Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Chợ đêm vỉa hè
Sinh hoạt chợ búa từ xa xưa đã gắn liền với đời sống của người Việt. Người ta tìm thấy những nét đẹp văn hoá đặc trưng ở những phiên chợ nổi tiếng như chợ tình SaPa, chợ Viềng (Nam Định)…Giờ đây người dân Hà Nội còn biết đến một hình thức chợ đặc biệt: chợ vỉa hè giữa lòng thành phố

Khi thành phố lên đèn

Ngày nay khi con người trở nên bận rộn hơn thì thói quen mua sắm cũng đã thay đổi. Ban ngày là khoảng thời gian dành cho công việc, chỉ đến khi thành phố đã lên đèn thì người ta mới có thể rảnh rỗi nghĩ đến việc mua sắm. Siêu thị đã trở nên gần gũi và tiện ích với người dân các thành phố lớn như Hà Nội, tuy nhiên bên cạnh siêu thị còn tồn tại những chợ đêm luôn có sức thu hút người mua khá lớn.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như những chợ đêm ấy được quy hoạch một cách có tổ chức như chợ đêm sinh viên Cầu Giấy, chợ đêm Đồng Xuân…Trái lại có những khu vực chợ tận dụng ngay vỉa hè – nơi vốn chỉ dành cho người đi bộ nay lại biến thành chỗ tụ họp. Khi thành phố lên đèn thì cũng là khi những vỉa hè ở đường Chùa Bộc, Phùng Khoang, Nguyễn Quý Đức… trở thành chợ - những cái chợ đặc biệt!

Dạo quanh chợ vỉa hè

Chùa Bộc là một khu phố khá chật hẹp, thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông. Tuy vậy, nếu bạn qua quãng đường này tầm 8-9h tối, bạn sẽ được “tận mục sở thị” một chợ đêm vỉa hè ồn ào, náo nhiệt nằm ngay bên lề đường vốn dĩ rất nhỏ hẹp này. Những chồng quần áo, cặp, túi xách, giày dép…được bày la liệt trên những tấm vải bạt với đủ kiểu dáng, màu sắc.

Người mua hàng tại những chợ vỉa hè này hầu hết là các bạn sinh viên bởi những mặt hàng đa dạng, giá cả lại rất vừa túi tiền (nếu biết mặc cả). Thế nhưng, điều đáng nói là tại các chợ đêm vỉa hè này do không được quản lý một cách nghiêm ngặt nên vẫn còn xảy ra hiện tượng mất cắp, giật đồ. Những nhóm cướp giật, móc túi hoạt động một cách “chuyên nghiệp”. Không khó khăn để có thể nghe thấy những tiếng khóc nức nở của những bạn sinh viên vì mải xem cái này ngắm cái kia mà quên không để ý đến đến xe đạp hoặc tiền bạc trong túi của mình. Đến khi sực nhớ ra thì nó đã không cánh mà bay… Mặt khác, xét ở góc độ thẩm mỹ, chợ vỉa hè cũng có không ít điều cần bàn. Đáng lẽ một số mặt hàng cần được bày bán một cách kín đáo thì lại cứ nằm “lộ thiên” bên cạnh đường đi. Chúng cứ tồn tại một cách hồn nhiên như không hề biết đến sự e ngại, phản cảm đã gây ra cho người đi đường!

Mua sắm cũng là sự thể hiện bản sắc văn hoá. Nó không đơn thuần chỉ là công việc thường nhật của con người. Đời sống càng văn minh, con người càng bàn nhiều đến thói quen mua sắm. Ngày xưa khi những phiên chợ chủ yếu họp ban ngày, thì giờ đây khi thành phố đã lên đèn, hoạt động mua sắm vẫn diễn ra sôi động. Chợ đêm vốn là một nét văn hoá riêng của người Việt. Nhưng những chợ đêm vỉa hè như thế này không thể hiện được nét văn hoá ấy.

Những vỉa hè cần được trả lại tên gọi đúng nghĩa của nó không phải chỉ ban ngày mà ngay cả khi thành phố đã lên đèn…

 Thái Thị Như Quỳnh
K48 Ngôn ngữ, ĐHQGHKH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :