Tham dự tọa đàm có GS. Alice Hines, Hiệu trưởng Trường Công tác xã hội, Đại học San José, Hoa Kỳ; PGS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, cùng nhiều nhà khoa học đại diện cho các bộ, các tổ chức xã hội, các trường đại học, các viện nghiên cứu,…
Phát biểu khai mạc tọa đàm PGS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV đã nhấn mạnh: Hiện nay, trong bối cảnh xã hội mới, với những hoạt động phong phú đa dạng, ngành CTXH đã và đang có những ảnh hưởng sâu rộng trên nhiều phương diện của đời sống xã hội. Những năm qua, song song với việc đào tạo cử nhân CTXH, Trường ĐHKHXH&NV đang xây dựng Đề án mở mã ngành đào tạo Thạc sĩ CTXH, đồng thời thiết lập các chương trình hợp tác quốc tế nhằm quốc tế hóa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ và phối hợp nghiên cứu về CTXH.
|
PGS.TS Nguyễn Văn Kim |
PGS.TS Nguyễn Văn Kim mong muốn, tại buổi tọa đàm hôm nay, các nhà khoa học, các chuyên gia CTXH trong và ngoài trường sẽ làm sáng tỏ những vấn đề lí luận, thực tiễn của CTXH. Trên cơ sở đó, Trường ĐHKHXH&NV và Đại học San José sẽ cùng nhau xây dựng Chương trình hợp tác đào tạo Thạc sĩ CTXH.
Qua những mối quan hệ hợp tác quốc tế, Trường ĐHKHXH&NV hướng đến một tầm nhìn lâu dài là đào tạo cán bộ, tiếp thu công nghệ, tri thức để Khoa học xã hội - nhân văn Việt Nam sớm có thể bắt nhịp, đối thoại với thế giới và có những đóng góp nhất định với nền học thuật thế giới bằng chính thực tiễn và kết quả nghiên cứu tại Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, GS. Alice Hines, Đại học San José trình bày về Đề án Chương trình Thạc sĩ CTXH. Chương trình này nhằm đào tạo cán bộ CTXH có trình độ cao, có khả năng làm việc chuyên nghiệp.
Chương trình đào tạo Thạc sĩ CTXH dự kiến mở 4 chuyên ngành: Trẻ em, thanh niên và gia đình; An sinh xã hội; Giáo dục học đường; Y tế, y tế cộng đồng và sức khỏe tâm thần. Hình thức đào tạo theo phương thức tín chỉ, với tổng số 75 tín chỉ. Thời gian học tập 2 hoặc 3 năm (tùy theo quy định của từng trường đại học).
Sau phần trình bày của GS Alice Hines, các nhà khoa học đã thảo luận, trao đổi về những lợi thế, khó khăn khi thực hiện chương trình và đóng góp những ý kiến quý báu để Đề án Chương trình đào tạo Thạc sĩ CTXH được hoàn thiện sớm đưa vào triển khai trong thời gian tới.
|