Cuộc thi có thời gian làm bài 300 phút, Kiên làm hết gần 3/4 thời gian, là thí sinh hoàn thành phần thi sớm nhất của đội Việt Nam. "Nhìn số điểm 300 hiện trên màn hình, em thấy bất ngờ. Bài thi rất khó và em không nghĩ mình giành được điểm tuyệt đối nhanh như vậy", Kiên chia sẻ. Nguyễn Tiến Trung Kiên. Ảnh: NVCC. Kết quả trên là sự phấn đấu cùng những kinh nghiệm được rút ra từ thất bại của hai cuộc thi lớn là Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương và Tin học quốc tế năm 2014 mà Kiên tham gia. Trong cuộc thi tin học khu vực châu Á, cậu làm bài rất tốt trong khoảng 60 phút đầu. Nhưng suốt thời gian còn lại thì không làm được gì nữa, đầu óc bế tắc, dẫn đến kết quả thi khá tệ. Tiếp đến, trong cuộc thi Tin học quốc tế diễn ra ở Đài Loan, ngoài phân bố thời gian và dùng chiến thuật không hợp lý, Kiên còn run lập cập, không tập trung được khi ngồi trong phòng thi có điều hòa quá lạnh. Thành tích là tấm Huy chương Đồng khiến cậu học trò trường chuyên giận chính mình. Nhận thấy kết quả cuộc thi không phản ánh đúng những gì mình đã được học, Kiên suy nghĩ để tìm cách cải thiện. Cậu nhận thấy, khi làm bài đã quá tập trung vào thời gian ban đầu khiến cơ thể tiêu thụ nhiều năng lượng, dẫn đến mất nhiệt và run tay. Áp lực cao nên Kiên chỉ làm tốt trong khoảng 30 đến 60 phút cho đến khi kiệt sức. Cậu học cách tập trung đúng lúc, kiểm soát được áp lực trong phòng thi. Áp dụng kinh nghiệm này trong kỳ thi Olympic châu Á - Thái Bình Dương năm nay, Kiên giành kết quả khá tốt đẹp. "Em sẽ áp dụng kinh nghiệm cho kỳ thi tin học quốc tế sắp tới. Chắc sẽ phải mang thêm một chiếc áo khoác dài tay để đề phòng bị lạnh trong phòng thi", Kiên cười nói. Đối với việc học trên lớp hay ôn thi, nam sinh cũng không ép buộc mình cố gắng quá mức, chỉ cần tập trung trong một khoảng thời gian để đạt được hiệu quả rồi nghỉ ngơi, dành thời gian cho những hoạt động khác như đá bóng, chơi cầu, học thêm võ thuật. Kiên cho rằng, tập võ mất năng lượng nhưng hệ thần kinh được thư giãn, đầu óc tỉnh táo, thoải mái và không bị mệt mỏi khi học tập. Niềm đam mê tin học có từ khi Kiên còn là học sinh tiểu học, đi học trường làng tại huyện Hoài Đức (Hà Nội). Hồi đó, bố có một chiếc máy tính cũ nên Kiên hay mở ra nghịch. Thấy con thích máy tính nên bố Kiên mua tặng cuốn sách lập trình Pascal. Cậu tự thực hành trên máy những phép cộng trừ đơn giản rồi dần say mê. Lớn hơn, Kiên bắt đầu vào các diễn đàn, code game, code các chương trình tin học. Khi chuẩn bị thi lên lớp 10, bố Kiên khuyên con đăng ký vào trường chuyên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên để phát huy khả năng. Cậu phải thi Toán, Văn, Anh văn cùng với môn Toán nâng cao để vào lớp chọn Tin của trường. Năm đó, lớp chọn lấy 37 điểm, Kiên được 38, là người có kết quả "lẹt đẹt" nhất trong số học sinh. Nhưng qua vài buổi học đầu tiên, cậu được thầy cô chú ý và bắt đầu bồi dưỡng. Khi có mục tiêu cụ thể, việc học của Kiên ngày càng đi vào nề nếp. Giờ đây, mỗi ngày cậu dành khoảng 8 tiếng cho Tin học. Thầy Hồ Đắc Phương, giáo viên chủ nhiệm đội tuyển Tin học quốc gia rất quý mến cậu học trò cưng này. Thầy cho biết, Kiên rất may mắn khi lớn lên trong một gia đình nông thôn, bố làm hợp tác xã, mẹ bán hàng ở chợ, có 3 chị gái nhưng bố mẹ em luôn sẵn sàng động viên, đầu tư để con được học tập và theo đuổi ước mơ. "Kiên thông minh và rất quyết đoán, có tố chất lãnh đạo. Cậu bé biết cân bằng giữa vui chơi và học tập, đặc biệt là có một 'câu lạc bộ' các bạn gái hâm mộ", thầy Phương hóm hỉnh nhận xét. Cuối năm lớp 11, Kiên trở thành trợ giảng của thầy Phương với nhiệm vụ đứng lớp 1 buổi một tuần. Nam sinh tự sáng tạo ra chương trình chấm điểm tự động qua Dropbox. Khi thi, các bạn nộp bài và phần mềm này sẽ tự chấm điểm rồi trả kết quả về. Phần mềm này mỗi ngày chấm khoảng 30 bài, hỗ trợ rất hiệu quả cho đội tuyển của trường gần 2 năm nay. Ngoài ra, Kiên còn viết thêm một module, giúp tạo kỳ thi cho hệ thống CMS của cuộc thi Tin học quốc tế. Module này được những người phát triển CMS đăng lên website của họ và được sử dụng luyện tập khá nhiều trong suốt một năm qua. Để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về tin học, cậu cũng tự lập một blog được coi như từ điển mở thu hút nhiều người truy cập.
|