Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Văn Đức - Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN, GS. Dato’ Saifuddin Abdulah - Thứ trưởng Bộ Giáo dục Malaysia, TS. Dato’ Michael Yeoh - Viện Nghiên cứu lãnh đạo và Chiến lược Châu Á, và hơn 100 đại biểu đến từ 10 quốc gia trong khối ASEAN và châu Á, bao gồm các lãnh đạo cấp cao đại diện cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, lãnh đạo các trường đại học.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận một số nội dung chính như: chiến lược khuyến khích chính sách, thiết lập nền tảng chung về Giáo dục Xanh của khu vực, phát triển năng lực giữa các nước ASEAN, tìm hiểu động lực mới trong hệ thống đại học ASEAN, tận dụng lợi thế của nền tảng giáo dục xanh trong giáo dục; nền tảng giáo dục xanh, cách thức các trường đại học có thể hỗ trợ để tạo ra kỹ thuật xanh, đưa giáo dục xanh vào giảng dạy vì mục tiêu phát triển bền vững,…
Mục tiêu của Diễn đàn nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng giữa các trường đại học công lập và tư thục trong khu vực châu Á để từ đó thiết lập giáo dục xanh hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Diễn đàn là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, lãnh đạo các trường đại học, các doanh nghiệp trong khu vực tập trung trao đổi, đề xuất và thiết lập nền tảng giáo dục cũng như nâng cao vai trò của giáo dục xanh vì sự phát triển bền vững, ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu và tiến tới một nền kinh tế xanh ASEAN.
Phát biểu tại Diễn đàn, GS.TS Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh, những tác động của biến đổi khí hậu và sự phát triển không kiểm soát của kinh tế xã hội đã trở thành thách thách thức hàng đầu của tất cả quốc gia. Để chiến thắng trong cuộc chiến không cân sức này, giáo dục đại học đóng một vai trò quan trọng. GS.TS Mai Trọng Nhuận cho rằng, các trường đại học cần phải hiệp lực đưa ra các giải pháp thích ứng thông minh, tư vấn một cách hiệu quả trong việc xây dựng các chính sách, giảm thiểu rủi ro. Giáo dục xanh cho phát triển bền vững sẽ giúp cho người học nhận thức đầy đủ ý nghĩa thiết thực của sự phát triển bền vững và khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả…
Theo PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN), giáo dục xanh có sứ mệnh trong việc thay đổi nhận thức, đổi mới công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Nhận thức được vai trò của giáo dục đối với phát triển bền vững quốc gia, ông Nguyễn Văn Đức cho biết, trong thời gian tới, Đảng và Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư, chỉ đạo nhiều hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn nữa về vấn đề giáo dục môi trường. Giáo dục bảo vệ môi trường phải được bắt đầu từ lứa tuổi mầm non vì công tác này hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp trẻ phát triển tư duy, hình thành nhân cách, hiểu về mình, về bạn bè và môi trường sống, biết sống thân thiện với môi trường ngay từ tấm bé nhằm đảm bảo phát triển lành mạnh về cơ thể và trí tuệ.
Cũng theo ông Nguyễn văn Đức, giáo dục Bảo vệ môi trường cũng cần được thực hiện từ học sinh sinh viên đến các cán bộ, giảng viên nhằm nâng cao kiến thức về môi trường và ý thức tự giác thực hiện bảo vệ môi trường.
|