Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Vai trò của đại học trong ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu
Hội thảo quốc tế “Vai trò của đại học trong ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu” do Đại học Quốc gia Hà Nội đăng cai tổ chức đã khai mạc sáng 11/12/2010.

Hội thảo có sự phối hợp tổ chức của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (ASAIHL), Bộ Tài nguyên và Môi trường; sự tài trợ của Đại sứ quán Nauy, Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á - ĐHQGHN.

Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu là các chuyên gia đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các đại học và viện nghiên cứu tại Việt Nam; các nhà khoa học nước ngoài đến từ Tổ chức Phi chính phủ về Biến đổi khí hậu (CCWG) thuộc Trung tâm dữ liệu các tổ chức phi chính phủ (VUFO-NGO Resource Center) và các trường đại học thuộc ASAIHL.

Biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với đời sống của cộng đồng dân cư là chủ đề thường xuyên được đề cập trong nhiều chương trình nghiên cứu và hội thảo gần đây của ĐHQGHN. Tại hội thảo quốc tế lần này, ý tưởng về sự ứng phó dựa trên tri thức, khoa học, sự hiểu biết và những thích ứng linh hoạt, mềm dẻo với biến đổi khí hậu được đặc biệt nhấn mạnh và đề cao như một cách ứng xử thông minh và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trên cơ sở đó, các đại học - nơi sáng tạo và truyền bá tri thức mới - có vai trò như một lực lượng tiên phong trong nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ứng phó; nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về BĐKH; đào tạo nhân lực và phát triển các ngành khoa học mới liên quan đến BĐKH và Phát triển bền vững.

Trong phát biểu mở đầu, GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch ASAIHL nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề của các khoa học tự nhiên, mà còn là hiện tượng nảy sinh do tác động tiêu cực của con người. Đó không còn là vấn đề của riêng mỗi quốc gia mà là mối quan tâm chung, bức thiết của toàn nhân loại. Thế giới hiện nay đang thay đổi rất nhanh cả trong cấu trúc tự nhiên và xã hội. Những kinh nghiệm ứng phó của thế hệ đi trước không còn thích hợp nữa. Để giảm thiểu thương tổn và hạn chế những ảnh hưởng của BĐKH, hơn lúc nào hết, các quốc gia, các cộng đồng phải cùng chung tay hợp sức tìm ra những cách thích ứng thông minh. Và nhiệm vụ của các đại học là phải triển khai mạnh hơn các nghiên cứu liên ngành về BĐKH và kết nối gần hơn với cộng đồng để giải quyết vấn đề trên.

Là đại học đa ngành hàng đầu của đất nước, ĐHQGHN vinh dự đăng cai tổ chức hội thảo với chủ đề này nhằm khẳng định tầm quan trọng của phát triển nguồn lực con người trong đối phó với BĐKH. Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng đã và đang tiên phong trong xây dựng và triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ về BĐKH với sự hỗ trợ của các đối tác trong khu vực và quốc tế.

GS.TS Mai Trọng Nhuận cho rằng đã đến lúc phải thiết lập Hiệp hội các đại học trong khu vực về thích ứng thông minh với BĐKH vàc các đại học như ĐHQGHN cần đóng vai trò chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức có bài phát biểu về những nỗ lực của Việt Nam thời gian gần đây để giải quyết các vấn đề về BĐKH. Ông cho rằng các đại học đã và đang góp phần vào những thay đổi về kỹ thuật, nhận thức và cách sống của con người hướng đến phát triển bền vững. Và trong cuộc chiến chống lại BĐKH, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải xây dựng hệ tri thức liên quan đến BĐKH và nguồn tài nguyên, ứng dụng những tri thức ấy để đề ra những nguyên tắc ứng xử hiệu quả. Sự thay đổi tích cực trước hết phải đến từ giới khoa học và lan toả ra cả cộng đồng. Khẳng định vai trò quan trọng khác của đại học, ông Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh: Đại học giúp tạo dựng mối liên kết giữa khoa học và các chính sách cũng như đào tạo các thế hệ lãnh đạo mới với kỹ năng và kiến thức tốt đủ sức giải quyết những vấn đề lớn của nhân loại.

Thay mặt ASAIHL, Tổng Thư ký Ninnat Olavunravuth đề cập đến những thách thức và hiểm hoạ to lớn mà khu vực đang phải đối mặt do BĐKH gây ra. Ông cho rằng đại học trước hết đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cung cấp thông tin cho xã hội hiểu và nhận thức được đầy đủ về BĐKH, sau đó là nghiên cứu giải pháp ứng phó hiệu quả. Ông đề nghị hội thảo tập trung thảo luận vào các vấn đề cụ thể: phát triển nguồn lực, phát triển văn khoá khoa học, xây dựng quan hệ hợp tác giữa cộng đồng và các đại học; xác định trách nhiệm của công dân toàn cầu; thiết lập mạng lưới hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các đại học để chống lại BĐKH trong khu vực...

Trong phiên khai mạc, Hội thảo đã nghe các phát biểu chào mừng của ngài Stale Torstein Risa, Đại sứ Nauy tại Việt Nam; ngài Kim Jae Youl - Tổng thư ký Quỹ KFAS (Hàn Quốc), các bài phát biểu đều đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của các đơn vị liên quan, bày tỏ kỳ vọng và mong muốn hội thảo sẽ góp thêm tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi cộng đồng khu vực và thế giới chung tay giải quyết vấn đề BĐKH; đề xuất nhiều giải pháp thích ứng cũng như cơ chế hợp tác hiệu quả trong tương lai.

Sau phiên toàn thể, hội thảo đã nghe các báo cáo đại diện cho các tổ chức, quốc gia, các đại học trình bày nghiên cứu về tác động của BĐKH và kinh nghiệm triển khai ứng phó với BĐKH tại địa phương; kinh nghiệm triển khai các chương trình nghiên cứu và đào tạo về BĐKH tại các đại học; những đề xuất và gợi ý về mô hình hợp tác các đại học về vấn đề này. Một số báo cáo đáng chú ý trong phiên buổi sáng 11/1/2010 như: Ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu: tổn thương và thích ứng (GS. Vicent Barros - đồng chủ tịch của Working group II của Uỷ ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu); Thích ứng với biến đổi của khí hậu và những thay đổi hệ thống kinh tế châu Á một cách hài hoà với tự nhiên (GS. Kazuhiko Takeuchi - Phó Giám đốc Đại học Liên hợp quốc); Vai trò của giáo dục đại học đối với ứng phó với BĐKH - kinh nghiệm từ chương trình nghiên cứu bền vững của Đại học Ibaraki - Nhật Bản (GS. Nobuo Mimura); Cấu trúc và chương trình hành động của mạng lưới đại học thích ứng với thay đổi của khí hậu và hệ thống kinh tế (GS. Sri kantha Herath); Vai trò của khoa học và kỹ thuật trong ứng phó thông minh với BĐKH (GS. Kazuya Yasuhara, Đại học Ibaraki), Những thách thức nảy sinh đối với quản trị đại học (GS. Narciso Erguiza, Giám đốc Đị học DE La Salle - Phillipin)...

Hội thảo sẽ làm việc trong hai ngày và bế mạc vào chiều 12/12/2010.

Cũng trong ngày 11/12/201 đã diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ 129 của Hiệp hội các Đại học Đông Nam Á - ASAIHL. Hội nghị đã nghe báo cáo tổng kết hoạt động hai năm 2009-2010 của Chủ tịch - GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN; thảo luận về chương trình hành động và bầu nhân sự cho Ban điều hành cùng các vị trí Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký của Hội nhiệm kỳ mới.

Để mở rộng vị thế, tầm ảnh hưởng và quy mô hoạt động, các thành viên của ASAIHL đã nhất trí thông qua một số sửa đổi trong điều lệ, trong đó đáng chú ý nhất là việc mở rộng các đại học thành viên trên phạm vi khu vực Châu Á. Hội nghị cũng trao đổi các thông tin liên quan đến việc tổ chức hội thảo của ASAIHL vào tháng 11/2011 tại Đại học Sripatum Thái Lan. Chủ đề chính của Hội thảo là: Vai trò của đại học và viện nghiên cứu trong nâng cao năng lực toàn cầu. Những nội dung cụ thể gồm: tầm nhìn ASEAN 2015 và vai trò của giáo dục bậc cao; quốc tế hoá giáo dục đại học; trách nhiệm công dân toàn cầu; công nhận chuẩn quốc tế thông qua các khung chương trình tiêu chuẩn quốc gia...

ASAIHL là tổ chức phi chính phủ thành lập năm 1956 với mục đích giúp đỡ các ĐH thành viên phát triển thông qua các hoạt động hợp tác chung, hướng tới những kết quả xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ công. Hiệp hội chú trọng đến việc trao đổi sinh viên, cán bộ; cùng hợp tác nghiên cứu và cung cấp các dịch vụ tư vấn. ASAIHL có 172 thành viên là các đại học đến từ Brunei, Campuchia, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Myamar, Philippin, Singapore, SriLanka, Thái Lan, Việt Nam, Australia, Canada, Nhật Bản, Đài Loan, Thuỵ Điển, New Zealand, Hoa Kỳ. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội là đại diện duy nhất của Việt Nam tại ASAIHL.

 PV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :