Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Sinh viên ĐHQGHN đoạt giải nhất cuộc thi “Sứ giả khoa học”
Thí sinh Đỗ Thị Hoàng Dung - sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) và Nguyễn Thị Bích Ngọc - sinh viên Đại học Hà Nội đã đoạt giải nhất trong đêm chung kết cuộc thi “Sứ giả khoa học” vừa diễn ra tại Hà Nội.

“Sứ giả khoa học” là cuộc thi do Hội đồng Anh phối hợp cùng với VTV2 (Đài truyền hình Việt Nam) tổ chức nhằm khuyến khích các hoạt động về truyền thông khoa học cho các bạn trẻ.

Đối tượng tham gia là các bạn trẻ yêu khoa học có độ tuổi từ 18 trở lên, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Người dự thi sẽ trình bày hay diễn giải các hiện tượng/phát minh khoa học một chủ đề khoa học nào đó theo cách sáng tạo và dễ hiểu nhất cho công chúng. Cuộc thi nằm trong Tuần lễ khoa học (Science Week) do Hội đồng Anh tổ chức gồm các hoạt động hấp dẫn và bổ ích về truyền thông khoa học như Cà phê đối thoại, Ngày khoa học vui… Cũng trong dịp này, Hội đồng Anh sẽ tài trợ chiếu một loạt các phim tài liệu về đề tài khoa học trên các kênh truyền hình tại Việt Nam.

Cuộc thi “Sứ giả Khoa học” gồm 2 vòng. Ở vòng đầu thí sinh phải thuyết trình trong 3 phút, và ở vòng chung kết là 5 phút về một chủ đề khoa học tự chọn. Thí sinh phải chinh phục ban giám khảo về khả năng diễn thuyết sinh động và hấp dẫn, dễ nghe về một chủ đề khoa học có thể khó hiểu hay khô khan. Tiêu chí chấm điểm gồm nội dung ý tưởng, độ rõ ràng rành mạch, phong cách trình bày thu hút và độ độc đáo của ý tưởng. Các chủ đề trình bày khá đa dạng, từ những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, nhận thức về HIV tới hiện tượng thời tiết... Thí sinh được quyền trình bày bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt bởi tiếng Anh cũng là một yêu cầu đối với người thắng cuộc để tham gia Festival Khoa học tại Anh.

Kết thúc vòng hai, 2 giải nhất đã được trao cho thí sinh Đỗ Thị Hoàng Dung, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) với chủ đề “Sự hình thành của vòi rồng”, và thí sinh Nguyễn Thị Bích Ngọc, sinh viên trường Đại học Hà Nội với đề tài “Công nghệ xử lý rác thải”. Hai bạn đoạt giải nhất sẽ được tham dự Festival Khoa học Cheltenham tại Vương quốc Anh từ ngày 6 đến 10/6/2007.

Lịch sử Festival Khoa học Cheltenham

Kể từ Festival lần đầu tiên vào năm 2002, Cheltenham đã có danh tiếng là một trong những Festival khoa học hay nhất ở Anh. Được thành lập bởi các nhà khoa học nổi tiếng như Kathy Sykes và Frank Burnet, chương trình đã khai thác được sự vui thích và hấp dẫn trong thế giới của khoa học.

Năm 2004, Huân tước Robert Winston được mời làm Giám đốc danh dự của Festival và năm 2005 là Huân tước David Puttnam. Điều đó càng khiến cho Festival trở nên một cơ hội tuyệt vời để khám phá những điều thú vị trong lĩnh vực y học và phim ảnh.

Tiêu chí của Festival kể từ khi thành lập năm 2002 đã được tiếp tục cho tới bây giờ- đó là sự pha trộn giữa giải trí, tạo thách thức và đưa ra các vấn đề gây tranh cãi. Chỉ với khoảng thời gian 5 ngày,Festival Cheltenham đã mang tới một không khí lễ hội vô cùng độc đáo và vui tươi.Các chủ đề từ sinh sản vô tính đến việc hợp pháp hoá một số loại thuốc được các diễn giả nổi tiếng như Adam Hart-Davis, Susan Greenfield đề cập đến, các phát minh khoa học vĩ đại, những câu hỏi hóc búa nhất và những thí nghiệm vui liên tục được phối hợp trong festival.

Với những dự án mới, thú vị mang tầm quốc gia, như FameLab - cuộc tìm kiếm những gương mặt mới trong lĩnh vực khoa học trên toàn nước Anh, Cheltenham không đi theo lối mòn cũ mà hướng vào việc khuyến khích công chúng cùng tham gia vào khoa học. Danh tiếng của Festival cũng được tạo nên bởi những thành công trong việc phát triển gương mặt truyền thông khoa học mới, những buổi diễn thuyết mới lạ và tạo ra những ý tưởng nghệ thuật sáng tạo và tiên phong.

Từ năm 2002, Cheltenham đã bán ra 50,000 vé cho 400 sự kiện. Không gian hấp dẫn dành cho khoa học Discover Zone đã thu hút hơn 100,000 lượt người.

 Minh Hằng (tổng hợp)
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :