Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với thực tiễn ở ĐHQGHN thực trạng, phương hướng và giải pháp
(Trích Báo cáo của TSKH. Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Khoa học Công nghệ ĐHQGHN tại phiên họp Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN lần thứ VII, ngày 21/4/2005)

I. Tình hình gắn kết hoạt động KHCN với thực tiễn ở ĐHQGHN

Để “xây dựng ĐHQGHN trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao đạt trình độ khu vực, quốc tế” như mục tiêu đã nêu ra tại Hội nghị lần thứ 3 Đảng bộ ĐHQGHN, nhiệm vụ ứng dụng KHCN phục vụ thực tiễn là một trong ba mục tiêu quan trọng nhất của ĐHQGHN.

Thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khoá IX) về khoa học và công nghệ, cuối tháng 12/2002 Chính phủ đã ban hành "Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về KH&CN”. Ngay sau đó Đảng uỷ và Ban Giám đốc ĐHQGHN đã ban hành 2 văn bản quan trọng, cụ thể hoá Chương trình hành động của Chính phủ: Một là, kết luận của Đảng uỷ ĐHQGHN về đẩy mạnh hoạt động KHCN góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ xã hội của ĐHQGHN (27/1/2003); Hai là, chương trình hành động của ĐHQGHN thực hiện kết luận của Hội nghị lần thứ 6 BCHTW Đảng khoá IX về KHCN (17/4/2003).

Kết luận của Đảng uỷ ĐHQGHN khẳng định định hướng phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu của ĐHQGHN, đồng thời cũng xác định những hướng ưu tiên trong hoạt động KHCN trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và khoa học ứng dụng.

Để đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ KHCN trong giai đoạn mới, Đảng uỷ, Ban Giám đốc ĐHQGHN chỉ đạo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để tăng cường năng lực và chất lượng công tác quản lý và tổ chức các hoạt động khoa học - công nghệ; tập trung tăng cường tiềm lực KHCN, đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ khoa học và hiện đại hoá trang thiết bị; đổi mới phương thức tổ chức nghiên cứu khoa học, hướng tới việc hình thành các nhóm nghiên cứu, tiến tới hình thành các khuynh hướng và trường phái khoa học mạnh; khai thác mọi nguồn lực để đa dạng hoá và tăng cường nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học; đẩy nhanh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào phục vụ đời sống.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch KHCN và môi trường trong giai đoạn 1996-2000, căn cứ vào kế hoạch nhà nước giai đoạn 2001-2005, ngày 15/9/2000, Giám đốc ĐHQGHN đã ký phê duyệt Kế hoạch khoa học công nghệ và môi trường giai đoạn 2001-2005.

Khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2004 là giai đoạn quan trọng trong kế hoạch 5 năm (2001-2005) của ĐHQGHN, nhằm tạo ra bước chuyển biến căn bản về mọi mặt, từng bước đưa ĐHQGHN đạt được những mục tiêu đã đề ra. Dưới đây là một số tổng kết của chúng tôi:

1. Kinh phí đầu tư cho hoạt động KHCN 2001-2005

Kinh phí đầu tư cho KHCN giai đoạn 2001-2005 liên tục tăng, nếu như năm 2001 là 20.771 triệu đồng thì năm 2002 là 30.650 triệu, 2003 là 32.949, năm 2004 là 41.532 và năm 2005 là 43.228 - cao hơn gấp 2 lần năm 2001.

Tuy vậy, kinh phí bình quân cho một cán bộ của ĐHQGHN cũng chỉ bằng kinh phí bình quân bao cấp tối thiểu cho một cán bộ của các viện nghiên cứu (20 tr./năm).

Nguồn kinh phí đầu tư cho tăng cường năng lực (mua sắm trang thiết bị) dành cho các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu của ĐHQGHN cũng tăng đáng kể, năm 2001 là 24.268 triệu đồng đến năm 2004 (dự toán) là 54.499 triệu đồng. Số liệu này chưa kể kinh phí nhận viện trợ từ Quỹ Nâng cao chất lượng của Dự án Giáo dục Đại học và các thiết bị viện trợ lẻ của các cá nhân, tổ chức trong nước cũng như nước ngoài.

Đến nay ĐHQGHN đã có một phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm mũi nhọn với tổng kinh phí đầu tư ước đạt gần 300 tỷ đồng.

2. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ KHCN phục vụ thực tiễn

Thực hiện kế hoạch 5 năm (2001-2005) về KHCN, trong 4 năm qua ĐHQGHN đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ KHCN. Nhìn chung, các nhiệm vụ này đều đã được triển khai đúng kế hoạch, đạt kết quả tương đối tốt. Đặc biệt là nhóm nhiệm vụ thuộc các chương trình nghiên cứu cấp nhà nước và đề tài độc lập cấp nhà nước. Đây là nhóm nhiệm vụ lớn, huy động được đông đảo cán bộ và học viên cao học, nghiên cứu sinh tham gia dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học đầu ngành, có trình độ cao. Tình hình thực hiện nhóm nhiệm vụ cấp ĐHQGHN cũng đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, nhóm các nhiệm vụ gắn liền với phục vụ thực tiễn còn ít, quy mô nhỏ. Phần lớn các đề tài chưa nghiệm thu do mới triển khai năm 2004. Trong giai đoạn 2001-2004, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã sản xuất chế tạo ra một số sản phẩm KHCN mới.

3. Đánh giá việc ứng dụng KHCN phục vụ thực tiễn ở ĐHQGHN

Từ những kết quả hoạt động KHCN của ĐHQGHN có thể rút ra những kết luận sau:

Đảng uỷ, Ban Giám đốc ĐHQGHN đã có định hướng chiến lược, chủ trương đúng đắn gắn hoạt động đào tạo và NCKH phục vụ thực tiễn. Chủ trương này được đảng uỷ và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc quán triệt triển khai, các nhà khoa học đồng tình ủng hộ và qua 4 năm thực hiện tích cực đã thu được những kết quả quan trọng.

Các nhà khoa học của ĐHQGHN đã thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu lớn, có tính ứng dụng cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Số lượng các nhiệm vụ cấp nhà nước, các đề tài có định hướng phục vụ thực tiễn và các sản phẩm KHCN ngày càng tăng

Các nhiệm vụ, các sản phẩm được hình thành có tính liên kết, liên ngành cao, và nhiều sản phẩm được thực hiện trong các phòng thí nghiệm, các trung tâm với các trang thiết bị hiện đại.

Đã sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả khá cao các nguồn kinh phí, đặc biệt là nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước đầu tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai, nhiệm vụ KHCN trọng điểm.

Công tác quản lý KHCN không ngừng được kiện toàn, đổi mới (quy trình quản lý, nghiệm thu đề tài; tích hợp NCKH với đào tạo SĐH; giải quyết nợ tồn đọng; đổi mới quản lý sử dụng trang thiết bị KHCN; tin học hoá quản lý hoạt động KHCN) theo 3 hướng lớn là: KHCN phục vụ đào tạo chất lượng cao; phục vụ nghiên cứu, nhất là trong các ngành khoa học mũi nhọn; đẩy nhanh tiến độ ứng dụng kết quả KHCN phục vụ thực tiễn.

Đặc biệt có chuyển biến mạnh trong các nhà khoa học trẻ: Nếu số lượng đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2003 là 960 thì năm 2004 đã tăng mạnh lên 1903, gấp 2 lần so với năm trước. Nhiều công trình của sinh viên đã có những đóng góp tích cực vào thành công của một số đề tài NCKH của cơ sở. Trong Hội nghị các nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN tháng 1/2005 vừa qua trong tổng số gần 50 báo cáo có đến hơn 50% báo cáo có định hướng phục vụ thực tiễn; trong số 2 giải nhất sinh viên NCKH năm 2005 cả 2 giải đều có sản phẩm: phần mềm tự học tiếng Pháp và máy đo huyết áp từ xa.

Tháng 8/2004, Ban Khoa học Công nghệ đã làm thống kê, bước đầu cho thấy: có 100% số đề tài NCCB tham gia đào tạo SĐH, trong khi đó các đề tài trọng điểm và đặc biệt chỉ có 29% tham gia đào tạo sau đại học. Trong năm 2004 chúng ta đã có những biện pháp quyết liệt để gắn kết NCKH với đào tạo sau đại học và bước đầu đã đem lại những chuyển biến tích cực: năm 2004 có 44 đề tài trọng điểm và đặc biệt thì chỉ có 1 đề tài không tham gia đào tạo cao học, với số lượng được đào tạo là 64 thạc sĩ và 20 NCS. Năm 2005 có 12 đề tài trọng điểm và 44 đề tài đặc biệt được thông qua ở các hội đồng ngành thì 100% các đề tài đều có đăng ký tham gia đào tạo sau đại học.

II. Những phương hướng trong việc gắn kết NCKH với thực tiễn ở ĐHQGHN

Xuất phát từ tình hình thực tế những thực trạng như trên, sau khi phân tích hạn chế, yếu kém và tìm hiểu những nguyên nhân, để đẩy nhanh ứng dụng các kết quả của hoạt động KHCN phục vụ thực tiễn cho xứng với tiềm năng và vị thế của ĐHQGHN, trên cơ sở những chỉ đạo của Đảng uỷ và Chương trình hành động KHCN đã được Giám đốc ĐHQGHN phê duyệt, chúng tôi xin nêu những phương hướng cơ bản nhất để tăng cường hiệu quả phục vụ thực tiễn của các hoạt động KHCN.

1) Lấy hiệu quả phục vụ kinh tế xã hội là tiêu chí lớn nhất đánh giá kết quả hoạt động KHCN.

2) Chú trọng và ưu tiên cho những công nghệ cao, những ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn, những công nghệ có tính lưỡng dụng; tập trung mọi nguồn lực KHCN của ĐHQGHN để giải quyết những nhiệm vụ KHCN quan trọng của đất nước.

3) Xây dựng các phòng thí nghiệm sản xuất - chế thử quy mô, hiện đại để thiết kế, chế tạo các sản phẩm mới, các sản phẩm công nghệ cao.

4) Khuyến khích việc triển khai ứng dụng các phát minh sáng chế vào thực tiễn, thích ứng với cơ chế thị trường theo mô hình 4 nhà: Nhà nước, nhà trường, nhà khoa học, nhà sản xuất và doanh nghiệp.

5) Quan tâm đến việc đăng ký và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các nhà khoa học, của các đơn vị.

6) Không ngừng tăng cường, bổ sung nguồn lực KHCN (kinh phí, con người, thiết bị,...). Đặc biệt chú trọng bổ sung nguồn nhân lực về công nghệ.

7) Đẩy mạnh khai thác các quan hệ quốc tế theo hướng liên doanh, liên kết trong đào tạo, nghiên cứu, sản xuất triển khai các sản phẩm công nghệ mới.

8) Đổi mới cơ chế quản lý các hoạt động KHCN.

III. Những biện pháp cụ thể để tăng cường gắn kết hoạt động KHCN với thực tiễn

1) ĐHQGHN đề nghị Nhà nước tăng kinh phí đầu tư cho KHCN, đặc biệt là kinh phí nghiên cứu triển khai và kinh phí tăng cường năng lực.

2) Đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm nghiên cứu triển khai, các phòng thí nghiệm sản xuất - chế thử trên cơ sở những công nghệ cao và những thế mạnh của ĐHQGHN.

3) Tiến hành thí điểm thành lập các đơn vị dịch vụ, sản xuất, chuyển giao công nghệ để tham gia vào thị trường KHCN, đẩy nhanh việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu.

4) Đẩy mạnh việc kết hợp giữa các phòng thí nghiệm, các đơn vị nghiên cứu với các cơ sở sản xuất, với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn công nghiệp lớn ở trong và ngoài nước để tìm nguồn đầu tư và đầu ra cho các hoạt động NCKH.

5) Xây dựng các tổ bộ môn mạnh, các phòng thí nghiệm mạnh, các nhóm nghiên cứu mạnh song song với việc đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp tương xứng trong các cơ sở thí nghiệm, các cơ sở sản xuất chế thử.

6) Có chính sách và cơ chế để thu hút nhân tài khoa học, công nghệ; ưu tiên đặc biệt những cán bộ có trình độ, kỹ năng công nghệ cao.

7) Từng bước cải tiến chương trình đào tạo theo hướng gắn với thực tiễn, phục vụ thực tiễn; nâng cao năng lực triển khai, thực hành cho người học.

8) Từng bước đổi mới quản lý hoạt động KHCN: đổi mới quy trình xét tuyển, đánh giá, nghiệm thu các đề tài, dự án; hoàn thiện và xây dựng bổ sung các văn bản, quy định pháp quy cho phù hợp với những phương hướng đề ra trên đây, tiến tới ban hành Quy chế hoạt động KHCN ở ĐHQGHN; kiện toàn, xây dựng đội ngũ và bộ máy quản lý KHCN có trách nhiệm cao, tận tụy, tinh thông nghiệp vụ và có bản lĩnh.

 N.Đ.Đ - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :