Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
"Ông Nobel" của Đại học Quốc gia Hà Nội ...(*)
Ngày 12/3/2009, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh - giảng viên Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, nhà khoa học hàng đầu về nghiên cứu biến đổi khí hậu của Việt Nam lại thêm một lần được vinh danh với bằng Tiến sĩ Danh dự của trường Đại học Pécs (Hungary) trao tặng.

Nhiều người chỉ biết đến ông với cái tên "ông Nobel Việt Nam", nhưng giới nghiên cứu lại nhìn nhận ông với tư cách là một nhà khoa học cả đời say sưa nghiên cứu về biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu cái… xa vời


Với mái tóc dài rất nghệ sĩ, tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh bảo rằng, mình từng bị chê là gàn dở khi “đâm đầu” vào nghiên cứu biến đổi khí hậu.

Năm 1971, chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Ninh là một trong những thanh niên ưu tú, thi đỗ và học tại trường đại học Szeged (Hungary) và hoàn tất bằng tiến sĩ năm 1986 tại quốc gia này. Cũng trong năm đó, ông Ninh lại tìm tòi về sự sống, nhất là sự sống ngoài không gian. Thời điểm đó, việc tra cứu tài liệu là vô vàn khó khăn, ông Ninh phải liên hệ với Trung tâm nghiên cứu khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ xin được giúp đỡ.

Sau khi "vớ" được tập tài liệu, ông Ninh phát hiện ra khái niệm "biến đổi khí hậu". Đây cũng là một vấn đề liên quan đến sự sống trên toàn trái đất. Từ đó, ông Ninh bắt tay vào nghiên cứu vấn đề này. Thế nhưng, ở cái thời điểm đất nước còn khó khăn ấy, việc nghiên cứu biến đổi khí hậu là một vấn đề... xa xỉ với nhiều người. Nhiều nhà khoa học khi ấy cho rằng, cần phải nghiên cứu đến cây trồng nọ, vật nuôi kia để thúc đẩy kinh tế... Bởi vậy, ông Ninh được xem là người "trái khoáy".

Ông không nhận được nhiều sự giúp đỡ bởi biến đổi khí hậu không nằm trong ngạch nghiên cứu khoa học lúc đó.

May sao, tháng 10/1987, ông Ninh được sang Mỹ làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ khoảng nửa tháng. "Tại đây, tôi được gặp nhiều nhà khoa học cùng chí hướng... và học được phương pháp của họ, xem họ nghiên cứu cái gì ở Mỹ và rút ra ở Việt Nam cần nghiên cứu cái gì, cần làm gì...," ông Ninh nói.

Bước ngoặt lớn đến với sự nghiệp của ông Ninh vào năm 1991, khi ông cùng một số nhà khoa học Việt Nam và Mỹ hoàn thành công trình nghiên cứu ban đầu về hiện tượng Eninho của Việt Nam. Khi ấy, họ đã tổ chức Hội thảo quốc tế đầu tiên ở Việt Nam do Liên hợp quốc tài trợ có tên: "Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng".

Sau hội thảo, nhiều tổ chức quốc tế xin hợp tác và mời các nhà khoa học của Việt Nam đi đến nhiều nước. Đây là cơ hội để ông Ninh trau dồi kiến thức với bạn bè đồng nghiệp quốc tế...

Trở thành "ông Nobel Việt Nam"


Cho đến bây giờ, khi mà khái niệm biến đổi khí hậu không còn xa lạ, ngay cả với người dân. Hàng loạt những thảm họa do thiên tai gây ra đã làm cho người ta nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng của việc nghiên cứu, dự báo vấn đề này. Với sự đóng góp không mệt mỏi với hàng trăm báo cáo khoa học mang tầm cỡ quốc tế về biến đổi khí hậu, cái tên Nguyễn Hữu Ninh đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Năm 2007, khi bước vào tuổi 54, tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh đã được xướng danh trong lễ trao giải Nobel hòa bình tối 10/12/2007 tại Oslo (Na Uy) khi ông là một trong 10 tác giả chính của chương châu Á (trong công trình nghiên cứu đồ sộ của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu mang tên "Báo cáo lần thứ tư – biến đổi khí hậu 2007").

Hiện tại, tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh vẫn đang đảm trách công việc giảng viên/nghiên cứu viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và là Chủ tịch hội đồng khoa học (Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Môi trường và Phát Triển.

Trước khi sang Hungary nhận bằng tiến sĩ danh dự, ông Nguyễn Hữu Ninh đã được trường Đại học East Anglia (Vương Quốc Anh) trao bằng Tiến sĩ khoa học Danh dự năm 2002 về những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, ông Ninh cũng được biết đến với tư cách thành viên của rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học về môi trường và biến đổi khí hậu như thành viên Tổ công tác soạn thảo chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu; Nhóm cố vấn Tạp chí TIEMPO (Mạng lưới biến đổi khí hậu của thế giới thứ 3); Cố vấn cao cấp, Tổ chức bảo vệ thiên nhiên thế giới (IUCN) Vietnam.../.

>>> Các bài liên quan:

 Trung Hiền (Tít bài do VNU đặt) - Vietnam+
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :