Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Sinh viên năm nhất và cú "dớp" đầu đời
Dường như đã thành thông lệ, ngay sau khi đỗ đại học là các bạn sinh viên rơi vào tình trạng ăn chơi dài dài, học hành bê trễ. Tâm lý “xả hơi” này không chỉ diễn ra ở một vài cá nhân mà đã trở thành “căn bệnh trầm kha” của sinh viên năm nhất. Và mọi chuyện chỉ trở nên căng thẳng khi mùa thi tràn về. Trao đổi về vấn đề này, thầy Phạm Mạnh Hà (Khoa Tâm lý học, trường ĐH KHXH&NV) chia sẻ:

PV: Với tư cách là một giảng viên đại học, thầy đánh giá thế nào về tình trạng này ở những sinh viên năm thứ nhất?

Thầy Phạm Mạnh Hà: Theo quan sát của tôi trong nhiều năm học rất dễ nhận thấy các tân sinh viên thường có điểm đầu vào rất cao, nhưng qua một học kì đầu tiên thì điểm lại khá thấp. Nếu đánh giá cả quá trình học thì trong bốn năm đại học có thể nói điểm năm thứ nhất thường là thấp hơn cả. Vậy chúng ta đặt ra câu hỏi tại sao điểm đầu vào cao, điểm thi tốt nghiệp cũng tốt vậy mà năm đầu, dường như các tân sinh viên đều bị chững lại. Có thể nói, chính cái tâm lý “xả hơi” đã khiến cho các bạn rơi vào tình trạng như vậy.

PV: Thầy có thể nói rõ hơn nguyên nhân của tâm lý này xét từ góc độ chuyên môn ?

Thầy Phạm Mạnh Hà: Tâm lý này bị gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất phải kể đến đó là tư tưởng “đỗ đại học” là “rồng vượt vũ môn”. Trong quan niệm của các bạn thì đỗ đại học là một cái gì đó rất lung linh, tốt đẹp. Nó là một cái mốc quan trọng của cuộc đời. Vì vậy khi vượt qua được rồi thì dễ sinh ra tâm lý thoả mãn. Do đó dẫn đến việc học hành chểnh mảng. Các bạn chưa ý thức được rằng đỗ đại học chỉ là một giá trị, một mục tiêu mà học sinh phải hướng tới.. Nguyên nhân thứ hai phải kể đến đó là sự thay đổi về lối sống cũng như cách quản lý và dạy học. Ở bậc phổ thông, tuần nào, tháng nào các bạn cũng có vài bài kiểm tra. Và việc kiểm tra thường xuyên ấy, buộc học sinh phải học, phải tuân thủ theo kỉ luật của nhà trường. Ngay khi bước chân vào đại học, sự kiểm soát ấy được thả lỏng, cộng thêm việc dư thừa thời gian nên dẫn đến xu hướng “mặc kệ …nó” trong học tập. Nhất là khi các bạn chưa tự ý thức được tầm quan trọng của việc tự học thì việc trượt dốc cũng là điều dễ hiểu. Đó là chưa kể đến các bạn sinh viên ngoại tỉnh ngoài việc thoát khỏi tầm kiểm soát của nhà trường, còn có sự buông lỏng quản lý của các bậc phụ huynh. Nên các bạn càng dễ sa sút hơn.

PV: Theo thầy, tâm lý này có ảnh hưởng gì đến tư tưởng của các bạn sinh viên năm thứ nhất?

Thầy Phạm Mạnh Hà: Thứ nhất là về mặt tâm lý, khi các bạn học hành như vậy thì chắc chắn điểm không thể cao được. Khi các bạn đem ra so sánh với điểm số của mình thời cấp ba, sự chênh lệch về điểm số quá lớn dễ dẫn đến những ức chế về tâm lý, gây ra sự hoang mang, mù mờ về chính những lựa chọn trường cũng như cách học của mình. Thứ hai là về mặt học tập, các bạn chưa thấy hết cái giá phải trả cho một học kì học hành bê trễ. Tôi nhớ có trường hợp một cậu sinh viên tên là Hải (Khoa Tâm Lý), năm thứ nhất cậu ấy không chú ý học nhưng sau đó cậu đã rất cố gắng ở 3 năm cuối. Tuy vậy, đến khi xét tuyển thẳng nghiên cứu sinh thì cậu ấy bị trượt. Chỉ vì điểm năm thứ nhất của cậu ấy hơi kém. Giá như cậu ấy cố gắng một chút thôi thì có lẽ đã không phải bỏ lỡ một cơ hội tốt đến thế.

PV: Thưa thầy, tại sao thầy cô nào cũng cảnh báo trước cho sinh viên về tâm lý này, nhưng hầu như năm nào tình trạng này vẫn tiếp diễn?

Thầy Phạm Mạnh Hà: Có thể giải thích thế này, ở đời thì cái xấu ta học nhanh hơn cái tốt, cám dỗ thì nhiều hơn giáo dục. Đặc biệt là trong môi trường đô thị, có quá nhiều điều thú vị, lôi cuốn (game, chat…) hơn những thứ sách vở. Bạn không thể ngồi 2 tiếng học Triết nhưng lại có thể bỏ ra 3 giờ chơi game bên bàn vi tính. Chính bởi cám dỗ quá nhiều mà nhận thức của các bạn lại chưa vững nên tình trạng này cứ kéo dài từ năm này qua năm khác.

PV: Có biện pháp nào để khắc phục tình trạng trên không thưa thầy?

Thầy Phạm Mạnh Hà: Ngoài việc tự ý thức của mọi người thì cũng cần đến sự phối hợp từ phía nhà trường cũng như là cách dạy và học. Ví dụ như sắp tới chúng ta sẽ áp dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ ở bậc đại học. Điều này sẽ khiến cho sinh viên thấy rõ hơn vai trò của việc học. Thứ hai đó là việc tuyên truyền, giúp đỡ các bạn sinh viên từ các trung tâm tư vấn tâm lý. Việc các bạn trượt dốc cũng vì nhiều nguyên nhân khách quan. Khi các bạn đỗ đại học, các bạn bị vứt vào một cái “hồ bơi lớn”, mà không ai dạy các bạn biết cách bơi. Các bạn phải tự vùng vẫy thoát ra, hoặc chìm xuống, nếu như có ai đó tư vấn đúng và hiệu quả cho các bạn thì các bạn sẽ tránh khỏi những cám dỗ ấy.

PV: Nếu được đưa ra một lời khuyên cho các tân sinh viên, thầy sẽ nói gì?

Thầy Phạm Mạnh Hà: Tôi muốn nói với các bạn rằng: “Đừng nghĩ đỗ đại học là đã thành công, mà nó chỉ là một mốc để các bạn tiến thêm những bước nữa thôi”.

PV: Xin chân thành cảm ơn thầy!

Còn bạn, nếu không muốn trở thành “chiếc xe đạp tuột phanh đang lao xuống dốc” thì hãy “xốc” lại tinh thần đi. Bạn có muốn sau này khi đã cầm trên tay chiếc bằng tốt nghiệp mà vẫn cảm thấy như khi mới bước vào ĐH không?

 Thu Yến; Ảnh: Vũ Bách - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :