Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Các xu hướng biến đổi trong lối sống thanh niên Việt Nam
Đó là chủ đề hội thảo diễn ra ngày 21/10/2010 tại Đại học Quốc gia Hà Nội - hoạt động nằm trong khuôn khổ đề tài KX.03.16/06-10 "Thực trạng và xu hướng biến đổi lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế" do PGS. TS Phạm Hồng Tung làm Chủ nhiệm

Tham dự hội thảo có GS.TS Dương Phú Hiệp - Chủ nhiệm Chương trình KX.03/06-10, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN, Phó Chủ nhiệm Chương trình KX.03/06-10. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (ĐHQGHN), đại diện lãnh đạo Cơ quan chủ trì của Đề tài đã chủ trì hội thảo. Đến dự hội thảo còn có nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực triết học, xã hội học, tâm lý học, Việt Nam học vv…

PGS.TS Phạm Hồng Tung đã trình bày báo cáo đề dẫn với chủ đề: lối sống của thanh niên Việt Nam hiện nay - các xu hướng biến đổi, yếu tố tác động và giải pháp thực tiễn.

GS.TS Dương Phú Hiệp
Chủ nhiệm Chương trình KX.03/06-10

Trên cơ sở các kết quả điều tra xã hội học, thực chứng từ tư liệu báo chí cùng nhiều phương pháp nghiên cứu khác, báo cáo đã phân tích rõ các xu hướng biến đổi tiêu cực và tích cực trong lối sống hiện nay của thanh niên; chỉ ra các biểu hiện, phân tích mức độ và cảnh báo hậu quả đối với sự phát triển xã hội; đưa ra nguyên nhân và các yếu tố tác động hình thành nên các lối sống ấy. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất các nhóm giải pháp thực tiễn liên quan đến đường lối, chính sách Nhà nước; đến tổ chức Đoàn, Hội của thanh niên; các cơ quan truyền thông báo chí cho đến các giải pháp liên quan đến Nhà trường, gia đình và bản thân thanh niên.

Các ý kiến tại hội thảo đánh giá đây là một chủ đề nghiên cứu hay, có tính thời sự cao nhưng cũng phải đương đầu với những khó khăn lớn cả về phương pháp tiếp cận, lý luận khoa học và khảo sát thực tế. Tác giả đã đầu tư để có một công trình nghiên cứu công phu với hệ thống tư liệu đồ sộ, kết hợp tốt giữa điều tra xã hội học và các phương pháp nghiên cứu khác, cách tiếp cận vấn đề có tính liên ngành cao, hiện đại và có nhiều đóng góp mới cả về thông tin tư liệu, phương pháp tiếp cận và đặc biệt là các giải pháp, khuyến nghị thực tiễn.

PGS.TS Phạm Hồng Tung
Chủ nhiệm đề tài KX.03.16/06-10

Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý tác giả một số điểm: cần làm rõ hơn về mặt lý thuyết khái niệm và cách tiếp cận đối với “lối sống”; cần nhìn quá trình biến đổi với cái nhìn mở theo hướng phát triển, tránh nhìn hiện tượng phiến diện; đưa ra các giải pháp cụ thể và sát thực tế hơn; báo cáo tổng hợp của đề tài cần được tu chỉnh để đưa ra nghiệm thu đúng thời hạn.

 

 Thanh Hà - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :