Một gia đình truyền thống Gia đình Minh Ngọc có truyền thống 3 đời là ULIS-er: Ông bà ngoại em đã từng là cán bộ của trường trong mấy chục năm tới lúc về hưu, bác và mẹ em là cựu học sinh ULIS và bây giờ đến lượt em là thế hệ ULIS-er thứ 3. Câu chuyện bắt đầu từ ông ngoại của Ngọc, Giáo sư Nhà giáo Ưu tú Trương Đình Nguyên. Ông gắn bó với trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (ĐHSPNN), tiền thân của ULIS từ những năm 60 của thế kỷ trước và sau này trở thành Chủ nhiệm khoa đầu tiên đặt nền móng khôi phục lại ngành học ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc sau thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc. ULIS-er thứ 2 là bà ngoại. Bà từng là tay mổ cứng của khoa ngoại Bệnh viện Hà Tây trong những năm chống Mỹ. Năm 1978, để tiện chăm sóc gia đình, bà tự nguyện hi sinh sự nghiệp riêng, từ bỏ dao kéo, chuyển về công tác tại Trạm y tế trường ĐHSPNN. Với tư cách Bí thư chi bộ Đảng, ngoài công tác chuyên môn khám chữa bệnh hàng ngày, bà còn cùng các đồng nghiệp thời đó nêu cao phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường khu tập thể, ký túc xá; gây dựng vườn cây thuốc nam bổ sung cho nguồn thuốc tây rất thiếu thốn trong thời kỳ sau chiến tranh, góp phần chữa trị cho cán bộ, sinh viên trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn. ULIS-er thứ 3 là bác trai của Ngọc. Bác tốt nghiệp thủ khoa Phổ thông Chuyên ngữ khóa 1980-1983, được Nhà nước cử đi Liên Xô học và đã tốt nghiệp Thạc sỹ Ngôn ngữ hạng Ưu. ULIS-er thứ 4 là mẹ Ngọc. Mẹ em có 9 năm gắn bó với ngôi trường này, từ khi trở thành cô nữ sinh của trường PTTH CNN năm 1986, sau đó là sinh viên khoa tiếng Nga K23 rồi sinh viên khoa tiếng Anh hệ văn bằng 2. Và bây giờ Minh Ngọc đang vinh dự trở thành ULIS-er thứ 5 của gia đình. Những câu chuyện của ông bà Nhắc đến kỷ niệm của gia đình mà liên quan đến ULIS thì Ngọc rất khó lựa chọn bởi đã từng được ông bà, bác và mẹ kể cho rất nhiều câu chuyện. Tuy nhiên, ấn tượng nhất đối với em là chuyện “3 cân thịt” của bà. Chuyện đó xảy ra ngay trong kỳ nhập học của mẹ em vào trường PTTH CNN. Thời ấy, sau khi biết kết quả thi đầu vào, các thí sinh trúng tuyển còn phải trải qua kỳ khám sức khỏe để đảm bảo đủ sức “chiến đấu” với yêu cầu học tập căng thẳng, với một trong các tiêu chí là cân nặng phải từ 30kg trở lên. Trong số những học sinh được bà khám, có một cô bé gầy khẳng khiu nhưng nhanh nhẹn hoạt bát với tất cả các chỉ số sức khỏe đều rất tốt nhưng chỉ nặng có… 27 kg. Thấy cô bé hoàn toàn khỏe mạnh nếu chỉ vì thiếu cân mà bị loại thì quá đáng tiếc, bà rất thương cảm. Bà bèn kéo cô bé ra một góc hỏi han và được biết nhà cô ở tận Quảng Ninh, cô là con thứ 2 trong gia đình có tới 4 anh em. Bà hiểu ngay nguyên nhân thiếu cân của cô đơn giản chỉ là do… đói ăn, bởi thời kỳ bao cấp với đồng lương cán bộ thì nuôi 4 đứa con sàn sàn tuổi ăn tuổi lớn khá vất vả. Trăn trở một lúc, bà bèn đưa ra đề xuất táo bạo với cô trưởng trạm y tế, là đặc cách “làm tròn” số cân nặng của cô học sinh ấy lên thành 30kg với lời khuyến cáo (được nói nhỏ vào tai cô) rằng “Cố gắng ăn nhiều vào, mấy tháng nữa chưa đủ 30kg là các bác sẽ chính thức cho về quê đấy nhé!”… Cô học trò ấy sau này tình cờ trở thành bạn ngồi cùng bàn với mẹ em, và hiện giờ đã là tiến sỹ phó chủ nhiệm khoa của một trường đại học. Mỗi khi nhắc lại chuyện này, bà thường tếu táo: “3 cân thịt để đổi lấy một bà tiến sỹ, thế là quá lãi nhỉ!”. Kỷ niệm ấn tượng thứ hai với Ngọc là của ông em. Từ khi còn dạy học, ông đã luôn đối đãi với học trò vừa như bạn, vừa như con, vừa như đồng nghiệp. Một trong những việc ông thường làm một cách rất tâm huyết ngoài công tác chuyên môn là tìm việc cho các sinh viên vừa ra trường và làm “ông tơ” xe duyên cho các cặp đôi mà ông thấy tương thích. Trong các đôi ấy ông chứng kiến cuộc tình giản dị mà sâu sắc của một cô sinh viên xinh đẹp, ưu tú với một anh bộ đội tốt bụng (tình cờ lại là hàng xóm nhà ông) nhưng lại bị nhà gái phản đối vì sợ con lấy bộ đội sẽ vất vả. Ông đã đứng ra đích thân làm chủ hôn, cùng bạn bè cô dâu tổ chức tác thành cho đôi trẻ. Sau này cô sinh viên đó đã tốt nghiệp xuất sắc và trở thành cán bộ giảng dạy nòng cốt trong khoa tiếng Trung Quốc của ULIS cho tới lúc nghỉ hưu. Đôi uyên ương ngày ấy, giờ đã thành ông bà ở tuổi U70, ngày ngày vẫn ríu rít bên nhau vô cùng đầm ấm và hạnh phúc. Niềm vui trước sự phát triển của ULIS Vẫn luôn theo dõi từng chặng đường lịch sử của ULIS, ông của Ngọc chia sẻ niềm vui trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của trường. Thay đổi thì có nhiều, nhưng ấn tượng của ông về ULIS lại là về truyền thống quý báu không bao giờ thay đổi qua bao nhiêu thế hệ, đó là tình cảm ấm áp, chân tình, luôn nhớ về nguồn cội của cả thầy và trò. Cụ thể, một nghi lễ không đổi của ULIS suốt mấy chục năm qua là năm nào cũng vậy, cứ đến ngày hiến chương các nhà giáo, ULIS lại tổ chức gặp mặt các cựu giáo chức cũng như đón chào các khóa cựu sinh viên trở về thăm trường. Hoạt động này đã nêu cao truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, cũng như tạo điều kiện để sinh viên các khóa kết nối giao lưu, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, qua đó cũng góp phần hình thành phần nhân cách quan trọng cho các sinh viên. Mẹ của Ngọc cũng kể lại ấn tượng khi về lại ULIS trong ngày 22/7 vừa qua: “Khi đưa Ngọc vào nhập học ở ULIS, cảm giác của mình vừa thấy thân thuộc ấm áp lại vừa bất ngờ, ngỡ ngàng. Thân thuộc giống như cảm xúc của một người con đi xa nay trở về ngôi nhà xưa, ngỡ ngàng về những đổi thay của trường cả về hình thức lẫn nội dung. Ở đây mình không bàn đến chương trình học, vì sau 30 năm cùng sự phát triển của công nghệ thông tin, chắc chắn nội dung cũng như phương pháp giảng dạy đã được cải tiến rất nhiều. Điều làm mình ấn tượng và xúc động là cách thức tổ chức ngày nhập học. Các tân sinh viên cùng phụ huynh của họ được chào đón cực kỳ đầm ấm và chân tình. Một điều không đổi so với 30 năm trước là sự nồng ấm, niềm nở thân thiện trong thái độ đón tiếp và phục vụ của cả ekip sinh viên tình nguyện lẫn cán bộ đón tiếp. Tuy nhiên sự thay đổi ấn tượng chính là tính chuyên nghiệp thể hiện ở khắp nơi và mọi khâu tổ chức, từ bàn đón tiếp của các sinh viên tình nguyện với tấm Postcard rất hợp trend: “Thanh xuân như một chén trà -Không vào ULIS, đâu là thanh xuân!”, rồi món quà cực kỳ tâm lý là chiếc bình nước in chữ ULIS-er có gắn trái tim xinh xắn mang màu xanh của tương lai và hy vọng với dòng chữ “chào tân sinh viên”, đến dãy bàn đón tiếp đầy bánh kẹo và nước uống được bày biện rất thẩm mỹ phục vụ các phụ huynh và tân sinh viên trong lúc chạy qua chạy lại làm thủ tục, khiến cho những người đến đây thực sự cảm thấy mình được đối xử như các khách VIP, rồi việc tất cả nhân viên ban tuyển sinh đều mặc đồng phục nổi bật giúp mọi người dễ nhận biết, và đặc biệt là thái độ hướng dẫn cực kỳ nhiệt tình chi tiết, khoa học cũng như cách thức xử lý tình huống phát sinh nhanh gọn và linh hoạt của các cán bộ trong ngày nhập học bận rộn với nhiều thủ tục này. Sau khi làm thủ tục nhập học xong, hai mẹ con đi thăm thú một vòng quanh trường và mình lại một lần nữa ngỡ ngàng khi khám phá thêm những khuôn viên đầy hoa, dãy phố ẩm thực sạch sẽ, quy củ với thực đơn món ăn đa dạng hấp dẫn, ký túc xá sinh viên rộng rãi khang trang, những quán cafe với tiếng nhạc dập dìu và không gian lãng mạn nhưng giá cả vẫn rất sinh viên, những cửa hàng văn phòng phẩm tiện lợi đẹp mắt, những dãy ghế bày dọc lối đi, dưới hàng cây để các sinh viên có thể ngồi ôn bài, ngắm cảnh hay tâm sự, các toà nhà với kiến trúc và bài trí phù hợp với cảnh quan… Tất cả đều được tổ chức khá hợp lý trong một quy hoạch tổng thể hài hoà, tạo nên một không gian học tập vừa đậm tính tri thức nghiêm túc lại vừa bay bổng, hữu tình. Toà nhà khoa Pháp đã có từ hơn 30 năm trước giờ như khoác tấm áo mới khi bao quanh bởi những đầm sen với những bông hoa màu hồng đang hé nở giữa những tấm lá xanh khổng lồ thay vì làn nước xanh xỉn màu rong rêu khi xưa khiến ta có cảm giác như đang lạc vào thế giới cổ tích mộng mơ hay đang check-in một khu resort… Đắm mình trong những khung cảnh ấy, mình bỗng khát khao mong ước, giá mà bây giờ được quay ngược tuổi tác 30 năm, để lại được là tân sinh viên, hàng ngày cắp sách lên ôn bài trong ngôi trường xinh đẹp này. Thực sự là nếu ước nguyện đó có thể xảy ra, thì chắc chắn mình sẽ lại chọn theo học ULIS!” Tiếp bước truyền thống gia đình Khi đến ngưỡng cửa vào đại học, lựa chọn trường và ngành của Minh Ngọc thực sự là một bài toán cân não giữa đam mê của em, mong muốn của bố mẹ và truyền thống gia đình. Từ nhỏ em đã được mẹ cho học hệ song ngữ tiếng Pháp, với ý tưởng sau này sẽ tiếp cận nền văn minh châu Âu qua ngôn ngữ lãng mạn này. Đến cấp 3, khi trở thành thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, em thực sự như con cá được thoả thích “ngụp lặn” giữa biển kiến thức mà các thầy huấn luyện đội tuyển mang lại, trong số đó có nhiều thầy cô mà em vô cùng ngưỡng mộ đã từng học hoặc đã và đang giảng dạy tại ULIS, từ đó trong em nhen nhóm ước mơ được vào học ở ngôi trường mà các thầy cô đã và đang học tập, công tác. Cơ duyên thực sự đến khi năm nay lần đầu tiên ngành Ngôn ngữ Pháp hệ đào tạo chất lượng cao ra đời. Dù thích nghề dạy học nhưng cuối cùng em đã chọn ULIS bởi theo em nghĩ người làm thầy cái cần có đầu tiên là kiến thức chuyên môn sâu. Tại đây, em sẽ được đào tạo tiếng Pháp với hệ tiêu chuẩn chất lượng cao, bên cạnh đó cũng được tiếp cận các khái niệm cơ bản về nhiều lĩnh vực khác như kinh tế tài chính, quản trị du lịch khách sạn… từ đó có thể mở mang vốn từ vựng cũng như hiểu biết kinh tế – xã hội nói chung. Hơn nữa, chương trình này còn đào tạo ngoại ngữ 2 bằng tiếng Anh với tiêu chuẩn chất lượng gần bằng tiếng Pháp. Mọi người có thể thắc mắc tại sao em không đi du học như đa số các bạn bè em ở trường Hà Nội – Amsterdam? Câu trả lời là: để có thể hiểu và dịch một ngoại ngữ thật chuẩn thì giáo viên dạy dịch nên là người Việt chứ không phải người nước ngoài. Việc du học có thể tiến hành sau khi đã có nền tảng vững chắc trong kỹ năng dịch thuật, đồng thời tích luỹ thêm một số kỹ năng sống cần thiết. Một lý do quan trọng nữa khiến em chọn ULIS là em thấy các ULIS-er rất năng động, có tinh thần vượt khó kiên cường và khả năng thích ứng cao không chỉ trong chuyên môn ngoại ngữ mà trong mọi nghề nghiệp. Cụ thể là bác, là mẹ em cùng các thế hệ đồng môn của họ: mặc dù tốt nghiệp ngành ngoại ngữ của ULIS nhưng sau này họ đã tự trau dồi và thành công trong rất nhiều lĩnh vực – tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, du lịch, hàng không, quản trị khách sạn… đặc biệt có người đã trở thành nữ tổng giám đốc đầu tiên của ngành điện, có người thành tổng giám đốc tập đoàn bất động sản lớn, có người thành hoạ sỹ tài hoa – tác giả của con đường gốm sứ ven sông Hồng, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế với bao công trình hội hoạ kiến trúc phục vụ cộng đồng, có người trở thành diễn viên nổi tiếng, nhà văn, nhà thơ, và rất nhiều người đã trở thành giáo viên và các chuyên gia giỏi, giữ các vị trí chủ chốt trong lĩnh vực khoa học, giáo dục… Để có được những ý chí, phẩm chất và tâm hồn đưa đến những thành công ấy không chỉ phụ thuộc vào sự rèn luyện của riêng bản thân họ mà còn là thành quả dạy dỗ hun đúc của các thầy cô từ khi họ còn là các cô cậu học sinh – sinh viên, bởi những năm cấp 3 và đại học là thời kỳ quan trọng trong việc hình thành ý chí và nhân cách con người. Nhìn vào gương các thế hệ ULIS-er đi trước, em thấy cơ hội nghề nghiệp đối với các ULIS-er thực sự rất rộng mở. Em sẽ có thể làm công việc nghiên cứu ngôn ngữ, dịch thuật, hoặc cũng có thể trở thành giáo viên tiếng Pháp, tiếng Anh hoặc thậm chí cả hai (tại sao lại không chứ!?), đồng thời em sẽ giúp bố trong việc khai thác, phục vụ khách nước ngoài cho công ty du lịch của gia đình… Dù sau này làm gì, em cũng sẽ cố gắng hết mình để vận dụng tối đa những gì mình học được ở ngôi trường này. Tâm sự của cô tân sinh viên Nhân dịp trở thành tân sinh viên, Minh Ngọc cũng muốn nhắn nhủ rằng: “Xin phép cho em được xưng “mình” vì tâm sự sau của em chủ yếu hướng tới các bạn sinh viên. Khó có thể tìm được từ nào để diễn tả cảm xúc của mình ngoài “vui và tự hào”. Thực ra hành trình đến với ULIS của mình không phải trải toàn hoa hồng. Thú thực, mình không phải là một học sinh giỏi toàn diện. Ít ai biết rằng, hồi học kỳ 1 năm lớp 8 mình đã từng đề xuất với mẹ xin ra khỏi lớp tiếng Pháp vì thấy học hành quá căng thẳng. Sau đó trấn tĩnh lại, mình cùng mẹ phân tích và nhận thấy nguyên nhân sự mệt mỏi lại nằm ở các môn tự nhiên, còn tiếng Pháp mới là môn ưu việt nhất của mình. Từ đó cùng với đầu tư trọng tâm của mẹ vào thế mạnh tiếng Pháp, song song với việc tìm thầy bổ túc Toán Lý Hoá là các môn “ác mộng” nhất đối với mình, đồng thời với sự kiên trì dìu dắt, động viên tâm lý của cô chủ nhiệm, mình đã trụ lại và lần lượt chinh phục các giải thưởng học sinh giỏi qua các năm. Cuối cùng, giải Nhất kỳ thi HSG thành phố Hà Nội và tư cách thành viên đội tuyển quốc gia đã mở ra cánh cửa để mình đến với ULIS. Qua câu chuyện này mình muốn nhắn nhủ đến mọi người rằng, mỗi khi gặp khủng hoảng hay khó khăn, hãy cố gắng đừng hoảng hốt hay nản chí mà vội quyết định bỏ cuộc. Hãy bình tĩnh phân tích nguyên nhân để tìm ra cách tháo gỡ và hướng xử lý đúng đắn, hợp với sở trường sở đoản của mình, kiên trì bám trụ mục tiêu và nuôi dưỡng ước mơ thì rồi thành công sẽ đến.
|