Hội thảo nhằm làm sáng tỏ những cơ sở lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để góp phần hỗ trợ việc xây dựng Luật “Phòng, chống mua bán người”.
Tham gia hội thảo có gần 50 luật sư, các nhà nghiên cứu về luật học của Việt Nam, Mĩ, Croatia, Trung Quốc,...
GS.TS Phạm Hồng Thái – Chủ nhiệm Khoa Luật, TS. Trịnh Quốc Toản – Phó chủ nhiệm Khoa Luật và GS.TSKH Lê Văn Cảm – Giám đốc Trung tâm Luật Hình sự - Tội phạm học của Khoa Luật đồng chủ trì hội thảo.
GS.TSKH Lê Văn Cảm chia sẻ: Trong giai đoạn 2004 – 2009, theo Báo cáo chính thức số 421/BCA – VPTT 130/CP của Ban chỉ đạo chương trình 130/CP “Về tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em”, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1218 vụ mua bán phụ nữ với 2310 đối tượng và 3019 nạn nhân; 191 vụ mua bán trẻ em với 268 đối tượng, 491 nạn nhân và 177 vụ mua bán cả phụ nữ lẫn trẻ em với 310 đối tượng và 498 nạn nhân.
Qua số liệu trên cho thấy: có rất nhiều vấn đề đang đặt ra cần được giải quyết bằng nhiều giải pháp, khả năng nhằm thúc đẩy việc ra đời một đạo luật khả thi và phù hợp với các nguyên tắc và các quy phạm được thừa nhận chung của pháp luật quốc tế về phòng, chống tệ nạn buôn bán người ở nước ta hiện nay.
Hội thảo đã được nghe và cùng thảo luận về 7 nhóm vấn đề: Thực trạng của nạn buôn bán người trên thế giới và trong khu vực; Kinh nghiệm đấu tranh phòng – chống buôn bán người của một số quốc gia trên thế giới; Thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp của nạn buôn bán người ở Việt Nam; Hệ thống các giải pháp phòng – chống buôn bán người ở nước ta hiện nay; Hệ thống các giải pháp phòng – chống buôn bán người ở nước ta hiện nay; Hệ thống các quy định của pháp luật quốc tế phòng chống buôn bán người; Hệ thống các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng chống buôn bán người và Hợp tác quốc tế về phòng – chống buôn bán người trong giai đoạn hiện nay.
|