thấp và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng Phòng Thí nghiệm Vi điện tử. Giáo sư Tạ Quang Bửu còn nói thêm, sau này đất nước yên bình, ta sẽ xây dựng đường tải điện siêu dẫn từ Hà Nội vào Sài Gòn để không hao tổn điện năng. Theo lời của GS. Tạ Quang Bửu, tôi chuẩn bị phương án về việc xây dựng phòng thí nghiệm Vật lý Nhiệt độ thấp ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội với sự viện trợ của Hà Lan.

Sau này, năm 1980, ngay sau khi khánh thành Cryolab bằng việc hóa lỏng được He tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi đã được đón Giáo sư Tạ Quang Bửu về thăm. Chúng tôi đã báo cáo với Giáo sư là lời chỉ huấn của Giáo sư đã bước đầu trở thành hiện thực. Tôi còn nhớ mãi lời Giáo sư nhắc lại không phải một lần, đại ý là: Các đồng chí làm được thế này là rất tốt, song cần phải trung thực, trung thực với mình và trung thực với bạn hợp tác (Hà Lan).

Tháng 1/1975, Đoàn cán bộ của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp gồm 5 người do đồng chí Nguyễn Đức Thừa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội làm Trưởng đoàn đã sang Hà Lan tham quan và học tập kinh nghiệm. Các anh Vũ Đình Cự và Nguyễn Xuân Chánh chịu trách nhiệm dự án Phòng Thí nghiệm Vi điện tử, còn anh Lê Khắc Bình và tôi phụ trách Phòng thí nghiệm dự án Vật lý Nhiệt độ thấp.

Phải nói thêm là, sau khi Mỹ ném bom ở Hà Nội (tháng 12/1972) phong trào đấu tranh, biểu tình của các ĐH Hà Lan bùng lên rất mạnh để phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và ủng hộ tiền để khôi phục lại các trường ĐH ở Hà Nội. Chúng tôi sang Hà Lan được các bạn ở các ĐH Hà Lan đón tiếp rất thân tình và sôi nổi.

Sang đến Hà Lan, chúng tôi được các bạn cho biết là, với số tiền các bạn quyên góp được, có thể mời các cán bộ khoa học Việt Nam ở lại làm việc, nghiên cứu ở các ĐH Hà Lan trong thời gian 2 - 3 năm. Chúng tôi thật ngỡ ngàng.

Qua trao đổi thông tin với các bạn Hà Lan, chúng tôi đã nói đến một đất nước Việt Nam đang bị chiến tranh tàn phá và thiếu thiết bị để giảng dạy, nghiên cứu. Nếu chúng tôi được ở lại học tập, nghiên cứu thêm một thời gian, đó là điều tốt. Tuy nhiên, sau khi về nước lại không có phương tiện làm việc. Phía Việt Nam đã thuyết phục phía bạn là giúp ta xây dựng 2 PTN như trên. Cuối cùng phía bạn đã tán thành và tìm nhiều cách xin kinh phí của Chính phủ (quỹ các trường ĐH Hà Lan hỗ trợ các trường học nước ngoài – NUFFIC) để xây dựng phòng thí nghiệm. Đây là dự án khoa học, do đó cần phải có các cán bộ khoa học sử dụng, vận hành phòng thí nghiệm. Biết được băn khoăn của bạn, chúng tôi bàn với nhau là giành một khoảng thời gian ngắn (2-3 tháng) để vào các phòng thí nghiệm cùng làm việc với các nhà khoa học Hà Lan.

Tôi và anh Lê khắc Bình vào thực tập ở phòng thí nghiệm mang tên Giáo sư Kamerlingh - Onnes (ở thành phố Leiden). Kamerlingh - Onnes người đầu tiên hóa lỏng khí hêli và phát hiện ra siêu dẫn ở thủy ngân (1911), được giải thưởng Nobel (1913). Đây là PTN nổi tiếng trên thế giới về các công trình nghiên cứu về vật lý nhiệt độ thấp. Chúng tôi vừa tham gia các thí nghiệm, vừa tìm hiểu phòng thí nghiệm, vừa cùng với ông Max Spoor (một cán bộ trong Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Hà Lan giúp Việt Nam, nhưng có chuyên môn về Xã hội học), viết dự thảo dự án: Phòng thí nghiệm Vật lý Nhiệt độ thấp ở trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

Với sự giúp đỡ tận tâm và có hiệu quả của các nhà khoa học và các bạn Hà Lan, cuối cùng dự án Phòng thí nghiệm Vật lý Nhiệt độ thấp và Phòng thí nghiệm Vi điện tử đã được NUFFIC thông qua.

Đó là tin vui của đoàn công tác. Tin vui đó đến cùng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi đi bộ quanh Thành phố Amsterdam cả ngày 1/5/1975. Tiếc là không được ở trong nước để hưởng niềm vui cùng Đất nước. Tối hôm đó, chúng tôi tổ chức liên hoan với các bạn Hà Lan để mừng chiến thắng và mừng cho dự án “Phòng thí nghiệm Vật lý Nhiệt độ thấp” ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và “Phòng Thí nghiệm Vi điện tử” ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ được thực hiện.

Về nước, đoàn công tác đã báo cáo kết quả chuyến công tác với Bộ trưởng Tạ Quang Bửu. Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng, các thủ tục tiếp nhận viện trợ và xây dựng phòng thí nghiệm đã được thực hiện một cách nhanh chóng cùng với sự giúp đỡ của Giáo sư Lê Thạc Cán ( lúc đó là Vụ trưởng Vụ Khoa học của Bộ). Chính phủ Việt Nam đã chính thức chấp nhận 2 đề án Phòng thí nghiệm Vật lý Nhiệt độ thấp và Vi điện tử. Cùng với đó, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã ra quyết định cho Trường ĐH Tổng hợp được tiếp nhận dự án “Phòng thí nghiệm Vật lý Nhiệt độ thấp” với 7 biên chế (ban đầu).

Giáo sư Nguy Như Kon Tum - Hiệu trưởng đã giành một địa điểm ngay tại trung tâm nhà liên hợp cho việc lắp đặt các thiết bị phòng thí nghiệm. Thời kỳ sau một975, đất nước ta, trường ta gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng lãnh đạo Trường ĐH Tổng hợp đã chỉ đạo và tạo mọi điều kiện để ta tiếp nhận PTN Vật lý Nhiệt độ thấp.

Các đồng nghiệp đã cùng sát cánh bên nhau, lao động không mệt mỏi, làm tất cả các công việc từ trí óc đến chân tay để đặt nền móng xây dựng Cryolab.

Chúng tôi luôn nhớ mãi những ngày thật sôi nổi, quên mình và trí tuệ của tập thể Cryolab.

 Thân Đức Hiền - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :