Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Đại học và sự đa dạng
Hội thảo quốc tế với chủ đề trên do Đại sứ quán Pháp tổ chức trong 2 ngày 30 - 31/3/2009 tại Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam.

Hội thảo quy tụ hàng trăm nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã tham dự. 

Nằm trong khuôn khổ Đại hội Pháp ngữ tại Việt Nam, hội thảo lần này hướng tới mục đích để phát triển các trường đại học nước ta tập trung vào các vấn đề then chốt như: Thực trạng hợp tác đại học Pháp ngữ tại Việt Nam; Những phương thức mới đối với một nền đại học đạt chuẩn quốc tế; Những tác nhân mới đối với một nền đại học đạt chuẩn quốc tế...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long cho biết, thời gian qua tuy có nhiều cố gắng đổi mới nhưng nhìn chung, giáo dục đại học Việt Nam vẫn đang ở trong tình trạng yếu kém, bất cập và đối diện với nhiều thách thức, mà trước hết là sự bất cập về khả năng đáp ứng của hệ thống giáo dục đại học đối với yêu cầu đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá và nhu cầu học tập của nhân dân. Do vậy, đến năm 2015, ước tính nước ta cần có 100.000 giảng viên, trong đó phải có 25.000 giảng viên (đạt tỉ lệ 25%) có trình độ tiến sĩ. Thứ trưởng Long cũng cho biết thêm, năm 2008, Bộ GD&ĐT đã nhận được gần 2.000 hồ sơ đăng ký và tuyển chọn được trên 660 ứng viên tiến sĩ và 200 ứng viên thạc sĩ cử đi đào tạo ở nước ngoài. Năm 2009, Bộ sẽ tiếp tục tuyển chọn thêm 900 ứng viên để gửi ra nước ngoài đào tạo trong đó dự kiến có 700 tiến sĩ và 200 thạc sĩ.

Ngài Hervé Bolot - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CH Pháp

Đại sứ CH Pháp tại Việt Nam Herve Bolot cho rằng trong lĩnh vực đào tạo đại học Việt Nam đang có bước ngoặt và thông qua quan hệ đối tác, Việt Nam đã đi tắt qua một số giai đoạn. Đại sứ khẳng định Việt Nam là một mảnh đất của đào tạo đại học với sự đa dạng rất lớn, phân bổ trên khắp lãnh thổ Việt Nam.

Sôi nổi tranh luận tại hội thảo, các đại biểu đã nêu lên nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam như: Xây dựng quy trình đào tạo mềm dẻo và liên thông, đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập ở đại học; Khuyến khích các trường lựa chọn áp dụng các chương trình, giáo trình tiên tiến của các nước phát triển. Xây dựng một trung tâm dữ liệu quốc gia về đào tạo và nghiên cứu khoa học, hệ thống thư viện điện tử và các trung tâm học liệu để tạo các công cụ hỗ trợ cho việc dạy, học và đánh giá kết quả học tập. Một giải pháp hết sức quan trọng là xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học có trình độ chuyên môn cao, phong cách quản lý và giảng dạy tiên tiến, hiện đại.

Xóa bỏ sự phân biệt giữa giảng viên biên chế và hợp đồng dài hạn, giảng viên các trường công lập và ngoài công lập. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế chính sách để thu hút chuyên gia giỏi từ các cơ sở nghiên cứu, sản xuất kinh doanh trong nước và ngoài nước hỗ trợ cho giảng dạy đại học cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Một số đại biểu cho rằng, việc trước mắt chúng ta cần làm là đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đại học nhằm đa dạng hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư. Dành quỹ đất cho các trường đại học, có quy hoạch các khu đại học tập trung, hiện đại; chuẩn hóa cơ sở vật chất và xây dựng một số cơ sở hạ tầng chung cho giáo dục đại học.

Trong tham luận tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó giám đốc ĐHQGHN đã trình bày về vai trò của Đại học Quốc gia trong nền giáo dục đại học Việt Nam, từ đó nêu lên 8 triết lý phát triển mà ĐHQGHN đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện. Thông qua nội dung phát biểu của mình, GS. Đức cũng khẳng định rằng, việc xây dựng một số trung tâm đại học, trường đại học trình độ quốc tế, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế sẽ là chỗ dựa về chất lượng cho toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

 An Thái - Văn Trương - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :