Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Khi thủ lĩnh Đoàn tâm sự...
“Làm cán bộ Đoàn như người làm dâu trăm họ, có lúc quyền rơm mà vạ đá” – cánh thủ lĩnh đoàn thỉnh thoảng vẫn đùa nhau như vậy. Lý do trở thành cán bộ đoàn của mỗi người mỗi khác nhau nhưng họ đều phải là những cá nhân năng động, đóng vai trò là đầu tầu trong các hoạt động ở khoa, ở chi đoàn, chi hội… Hãy cùng nghe những thủ lĩnh đoàn của ĐHQGHN tâm sự:

Nguyễn Thị Tố Anh, Bí thư Chi đoàn 40T1, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, ĐHNN:Chỉ có một bài thuốc đặc trị là lòng nhiệt tình và sự sắp xếp công việc một cách khoa học: Năm thứ nhất đại học cũng là năm em bắt đầu tham gia công tác trong cương vị một cán bộ Đoàn. Trong đại hội chi đoàn đầu năm, em và 7 bạn trong lớp cùng ứng cử vào BCH chi đoàn (con số khá cao với sĩ số lớp chỉ là 20, số đoàn viên có mặt hôm đó là 18), và đã may mắn trúng cử với số phiếu bầu là 16/18. Đó quả thực là một niềm vinh dự nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao. Em nhớ hôm đại hội, do phải học chung phòng với lớp khác (lớp học sáng, lớp học chiều) nên cả lớp đã quyết định chọn địa điểm họp là … quanh một gốc cây nhỏ ở sân nhà A2 của trường. Tuy vậy, cuộc họp vẫn thành công và thu hút sự tham gia hào hứng không chỉ của các thành viên trong lớp mà còn nhận được sự "quan tâm", "chú ý" của nhiều người! Vì là lớp chất lượng cao nên số lượng thành viên cũng ít hơn so với nhiều lớp khác. Điều may mắn là 16/20 đoàn viên của chi đoàn đều là cựu học sinh Khối Phổ thông Chuyên Ngoại ngữ. Với đặc tính cởi mở và nhiệt tình nên việc kết nối các thành viên thành một tập thể 40T1 vững mạnh.

Khi tham gia các hoạt động tập thể nói chung cũng như hoạt động Đoàn, bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn bởi bạn phải học cách sống cùng tập thể, biết chia sẻ với mọi người. Hơn nữa nếu được làm một cán bộ Đoàn, bạn sẽ tích lũy thêm cho mình vô số kinh nghiệm, và có thể dễ dàng hòa hợp với nhiều đối tượng, nhiều tính cách khác nhau. Nhưng nhiều bạn cũng than vãn rằng làm công tác này thì mất thời gian. Đây cũng là một thực tế. Để đặc trị “căn bệnh” chỉ có một bài thuốc là lòng nhiệt tình và sự sắp xếp công việc một cách khoa học.

Một lợi thế của bản thân mà em nghĩ cũng là điều cần thiết để "gây chú ý" đó là nói to, rõ ràng và mạnh dạn nói trước đám đông. Đừng hy vọng mọi người sẽ nghe theo bạn khi đứng trước mặt họ bạn là một người rụt rè, lí nhí và tẻ nhạt. Hãy làm sinh động lời nói bằng cử chỉ dễ gần và một vài lời "quảng cáo" cho các hoạt động nêu ra, đưa kèm những điều thú vị và lợi ích của hoạt động để khuyến khích mọi người tham gia; tranh thủ thông báo khi có những tiết học môn chung tại hội trường để thông tin đến với mọi người nhanh nhất, chính xác nhất. Hãy làm quen và thường xuyên trao đổi với các cán bộ của lớp khác để có được sự hỗ trợ tốt với nhau... Cùng với lớp trưởng, chúng em đã tổ chức cho lớp những buổi đi hát karaoke (thể theo sở thích chung của lớp), những buổi nấu ăn cùng các thầy cô người Trung Quốc (vừa để giao lưu, vừa để học thêm tiếng và những kiến thức văn hóa), kết hợp cho các bạn tập viết sớ để thực hành tiếng…Nói cách khác, cần đưa ra thật nhiều hoạt động phù hợp với đặc thù lớp, tính cách các thành viên để mọi người lựa chọn và tích cực tham gia. Điều quan trọng là bản thân người lãnh đạo phải tham gia tích cực và biết cách lắng nghe ý kiến của tập thể để điều chỉnh.

Nguyễn Thị Thanh Nga, Bí thư Chi đoàn K48 CLC Ngôn ngữ, Khoa Ngôn ngữ học, ĐHKHXH&NV: “Theo tôi, hoạt động Đoàn cần bàn tay và khối óc của tập thể”: Đến tận năm thứ ba đại học, tôi mới “chân ướt chân ráo” bước vào công tác đoàn bằng một kỉ niệm rất đáng nhớ đối với tôi và cả chi đoàn K48 CLC Ngôn ngữ. Một cuộc bầu cử ngoạn mục…

Nguyễn Thị Thanh Nga (người đứng thứ 4 từ phải sang) và
các bạn cùng lớp chụp ảnh kỷ niệm với thầy Nguyễn Văn Hiệp

Lớp tôi vẻn vẹn có 19 người. Trong buổi đại hội năm ấy, tôi còn nhớ một ý kiến: “Lớp mình ai tham gia trong Ban chấp hành chi đoàn cũng được bởi ai cũng có năng lực và trách nhiệm đối với công việc. Bây giờ đề cử theo… cân nặng, đảm bảo có sức mà hò hét, mà đôn đốc mọi người…”. Ý kiến “có lý” đó được chấp nhận. Thế là danh sách ứng cử là 5 tên “đỉnh” nhất lớp về chiều cao và cân nặng, trong đó có… tôi. Qua vòng bỏ phiếu, tôi có mặt trong Ban chấp hành chi đoàn và được bầu làm Bí thư.

Tôi bắt đầu mọi việc ở điểm xuất phát. Thật khó khăn! Bởi nếu là năm thứ nhất, bạn sẽ có nhiều hứng thú, bầu nhiệt huyết sẽ tràn trề hơn dễ dàng hoàn thành tốt trọng trách được giao phó. Với tôi, lúc đầu cũng hơi ngại vì một vài lý do… Nhưng rồi hoạt động Đoàn đã thực sự cuốn hút tôi, đã gạt bỏ mọi trở ngại ban đầu trong tôi. Tôi đã nhận được sự đồng lòng của các thành viên trong chi đoàn. Mỗi hoạt động Đoàn không còn là của riêng một ai hay của Ban chấp hành mà là hoạt động của đoàn thể, là cơ hội để cả chi đoàn gần gũi nhau.

Cứ nhảy xuống nước, bạn sẽ phải biết bơi thôi. Khi đã thực sự dấn thân vào, bạn sẽ biết phải làm gì và sẽ biết làm thế nào. Bạn cần một lòng nhiệt huyết (cái đó thì không thiếu và không thể thiếu với các thủ lĩnh Đoàn) và một hậu phương cực kì vững chắc là chính chi đoàn của bạn…

Ngô Viết Bắc, Bí thư Khối K9 hệ Cử nhân tài năng, ĐHKHTN:
“Không có tập thể tồi, chỉ có những cán bộ đoàn xa rời tập thể”: Lần đầu tiên tham gia công tác Đoàn là trong cương vị Bí thư khối K9 Cử nhân tài năng (CNTN). Điều lớn nhất mà tôi học được đó chính là biết yêu những gì mình có, yêu bạn bè - yêu người đồng chí, yêu lớp – yêu chi đoàn. Không có một tập thể tồi, chỉ có những người lãnh đạo xa rời tập thể. Bạn là một cán bộ Đoàn, bạn muốn trở thành một thủ lĩnh đoàn xuất sắc, theo tôi bạn nên suy nghĩ điều đó, đừng để tham vọng chi phối hoạt động tập thể. Bạn nên nghĩ vì tập thể, sống cho tập thể. Chính tập thể sẽ giúp bạn đạt được những điều bạn chưa nghĩ đến.

Ấn tượng nhất đối với tôi là lần di dã ngoại cuối cùng trước khi chia tay các bạn trong hệ CNTN tại Kim Bôi. Chúng tôi leo núi, không phảo bằng dây bằng móc mà bằng đôi tay của bạn bè mình. Người lên trước kéo người lên sau, người lên sau đưa tay cho người kế tiếp. Cứ như vậy, chúng tôi đã leo lên đỉnh núi. Có những người không tham gia, có những người phải bỏ cuộc giữa chừng. Tôi tiếc cho họ vì đã không có cảm giác đứng trên đỉnh núi thênh thang. Thứ mà tôi nhìn thấy được trên đó không phải là bao la đất trời hùng vĩ mà là tình cảm bạn bè gắn bó, gần gũi ,à bấy lâu nay tôi chỉ cảm nhận được phần nào.

Trong thời gian làm bí thư ở lớp, tôi đã học được nhiều từ các bạn, mỗi người mỗi tính, mỗi khả năng. Những gì học được từ các bạn giúp tôi tự tin vào bản thân hơn, đồng thời cũng biết tin tưởng vào người khác trong hoạt động tập thể. Mới đây, một điều không ngờ đã tới: tôi đã trở thành ủy viên BCH Đoàn trường. Tất cả là nhờ các bạn. Sống cùng các bạn là một tập thể, tôi chưa từng nghĩ mình là người lãnh đạo. Tôi chỉ làm hết mình mong sao Chi đoàn thật đoàn kết đồng lòng. Và thật may mắn, mọi công việc đều suôn sẻ vì tôi tin các bạn, các bạn tin tôi… Phía sau của những gì đạt được, tôi phải đối mặt với một khó khăn rất lớn: vấn đề thời gian. Một sinh viên có bao nhiều thời gian? Đừng mang ra đếm bằng giờ vì hiệu quả sử dụng thời gian của mỗi người khác nhau, nhưng vẫn có thể quy về một điểm chung: cách sử dụng thời gian trong quỹ thời gian để đảm bảo kết quả học tập tốt cho nhiệm vụ quan trọng nhất của người sinh viên: học tập.

 Lê Vũ Bách - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :