Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Quyết định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên
Ngày 18/5/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Theo đó, đối tượng được vay vốn là: Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề quy định tại Điều 2 của Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ.

Mục đích cho vay là để trang trải một phần chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền nộp học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, nghiên cứu; chi phí khác.

- Đối tượng được vay vốn phải có các điều kiện sau:

+ Học sinh, sinh viên đang sinh sống trong Hộ gia đình có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú dài hạn tại địa phương nơi cho vay.

+ Học sinh, sinh viên được theo học và đang theo học hệ chính quy tập trung tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề có thời gian đào tạo từ 01 năm trở lên.

- Phương thức cho vay: Việc cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua Hộ gia đình của học sinh, sinh viên. Hộ gia đình là người đại diện cho học sinh, sinh viên trực tiếp vay vốn, trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội và có trách nhiệm, quyền lợi theo quy định của pháp luật.

- Mức vốn cho vay: Mức vốn cho vay đối với học sinh, sinh viên do Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định phù hợp với khả năng tài chính của ngân hàng và nhu cầu vay vốn của đối tượng được vay vốn. Mức vốn cho vay được xác định theo tháng, theo năm học và theo khoá học do Ngân hàng Chính sách xã hội công bố.

- Thời hạn cho vay:

+ Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày đối tượng được vay vốn bắt đầu nhận vốn vay cho đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi) được thoả thuận trong hợp đồng tín dụng. Thời hạn cho vay bao gồm thời hạn phát tiền vay và thời hạn trả nợ.

+ Thời hạn phát tiền vay là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món vay đầu tiên cho đến ngày học sinh, sinh viên kết thúc khoá học, kể cả thời gian học sinh, sinh viên được các trường cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập (nếu có). Thời hạn phát tiền vay được chia thành các kỳ hạn phát tiền vay do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định.

+ Thời hạn trả nợ là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn trả món nợ đầu tiên đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi). Thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định.

- Lãi suất cho vay:

+ Lãi suất cho vay được áp dụng theo lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

+ Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

- Hồ sơ xin vay vốn:

+ Đối tượng được vay vốn phải hoàn tất đầy đủ hồ sơ xin vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội như đối với cho hộ nghèo vay vốn.

+ Đối tượng được vay vốn phải có giấy xác nhận của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề về việc học sinh, sinh viên được theo học hoặc đang theo học tại các trường.

- Trả nợ gốc và lãi tiền vay:

+ Trong thời hạn phát tiền vay đối tượng được vay vốn chưa phải trả nợ gốc và lãi; lãi tiền vay được tính kể từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc. Đối với số lãi tiền vay phát sinh trong thời hạn phát tiền vay, Ngân hàng Chính sách xã hội thoả thuận với đối tượng được vay vốn để xác định kỳ hạn trả nợ trong thời hạn trả nợ.

+ Đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khoá học.

- Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn trả nợ và chuyển nợ quá hạn.

+ Khi đến kỳ hạn trả nợ gốc và nợ lãi đã ghi trong hợp đồng tín dụng, đối tượng được vay vốn chưa có khả năng trả nợ và có văn bản đề nghị thì Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ.

+ Khi đến ngày phải trả hết nợ (gốc và lãi) đã ghi trong hợp đồng tín dụng, đối tượng được vay vốn chưa có khả năng trả nợ một phần hoặc toàn bộ số nợ (cả gốc và lãi) và có văn bản đề nghị thì Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét gia hạn trả nợ. Thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ quy định tại khoản 3 Điều 6 Quyết định này.

+ Trường hợp đối tượng được vay vốn không trả nợ đúng hạn theo kỳ hạn trả nợ cuối cùng và không được phép gia hạn nợ thì Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển nợ quá hạn. Ngân hàng Chính sách xã hội kết hợp với  chính quyền sở tại, các tổ chức chính trị - xã hội có biện pháp thu hồi nợ.

+ Ngân hàng Chính sách xã hội quy định cụ thể việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn trả nợ và chuyển nợ quá hạn.

 Tin & ảnh: Nguyễn Văn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :