Nối tiếp hội thảo lần thứ nhất với chủ đề “Bất bình đẳng”, hội thảo lần này đi sâu vào phân tích, thảo luận tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Tại đây, các đại biểu đã được nghe báo cáo “Phân tích tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay” của TS. Susan Adams, cựu chuyên gia kinh tế của IMF tại Việt Nam (2001- 2005), nay là chuyên gia nghiên cứu giáo dục của Đại học RMIT-Vietnam và chương trình USAID-STAR.
Trong báo cáo này, bà Susan đã trình bày bối cảnh kinh tế toàn cầu và những tác động của nó tới nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, năm 2008 cũng như trong vài năm tới do ảnh hưởng xấu của kinh tế toàn cầu tốc độ tăng trưởng Việt Nam sẽ chậm lại và có xu hướng giảm (năm 2007: 8,4%; năm 2008: 6,2%; dự kiến năm 2009: 5.5%; 2010:6,2%), đồng thời thâm hụt ngân sách có dấu hiệu gia tăng (năm 2007: -6,9%; năm 2008: -5.1%; dự kiến năm 2009: -7,3%; năm 2010: -7,1%).
Báo cáo cũng đề cập và đưa ra một số đánh giá về những chính sách mà chính phủ Việt Nam đối phó với cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu, trong đó đáng chú ý là những phân tích của tác giả đối với nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện gói “kích cầu”. Từ đó, tác giả gợi ý một số biện pháp nhằm đảm bảo những mục tiêu trước mắt cũng như tính bền vững về lâu dài cho Việt Nam như: khuyến khích sản xuất và xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và tiêu dùng; duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt…
Ngoài báo cáo trên, hội thảo cũng được nghe rất nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi sâu sắc của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Dự kiến trong thời gian tới Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN sẽ cùng phối hợp với Fulbright, STAR Vietnam tổ chức hội thảo về các vấn đề kinh tế, giáo dục, an sinh xã hội…
|