Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Giới thiệu Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới và 2 tác phẩm: "Trí tuệ đám đông" và "Tâm lý học đám đông"
Buổi giới thiệu đã được Khoa Quốc tế học, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) phối hợp với Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh, Dự án Tinh hoa Tri thức Thế giới (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Vusta) tổ chức ngày 16/5/2007 tại Hội trường tầng 4 nhà H, ĐHKHXH&NV.

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Cảnh Bình, Tổng thư ký Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh; Nhà văn – dịch giả Nguyễn Xuân Khánh cùng nhóm cộng sự của Quỹ. Về phía Trường ĐHKHXH&NV có PGS.TS Lâm Bá Nam, Phó hiệu trưởng Nhà Trường; TS. Phạm Quang Minh, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học cùng đông đảo sinh viên các khóa trong Khoa Quốc tế học.

Các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Cảnh Bình giới thiệu về Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh, Dự án Tủ sách Tinh hoa Tri thức thế giới. Chính thức ra mắt ngày 9/1/2007 tại Trung tâm hội nghị Báo chí (11B Lê Hồng Phong - Hà Nội), Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam quản lý có nhiệm vụ vận động tài chính và các đóng góp khác trong và ngoài nước để hỗ trợ cho Dự án Tinh hoa Tri thức Thế giới trong việc dịch và xuất bản 500 – 1.000 tác phẩm có vị trí quan trọng trong hệ thống tư tưởng thế giới. Đây là một quỹ xã hội, phi lợi nhuận do bà Nguyễn Thị Bình – Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam làm Chủ tịch, với Hội đồng Khoa học và Ban cố vấn gồm nhiều nhà khoa học, học giả trong và ngoài nước. Ngoài hỗ trợ, tài trợ đầu tư cho việc dịch thuật và xuất bản; Đào tạo các dịch thuật viên chuyên nghiệp, tổ chức các sự kiện văn hóa, quảng bá, giới thiệu và hội thảo về sách, Quỹ còn trao giải thưởng Dịch thuật Phan Chu Trinh cho các tác phẩm dịch xuất sắc nhất trong chương trình.

Đến nay, Quỹ đã dịch và xuất bản nhiều tác phẩm như "Những cuộc đời song hành" của Plutarque, "Bàn về tự do" của John Stuart Mill, "Thế giới như tôi thấy" của Albert Einstein, "Cháu ông Rameau" của Denis Diderot, Mỏ chim sẻ đảo của Jonathan Weiner…, trong đó có "Tâm lý học đám đông" của tác giả Gustave Le Bon và "Trí tuệ đám đông" của James Surowiecki.

Ông Nguyễn Cảnh Bình - Tổng thư ký Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh

Dịch giả, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Tiếp theo cuốn Tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon (Pháp – 1895, dày 400 trang, dịch giả là Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Văn Nam hiệu đính), Nhà xuất bản Tri thức tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn Trí tuệ đám đông của James Surowiecki (Mỹ - 2004, do nguyễn Thị Yến dịch, Trần Ngọc Hiếu hiệu đính). Nội dung của 2 cuốn sách đã cung cấp cái nhìn đa chiều về một vấn đề rất lý thú, liên quan trực tiếp đến cách kiến giải sự vận hành thực sự của thế giới, đó là Tâm lý – Trí tuệ tập thể. Hai tác giả đã đi sâu khai thác vào hai khía cạnh của cùng một vấn đề. Nếu như Le Bon quan tâm đặc biệt đến tính vô thức của đám đông dễ bị kích động tâm lý thì ngược lại James Surowiecki chú trọng phân tích tác động "hữu thức" của đám đông lẫn trí tuệ tập thể.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó hiệu trưởng Lâm Bá Nam đã cảm ơn sự phối hợp tổ chức của Quỹ Phan Chu Trinh trong việc tổ chức giới thiệu sách, tạo cơ hội cho sinh viên nhà trường tiếp cận nhanh hơn với nguồn tri thức của nhân loại trong quá trình hội nhập.

 Tin&ảnh: Lê Tùng Chi - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :