Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Nghiên cứu Thái học - nghiên cứu Việt Nam học trên không gian Tày Thái
Hội nghị Thái học Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Địa danh và những vấn đề lịch sử - văn hoá của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái Việt Nam" vừa được tổ chức tại Điện Biên Phủ với sự chủ trì của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Điện Biên và Viện Việt Nam học và KHPT (ĐHQGHN).

Cách đây vừa tròn 20 năm, Chương trình Thái học Việt Nam chính thức được thành lập và được đặt trong Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam (nay là Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội) với nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu tổng hợp (chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực của khoa học xã hội nhân văn và môi trường sinh thái) các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái ở Việt Nam.

Thái học Việt Nam thực chất là Việt Nam học được triển khai trên không gian văn hoá xã hội và môi trường Tày-Thái, sử dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành, kết hợp Dân tộc học với các ngành khoa học liên quan như Sử học, Xã hội học, Ngôn ngữ học, Văn hoá dân gian, Địa lý, Môi trường… để đi đến nhận thức khách quan và tổng thể về các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hoá truyền thống, làm cơ sở đề xuất các giải pháp phát triển khu vực, đồng thời củng cố, nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc, thực hiện thành công các chủ trương chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hoá, mở cửa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Sau tròn 20 năm triển khai hoạt động (1989-2009), chương trình đã hoàn thành nhiều đề tài khoa học có chất lượng chuyên môn cao, tổ chức thành công 4 hội nghị, hội thảo khoa học cấp quốc gia, tạo được vị thế trong nền học thuật trong nước và có ảnh hưởng quốc tế. Đó là các Hội nghị Thái học Việt Nam lần thứ nhất (năm 1991) chủ yếu tập trung vào lĩnh vực văn hoá; Hội nghị Thái học Việt Nam lần thứ 2 (1998) và lần thứ ba (2002) với cùng chủ đề văn hoá và lịch sử. Cả ba cuộc Hội nghị đầu tiên này đều được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị Thái học Việt Nam lần thứ 4 (2006) được tổ chức tại Cao Bằng với chủ đề "Đóng góp của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái trong tiến trình lịch sử Việt Nam".

Hội nghị Thái học lần thứ 5 tại Điện Biên

Bắt đầu từ năm 2006, Chương trình Thái học Việt Nam thống nhất quy định cứ 3 năm một kỳ tổ chức Hội nghị Thái học toàn quốc và ưu tiên cho các địa phương có nhiều thành tựu sưu tầm, tập hợp tư liệu và triển khai các đề tài nghiên cứu về các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái đứng ra đăng cai tổ chức Hội nghị. Hội nghị cũng nhất trí theo gợi ý của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, quyết định chọn thành phố Điện Biên Phủ làm nơi tổ chức Hội nghị Thái học toàn quốc lần thứ 5 vào dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Sau 3 năm chuẩn bị, được sự chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi của Tỉnh uỷ, Hội nghị Thái học Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Địa danh và những vấn đề lịch sử - văn hoá của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái Việt Nam" vừa được tổ chức tại Điện biên với sự chủ trì của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Điện Biên và Viện Việt Nam học và KHPT (ĐHQGHN). Bà Lò Mai Trinh, UV TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên cùng các đồng chí thường vụ tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và hơn 100 đại biểu đã tham dự Hội nghị.

GS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện VNH&KHPT

Thay mặt ban tổ chức, GS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện VNH&KHPT đã báo cáo khai mạc và báo cáo tổng kết Hội nghị. Với 50 báo cáo khoa học của các tác giả từ các Viện nghiên cứu, các trường Đại học tại Hà Nội, Huế, Thái Nguyên, đặc biệt là chuyên gia của các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Thanh Hoá, Nghệ An, Hoà Bình, Hội nghị đi sâu nghiên cứu nguồn gốc lịch sử - văn hoá các tộc người Tày - Thái thông qua các di tích, truyền thuyết và nhất là qua tư liệu địa danh, trong đó nhiều báo cáo đi sâu nghiên cứu Mường Thanh - Điện Biên Phủ - địa danh không chỉ nổi tiếng với những kỳ tích anh hùng của thế kỷ XX mà từ chiều sâu lịch sử - văn hoá còn được quan niệm là quê gốc của các bộ tộc Thái. Hội nghị cũng nhận được nhiều bài viết liên quan đến ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử và những ghi chép về một số vùng đất, con người nổi tiếng của dân tộc Tày - Thái. Toàn bộ báo cáo Hội nghị đã được biên tập và được Nhà xuất bản Thế giới xuất bản thành tập kỷ yếu dầy gần 400 trang.

Trong không khí cởi mở, thẳng thắn, trên tinh thần khoa học, khách quan, bên cạnh những trình bày và thảo luận về chuyên môn, học thuật, Hội nghị đã dành một phiên làm việc để các vị đại biểu, các nhà khoa học cùng trao đổi, luận bàn về phương hướng phát triển của Thái học Việt Nam trong thập kỷ tới và trực tiếp thảo luận về chủ đề, nội dung cũng như cách thức tổ chức Hội nghị Thái học Việt Nam lần thứ 6 vào năm 2012. Các đại biểu tham dự Hội nghị đều nhất trí rằng trên cơ sở những thành tựu mà cả một thế hệ các nhà Thái học Việt Nam đã tạo dựng mấy chục năm qua, hoà cùng với xu thế phát triển mạnh mẽ của Việt Nam học theo định hướng liên ngành những năm gần đây, trong bối cảnh toàn cầu hoá và mở cửa, hội nhập của đất nước, hoàn toàn có đủ khả năng và điều kiện hướng tới một nền Thái học Việt Nam tiên tiến, ngang tầm với những nền Thái học lớn trong khu vực và trên thế giới.

Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị, các vị đại biểu đã được tỉnh Điện Biên tổ chức cho đi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên, thăm Mường Phăng, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt Sở chỉ huy và cũng đồng thời là một địa danh cổ có nhiều ý nghĩa, thăm các di tích của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 55 năm trước mà ở đó các địa danh của kỳ tích Điện Biên Phủ chồng lên trên nhiều địa danh phản ánh lịch sử của người Thái từ thời kỳ Lạng Chượng mở đất.

Về địa điểm tổ chức Hội nghị Thái học lần thứ 6, đoàn đại biểu của hai tỉnh Sơn La và Thanh Hoá – nơi tập trung đội ngũ các chuyên gia nghiên cứu về Thái và có nhiều thành tựu nghiên cứu trong những năm gần đây, đã đăng ký được tổ chức. Hội nghị đã uỷ nhiệm cho viện Việt Nam học và KHPT làm việc thêm với các nhóm chuyên gia và lãnh đạo các địa phương trước khi đi đến quyết định.

 Điện Biên - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :