Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
YES, THAT’S THE FUTURE OF VIETNAM!
Là một trong 3 thanh niên - sinh viên Việt Nam trở về từ Diễn đàn thanh niên và môi trường Đông Nam Á năm 2006 diễn ra tại Brunei từ ngày 8 đến 11/1/2007, bạn Vũ Hải Hà - sinh viên lớp K37A1 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh - Mỹ, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN tâm sự:

Nhiều người hỏi tôi rằng, điều gì đọng lại trong tôi lâu nhất sau mỗi một chuyến đi. Có phải chăng đó là cuộc sống xa hoa trong những khách sạn đắt tiền trên nước bạn, hay là một bạn gái xinh xắn nào đó mà tôi đã có cơ hội trò chuyện trong suốt cuộc hành trình? Đáp lại, tôi chỉ mỉm cười và nói “Không phải. Đó là những bài học, là tầm nhìn được mở rộng của một thanh niên Việt Nam khi bước ra ngưỡng cửa của thế giới”.

Tôi đã từng có cơ hội được đi ra nước ngoài. Nhưng lần đó, tôi có nhiều bè bạn đồng hành với mình. Còn lần này, khi được cử sang Brunei để tham dự diễn đàn thanh niên Đông Nam Á về vấn đề môi trường, tôi “nghiễm nhiên” trở thành “trưởng đoàn” vì hai bạn sinh viên đi cùng với tôi đều nhỏ tuổi hơn. Thế là chuyến đi ba ngày bỗng trở thành cơ hội, song đồng thời cũng là thử thách và trách nhiệm đối với tôi. Bù lại, tôi nhận được nhiều lời động viên từ bố mẹ, thầy cô và bè bạn. Đó thực sự là hành trang quý giá nhất mà tôi mang theo khi bước chân sang đất nước Brunei xa lạ.

“Hello” và “Sawatdiikhrap

Vũ Hải Hà (đứng thứ ba từ trái sang) và sinh viên các nước tại diễn đàn.

Khởi hành từ sáng tinh mơ và đến Brunei khi đã 7 giờ tối, sự thay đổi thời tiết, múi giờ và những lần chuyển máy bay khiến chúng tôi mệt lả. Bỏ qua bữa tối, tôi bước lên phòng, trong lòng thoáng chút hồi hộp khi biết thay vì ở chung với nhau, chúng tôi sẽ cùng chung phòng với các bạn nước khác. Là một sinh viên Khoa NN&VH Anh - Mỹ nhưng kinh nghiệm tiếp xúc với người nước ngoài còn hạn chế khiến tôi phải ngập ngừng giây lát mới dám gõ cửa. Ra đón tôi là một em trai, có lẽ chỉ khoảng 15 tuổi. Buồn cười thay là em ấy cũng nhìn tôi chẳng biết nói gì. Và bất chợt, khi tôi nhìn thấy chiếc áo em đang mặc có in hình quốc kỳ Thái Lan thì lời chào “Sawatdiikhrap” bỗng cất lên từ tôi như một phản xạ tự nhiên. Môn Tiếng Thái mà trước kia tôi vẫn nói đùa “Học để làm gì nhỉ?” bỗng trở nên cực kỳ hữu ích. Sau này tôi mới biết em ấy đến từ miền núi và vốn tiếng Anh còn rất hạn chế. Thế là em kéo cả đoàn Thái Lan sang nói chuyện, làm tôi phải giở hết “ngón nghề” ít ỏi ra để tiếp chuyện tới khuya. Mệt, nhưng vui. Và ắt hẳn, những ai có mặt trong diễn đàn ấy đều tỏ ra ngạc nhiên khi thấy Việt Nam và Thái Lan trên sân bóng thì nảy lửa là thế, mà trong cả hội nghị thì cứ “líu lo” như người một nhà. Còn tôi thì đã kịp rút ra bài học đầu tiên cho riêng mình: Ngoại ngữ nào cũng đáng quý và quan trọng như nhau. Bước ra ngoài thế giới, sự hiểu biết về ngôn ngữ sẽ phá tan đi những rào cản về mặt văn hoá và kéo con người xích lại gần nhau hơn.

Từ niềm tự ti dân tộc đến “That’s the future of Vietnam

Theo quy định của Ban tổ chức, mỗi đoàn sẽ chuẩn bị một bài thuyết trình kéo dài khoảng 20 phút về thực trạng môi trường cũng như vai trò của thanh niên đối với công tác bảo vệ môi trường trong nước. Khỏi phải nói tôi đã kỳ công cho bài trình bày này đến mức nào. Thực ra, tôi đã phải vừa thi học kỳ, vừa chuẩn bị, và nhiều người trên chuyến bay từ Việt Nam sang Brunei chắc hẳn sẽ thấy ái ngại cho một cậu thanh niên là tôi trông cũng “không đến nỗi nào” mà cứ cầm tờ giấy lẩm nhẩm điều gì trong suốt cả chuyến bay. Thế mà tối trước hôm tôi phải trình bày, một em trong đoàn đã kể với tôi một chuyện thật buồn: Tối hôm đó, trong bàn ăn, em đã có dịp trò chuyện với một người nước ngoài về Việt Nam. Khi thấy người đó nói những điều không chính xác về đất nước mình, em đã không thể nói lại gì được vì vốn tiếng Anh của em còn hạn chế quá. Rồi khi biết trong bài trình bày của tôi, có đoạn nói về vai trò của Đảng cộng sản đối với tổ chức Đoàn thanh niên, em tỏ ra ái ngại và coi đó là một vấn đề “nhạy cảm” không nên nói ra. Tôi không giận em. Em còn quá nhỏ nên suy nghĩ còn chưa chín chắn. Tôi chỉ nói với em đúng một điều “Anh sẽ không bỏ đâu em ạ. Thực tế thế nào, anh sẽ nói đúng như thế. Em thử nghĩ xem, nếu chúng ta là người Việt Nam còn tự ti và nói sai về đất nước mình như vậy, thì làm sao chúng ta có thể yêu cầu người nước khác coi trọng và nói đúng về chúng ta được”. Chỉ thế thôi mà em đã hiểu ra. Em không buồn nữa, vì có lẽ em đã rút ra được một bài học cho riêng mình. Nhưng tôi lại thấy buồn, vì tự hỏi không biết có bao nhiêu thanh niên Việt Nam khác đã từng nghĩ như em…

Ngày hôm sau, đoàn Việt Nam theo thứ tự sẽ trình bày cuối cùng. Nhưng một “sự cố” đã xảy ra. Nhiều đoàn đã trình bày quá thời gian quy định, khiến lịch trình bị xáo trộn và kéo không khí cả phòng họp chùng xuống. Không còn cách nào khác, theo đề nghị của Ban tổ chức, tôi buộc phải cắt ngắn đến gần một nửa thời lượng cho bài trình bày của mình. Lấy hết can đảm, tôi mở đầu bài trình bày với một câu đùa chợt nảy đến trong đầu. Cả hội trường cười ồ với tràng pháo tay thích thú, “tạo đà” để tôi trình bày thành công bài thuyết trình của mình. Lúc đó, thú thực tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có thể nhanh trí và bình tĩnh đến vậy. Có lẽ tiếp sức cho tôi lúc đó phải là niềm tự hào mãnh liệt về đất nước và về hàng triệu thanh niên Việt Nam mà tôi đã vinh dự làm người đại diện. Tôi bước xuống mà tai lùng bùng không nghe nổi những tiếng vỗ tay nữa. Nói cho cùng thì tôi đã nói được những điều mình nghĩ và thuyết trình đúng với khả năng của mình - đó mới là điều quan trọng nhất.

Cho đến giờ nghỉ giải lao, khi chúng tôi đang trò chuyện về bài thuyết trình thì bỗng có hai người nước ngoài bước lại. Một trong số họ là giáo sư của trường Đại học Liên hợp quốc (UNU-IAS), còn người kia là Tiến sĩ Irene Poh Ai Cheoung của Đại học Brunei Darussalam. “It’s a very good presentation. You spoke very well.” Lời khen mà họ dành cho tôi đã mở đầu cho một cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng đầy lý thú về đất nước và con người Việt Nam. Qua đó, họ đều tỏ ra lạc quan tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam và mong rằng trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ vươn lên ngang tầm khu vực và thế giới. Đặc biệt, vị giáo sư đã dành những lời khen ngợi cho sinh viên Việt Nam và ông không quên nói thêm rằng những sinh viên Việt Nam mà ông có dịp làm việc với là những sinh viên thông minh và chăm chỉ nhất. Điều thú vị là ông cũng đã từng đến thăm Đại học Quốc gia Hà Nội, và chắc hẳn ấn tượng của ông về mái trường này phải sâu đậm lắm nên ông mới có thể kể lại được cả tên của vị Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội với một niềm hân hoan đặc biệt. Thật tiếc là tiếng chuông báo tiếp tục giờ họp đã cắt ngang câu chuyện dang dở của chúng tôi, nhưng khi tôi bước đi, một câu nói vô tình giữa hai người khiến cho tôi thực sự cảm động “They’re really intelligent, aren’t they?”, “Yes, that’s the future of Vietnam”. Câu nói đó khiến cho tôi thấy tự hào khôn xiết. Có lẽ cả cuộc đời này, tôi cũng không thể nào quên được niềm tin của một con người xa lạ đã gửi gắm nơi đất nước tôi. Niềm tin ấy khiến tôi càng ý thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân nói riêng và thế hệ trẻ Việt Nam nói chung đối với sự nghiệp xây dựng đất nước mai sau, để không bao giờ phụ lòng tin của những con người như thế.

Sinh viên các nước tham gia diễn đàn Thanh niên và môi trường Đông Nam Á năm 2006.

Từ “Together towards sustainable development” đến “Let’s get loud

Ba ngày trên đất nước Brunei là ba ngày mà đoàn Việt Nam đã trao đổi và học hỏi được rất nhiều. Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Together towards Sustainable Development” (Cùng hướng tới sự phát triển bền vững) - một đề tài mới chỉ được nhắc đến ở Việt Nam trong một vài năm trở lại đây. Chính vì thế, với tinh thần học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, chúng tôi đã thực sự ấn tượng vói nhưng đề tài như “Tiết kiệm điện trong trường học”, “Phân loại rác thải trong lớp học” hay “Biến rác thành tiền” của các bạn nước khác. Mặt khác, các bạn cũng thực sự quan tâm tới hoạt động thanh niên tình nguyện của chúng ta và tỏ ra thích thú với những sáng kiến “vượt khó” của thanh niên Việt Nam trong những hoạt động tình nguyện vì môi trường.

Bên cạnh các hoạt động chính thức, chúng tôi cũng đã có ba ngày sống hết mình như những thanh niên năng động và sôi nổi của thời đại mới. Đêm cuối cùng ở Brunei là một đêm đáng nhớ khi chúng tôi cùng chung nhau hát vang những bài ca cháy bỏng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Bài hát kết thúc “Let’s get loud” làm chúng tôi khản cả giọng, nhưng vòng tay thì lại như bền chặt hơn. Tôi đã thấy những ánh mắt long lanh khi chúng tôi nói lời chia tay. Một cái ôm rất chặt khi tiễn đoàn Việt Nam về nước; một quyển sổ đầy lời yêu thương cùng lời nhắn “Nhớ add nick của mình nhé” khiến chúng tôi lưu luyến không muốn rời. Để rồi cho tới tận ngày hôm nay, khi bồi hồi nhớ lại, trong trái tim tôi vẫn còn nóng hổi hơi ấm của tình bạn và tình hữu nghị thắm thiết.

Trong buổi học đầu tiên sau khi tôi trở về, thầy Hoà đã hỏi vui: “Sau chuyến này chắc Hà giàu to nhỉ? Brunei giàu thế cơ mà!” Chưa hiểu ý thầy nên tôi trả lời cũng rất thật: “Em không được tiền, nhưng lại được rất nhiều thứ còn quý hơn cả tiền cơ ạ”. Thầy mỉm cười và không nói gì nữa. Nhưng tôi hiểu ngay đó là một nụ cười mãn nguyện, một nụ cười “chiến thắng” dành cho một thanh niên đã nhận ra giá trị đích thực của mỗi chuyến đi. Và bạn biết không, hôm chia tay ở sân bay, hai em đi trong đoàn Việt Nam đã nói với tôi “Kỳ này về, em nhất định sẽ học thêm tiếng Anh, anh ạ!”. Vậy là đâu chỉ mình tôi “đi một ngày đ-àng, học một sàng khôn” cơ chứ!

VÀI NÉT VỀ DIỄN ĐÀN THANH NIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG ĐÔNG NAM Á NĂM 2006

Nhằm tăng cường kiến thức và hiểu biết về các vấn đề môi trường khu vực và các chương trình hợp tác, đồng thời đẩy mạnh việc tham gia của thanh niên vào các nỗ lực môi trường trong khu vực Đông Nam Á; nhận lời mời của của Vụ trưởng Vụ Môi trường, Khu bảo tồn và Tái tạo của Brunei về việc tham dự Diễn đàn thanh niên và môi trường Đông Nam Á từ ngày 8 đến ngày 11/1/2007 với chủ đề “Cùng hướng tới sự phát triển bền vững” tại Bandar Seri Begawan, Brunei Darussalam; Cục bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị mội số trường đại học trên địa bàn Hà Nội cử sinh viên tham gia diễn đàn này.

Tham dự diễn đàn năm nay có khoảng 100 thanh niên các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó nước chủ nhà có 50 thanh niên tham gia. Đoàn Việt Nam có 3 sinh viên, trong đó có 2 sinh viên của ĐHQGHN.

Tại diễn đàn, thanh niên các nước trong khu vực đã nghe thuyết trình về phát triển bền vững, trình bày về tình hình môi trường và vai trò của thanh niên đối với công tác bảo vệ môi trường của đất nước mình và cùng nhau họp bàn về giải pháp giải quyết các vấn đề về môi trường mang tính khu vực, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của thanh niên đối với công tác bảo vệ môi trường khu vực và thế giới.

 Vũ Hải Hà - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :