Tham dự có đại diện Bộ KH&CN, ĐHQGHN, cùng đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế, đại diện các địa phương dự án triển khai.
Đây là dự án thí điểm hợp tác nghiên cứu Đan Mạch – Việt Nam do Dadida tài trợ trong 3 năm và ICARGC chủ trì điều phối. Dự án nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu cho ĐHQGHN trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu liên ngành về biến đổi khí hậu (BĐKH); Phát triển hợp tác khoa học và đào tạo với chính quyền địa phương tại đồng bằng sông Hồng với các cơ quan nghiên cứu của Đan Mạch về tác động và đối phó với BĐKH; Cung cấp một số khuyến nghị về chính sách thích ứng với BĐKH tại đồng bằng sông Hồng.
Theo PGS.TS Phạm Văn Cự - Giám đốc ICARGC, mục tiêu cụ thể của dự án nhằm đánh giá tác động của BĐKH đến sử dụng đất và biến đổi sinh kế cộng đồng trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Mặt khác, các nhà khoa học tham gia dự án sẽ phát triển phương pháp luận mô hình hóa không gian áp dụng cho các dữ liệu tự nhiên, kinh tế xã hội trợ giúp quyết định và kiến nghị quy hoạch có tính đến BĐKH tại các khu vực nghiên cứu thử nghiệm ở đồng bằng sông Hồng.
Đại diện các địa phương, nơi dự án được triển khai, đều cho rằng những mục tiêu mà dự án đưa ra rất thực tế, sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, giải quyết được những vấn đề nổi cộm cho sự an sinh của cộng đồng.
“Dự án sẽ kiến nghị với các nhà quản lý làm thế nào để đưa vấn đề BĐKH vào quy hoạch phát triển, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng đồng thời lồng ghép vấn đề về BĐKH vào các chính sách hiện hành của Chính phủ”, PGS.TS Phạm Văn Cự cho biết.
Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Cự, để thực hiện dự án, ICARGC sẽ huy động các chuyên gia trong và ngoài ĐHQGHN thuộc các chuyên ngành liên quan trực tiếp đến BĐKH, biến đổi sử dụng đất và biến đổi sinh kế cộng đồng. Đối tác Đan Mạch đến từ Viện nghiên cứu môi trường quốc gia (NERI) của ĐH Aarhus cũng sẽ tham gia cùng các chuyên gia Việt Nam.
Là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đan ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, ĐHQGHN luôn tiên phong triển khai hợp tác quốc trong việc nghiên cứu những tác động của BĐKH và tìm ra các giải pháp đối phó và thích ứng. Các chuyên gia quốc tế tham dự buổi lễ đều nhận định rằng, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến BĐKH đòi hỏi phải kết hợp nghiên cứu liên ngành, và ĐHQGHN là nơi hiếm hoi ở Việt Nam có thể tiến hành những nghiên cứu liên ngành cả trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn.
|