Tham dự hội nghị có GS. Nguyễn Thiện Nhân – Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Ngài Stale Torstein Risa, Đại sứ Vương quốc Na Uy tại Việt Nam; TS. Renate Christ, Tổng Thư ký Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu; GS. TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQGHN.
ĐHQGHN là đơn vị được IPCC tin tưởng phối hợp tổ chức hội nghị quốc tế này. Đây là một hội nghị quan trọng, quy tụ gần 100 nhà khoa học hàng đầu từ hơn 25 nước trên thế giới. Ngoài phiên họp toàn thể, Hội nghị chia thành các ban chuyên môn. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề nóng bỏng, mang tính cấp bách mà những tác động của biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt các giải pháp quản lý rủi ro, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu được các nhà khoa học đặt lên bàn nghị sự.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT |
Tại Hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao những nỗ lực của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNN, ĐHQGHN và các cơ quan khác trong việc triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ và đào tạo cũng như triển khai các dự án quốc tế lớn trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, tạo uy tín và sự tin tưởng đối với các đối tác quốc tế và được lựa chọn để tổ chức Hội nghị quan trọng lần này.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc chọn Việt Nam là điểm đến của các nhà khoa học hàng đầu thế giới cho thấy mức độ quan tâm của IPCC cũng như các đối tác khác đối với Việt Nam - một nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. “Sự có mặt của các nhà khoa học xuất săc tại giảng đường một đại học có lịch sử hơn 100 năm của Việt Nam, để lại dấu ấn hết sức sâu sắc trong nỗ lực chung của Chính phủ và các nhà khoa học Việt Nam trong việc ứng phó một cách trí tuệ với biến đổi khí hậu”, Phó thủ tướng nói.
|
GS.TS Mai Trọng Nhuận |
Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ giới hạn trong nghiên cứu học thuật và những cảnh báo của các nhà khoa học về các hiện tượng thời tiết cực đoan mà còn thu hút được sự chú ý của đông đảo dân chúng và đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạch định chính sách của mỗi quốc gia. Biến đổi khí hậu đang trở thành một thách thức lớn nhất mang tính toàn cầu mà chúng ta và các thế hệ mai sau phải đối mặt.
Năm 1988, IPCC được thành lập bởi Tổ chức khí tượng thế giới và Chương trình môi trường của Liên hợp quốc. Đây là cơ quan liên chính phủ với 194 quốc gia thành viên. IPCC là cơ quan khoa học chịu trách nhiệm biên tập và soạn thảo các báo cáo đặc biệt với những thông tin về khoa học, công nghệ và kinh tế xã hội trên toàn thế giới, tập trung vào việc hạn chế các rủi ro thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan để tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Các báo cáo của IPCC được trích dẫn rộng rãi trong các cuộc tranh luận liên quan đến thay đổi khí hậu và được các quốc gia lấy làm căn cứ khoa học cho nhiều đối sách của mình. |
Với đội ngũ các chuyên gia đầu ngành cùng cơ sở vật chất hiện đại, ĐHQGHN đã được Đảng, Nhà nước tin cậy giao phó thực hiện hàng chục đề tài, dự án trọng điểm của đất nước trong lĩnh vực nghiên cứu về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, công trình “ Báo cáo đánh giá lần thứ tư về biến đổi khí hậu 2007”, trong đó có một nhà khoa học của ĐHQGHN là đồng tác giả, đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2007. Điều này khẳng định một cách hết sức thuyết phục vai trò của các nhà khoa học trong việc giải quyết các vấn đề lớn mang tính toàn cầu.
|
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó giám đốc ĐHQGHN, Trưởng ban tổ chức hội thảo | |
|
TS. Renate Christ, Tổng Thư ký Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu - IPCC | |
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức quốc tế đã chủ động bắt tay với các nhà khoa học của ĐHQGHN hợp tác triển khai nhiều dự án quan trọng nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Đặc biệt gần đây, ĐHQGHN đang bắt đầu triển khai 5 dự án hợp tác quốc tế lớn; Và 1 đề tài cấp nhà nước mã số KC.08.29/06-10: Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đến các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam, khả năng dự báo và giải pháp chiến lược ứng phó.
Hiện nay, với tư cách Chủ tịch ASEAN, khu vực chịu nhiều nhất tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa vấn đề này như một ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự và khởi động việc thành lập Diễn đàn Đông Á về biến đổi khí hậu. Thông qua các sáng kiến và các chương trình hành động cụ thể, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình cùng với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu. |
|