GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó giám đốc ĐHQGHN cho biết, công nghệ nano đang trở thành lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn đối với nhiểu quốc gia trên thế giới. Với những tính chất ưu việt, các sản phẩm nano đã mang lại những bước tiến và đột phá trong hầu hết các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đời sống như y sinh, môi trường, dược, khoa học vật liệu. Thấy rõ được tầm quan trọng của khoa học, công nghệ nano, ĐHQGHN đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, đào tạo cán bộ nghiên cứu và xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh để không chỉ triển khai những nghiên cứu tạo ra sản phẩm ứng dụng trong nước, mà còn tiếp cận những nghiên cứu tiên tiến thế giới.
Với lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực và tính liên thông cao, các đơn vị nghiên cứu và đào tạo của ĐHQGHN đã và đang triển khai những nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ nano cụ thể. Nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa, ứng dụng trong y học và môi trường.
GS.TS Bạch Thành Công - Chủ nhiệm Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, ĐHQG cho biết, mục tiêu của cán bộ nghiên cứu Khoa Vật lý là tạo ra những sản phẩm khoa học có hàm lượng khoa học cao và xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh. Thời gian qua, nhiều sản phẩm công nghệ nano đã bắt đầu được triển khai ứng dụng như bộ kit dùng trong chẩn đoán y sinh, ứng dụng nano từ tính để vận chuyển thuốc, đánh dấu sinh học…
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã thảo luận về ứng ứng dụng da dạng của công nghệ nano trong an toàn thực phẩm, hóa vật liệu, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu như: nghiên cứu các hệ thống vi sinh học y sinh, nghiên cứu ứng dụng chíp sinh học (biochip), chế tạo các cảm biến hóa học và sinh học trên cơ sở vật liệu nanocacbon…
Sau khi các nhà khoa học tập hợp, chọn lọc các đề xuất sản phẩm công nghệ nano có khả năng ứng dụng cao, lựa chọn và phân loại các thiết bị cần ưu tiên đầu tư, ĐHQGHN sẽ có kế hoạch và chiến lược đầu tư chiều sâu và thực hiện các đề án nghiên cứu liên ngành trong ĐHQGHN, hướng tới sản phẩm ứng dụng thực tiễn.
|