Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Sinh viên khoa Vật lý – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, học gì và chơi gì?
Bạn hỏi tôi: “Học Vật lý ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thì học thế nào và ra trường sẽ làm gì?”.

Câu hỏi thật khó trả lời!
Ngay cả bản thân tôi, khi về Việt Nam, cầm cái bằng cực “hot”- Thạc sĩ Vật lý Sinh học - cũng rất đắn đo là mình sẽ làm gì và làm ở đâu. Cũng có lẽ là do mải học quá, mải… chơi quá nên đôi lúc quên mất, không nghĩ đến ngành mình học sau này sẽ làm ở đâu, mà chỉ nghĩ đến sau này sẽ làm… được gì. Đến giờ đây, khi đã ở vị trí của một người thầy, tôi vẫn đắn đo tìm câu trả lời cho câu hỏi đó: “Sinh viên mình sau này ra trường rồi sẽ làm được gì và sẽ làm ở đâu?”.
Thực ra, trả lời cho vấn đề này cần sự can thiệp, giải quyết của nhiều người, nhiều bộ máy. Thực tế đã chỉ ra quá rõ; hàng năm, lượng cung việc làm không đảm bảo số cầu, và chính sự cạnh tranh khốc liệt này đã dẫn đến việc một số sinh viên sau khi ra trường phải chọn cho mình một ngành nghề khác, thậm chí là khác hẳn với những gì được học trên lớp. Và tất nhiên là số lượng lớn những bạn sinh viên được đào tạo kĩ năng mềm tốt hơn, kiến thức rộng hơn sẽ dễ kiếm được việc làm hơn. Nhưng có một điều tôi rất an tâm, là sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) khi ra trường, đi làm đều dễ được trọng dụng, vì họ được đào tạo rất cơ bản.
Tạm không bàn đến chuyện việc làm, chúng ta lại thấy nhiều nét vui hơn nhiều. Là sinh viên Vật lý - Trường ĐHKHTN (ĐHQGHN) học được gì và … chơi cái gì?
Từ khi nào tôi lại dám nghĩ và dám viết rằng điều này là điều vui, đáng để bàn? Cũng không lâu lắm đâu, từ khi tôi nhận thấy sinh viên Vật lý của chúng tôi bắt đầu có những sân chơi rất bổ ích; vừa học vừa thấy vui. Để các bạn cũng cảm thấy học Vật lý sẽ có nhiều tác dụng. Để chính bản thân chúng tôi, những người thầy, cũng cảm thấy mình yêu bộ môn này. Và để cả những nhà tuyển dụng tìm đến các sinh viên ĐHQGHN nói chung cũng biết đến sinh viên Vật lý nói riêng không những hiểu biết chuyên ngành mà còn rất chăm chỉ và học được rất nhiều kỹ năng cho cuộc sống sau này.
Đó là khi chúng tôi ngồi với nhau và bắt đầu nghĩ đến việc tạo ra một sân chơi sáng tạo dành cho các bạn trẻ. Và thế là chuỗi cuộc thi “Lập trình sáng tạo không chuyên” ra đời. Cuộc thi đầu tiên có tựa đề rất nổi: “Cuộc thi đua xe lập trình dành cho sinh viên không chuyên”.
Mặc dù còn nhiều thiếu sót trong khâu chuẩn bị nhưng bằng sự nỗ lực, cuộc thi đã được tổ chức vào tháng 9 năm 2013. Với mục tiêu giúp cho các em học sinh, sinh viên dần nắm bắt thêm những kiến thức bổ ích trong thế giới tự động hóa, chúng tôi mong rằng cuộc thi này sẽ dần trở thành sân chơi không chỉ cho sinh viên Vật lý nói riêng mà còn là sân chơi bổ ích cho sinh viên các ngành học khác, thậm chí cả các em học sinh thuộc Khối THPT Chuyên KHTN. Và rõ ràng, những bước đi ban đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Các bạn sinh viên đã nhanh chóng nắm bắt được cách thức lập trình để các xe có thể tự động chạy trên đường pitch vạch trắng. Không những vậy, chính đội giải Nhất còn tự nghĩ ra rất nhiều “chiêu trò” để cản phá những xe ô tô tự động tìm đường của các đội khác. Sự sáng tạo, khả năng làm việc nhóm đã trở thành yếu tố không thể thiếu của các trò chơi này. Nửa năm sau, cuộc thi tiếp theo về lập trình tự động cũng được trình làng: “Cuộc thi lập trình LED sáng tạo dành cho sinh viên không chuyên” tiếp tục gặt hái không ít thành công. Hệ thống cuộc thi “Lập trình sáng tạo không chuyên” cũng bắt đầu được biết đến rộng rãi trong giới sinh viên của Khoa Vật lý – Trường ĐHKHTN (ĐHQGHN).
Sau những thành công bước đầu của hai cuộc thi “Lập trình sáng tạo dành cho sinh viên không chuyên”, đã có khá nhiều người hỏi tôi: “Khi nào thì sẽ tiến hành cuộc thi tiếp theo? Và cuộc thi đó sẽ là gì?”.
Không ngừng sáng tạo, chính người lập ra hệ thống các trò chơi này đã lên lịch và xếp kế hoạch cho một cuộc thi mới. Như chính tác giả nói: “Lần này phải chơi to, để cho người ta biết đến mình nhiều hơn”. Và kế hoạch cho cuộc thi “Robot thu hoạch điểm 10” được nhanh chóng triển khai.
Có thời gian chuẩn bị dài hơn nhiều so với hai cuộc thi trước đó, các bạn sinh viên không những được trang bị các kiến thức về lập trình, mà còn tạo ra các robot của riêng mình, chạy tự động tìm đường trên các đường pitch để thu lượm những quả bóng điểm 5, điểm 10. Cùng với đó, còn có các robot điều khiển bằng tay để tìm kiếm những quả bóng điểm 10 khác từ trên giá đỡ. Số lượng công việc cần làm đã tăng lên. Không chỉ là một chiếc xe đua nữa. Cũng không chỉ là những hiển thị nhiều màu sắc trên các đèn LED để tạo ảnh trong mắt. Các chú robot đã được phức tạp hóa, không chỉ có thể chạy và điều khiển được mà còn có thể thực hiện một số động tác khác như kéo bóng cho vào rổ… Bởi vậy, bên cạnh việc học được phương pháp lập trình, phương pháp làm việc nhóm và tính sáng tạo, các bạn học sinh trong các đội thi còn phải chăm chỉ tập dượt thi đấu.
Càng sát ngày thi đấu, không khí chuẩn bị càng trở nên gấp rút. Các nhóm sinh viên đã dần hoàn thành các robot và tập luyện nhiều trên các mô hình giá để bóng với mong muốn, đội mình sẽ là đội chiến thắng. Không chỉ vậy, những cuộc thi thử giữa các đội cũng đã xảy ra trong bầu không khí vui vẻ của các bạn sinh viên.
Với tôi, là người đứng từ xa quan sát, tôi chợt nhận ra một điều rất thú vị. Đó là hầu như các bạn sinh viên tham gia các đội thi đều là các sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai đại học. Trong đó có không ít bạn đã bắt đầu tham gia “Hội nghị Khoa học sinh viên” do Khoa Vật lý tổ chức, trong khi đó, từ các năm trước, hội nghị này được mặc định là sân chơi của các sinh viên năm thứ ba, năm thứ tư.
Tôi tự nhủ: “Phải chăng một sân chơi có ích, tạo sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau sẽ dần đem lại niềm đam mê cho các bạn sinh viên với môn Vật lý mà tưởng như sau này không có ích nhiều cho quá trình kiếm việc làm?”.
Lời cuối: Tôi biết sinh viên khoa Vật lý – Trường ĐHKHTN (ĐHQGHN) đang học gì. Và tất nhiên, tôi cũng biết họ chơi gì. Họ đang dần tạo ra cho bản thân mình những kĩ năng cần thiết để trở thành những nhà sáng tạo trẻ, hoặc những người yêu chính công việc của mình trong tương lai. Những gì họ học được từ sân chơi bổ ích này chính là tiền đề để họ có thể tìm được những công việc đúng với ngành nghề xã hội đang có nhu cầu.





 Lưu Mạnh Quỳnh - VNU - HUS
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   |