Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Giảng đường “đói”
Buổi sáng đến một số giảng đường không phải là quang cảnh học bài, ôn bài cũ như mọi người nghĩ mà dường như giống không khí của một phòng ăn. Bánh mì, bánh bao, xôi, kẹo, nước được bày la liệt trên mặt bàn. Sinh viên vừa ăn vừa tranh thủ buôn chuyện đầu giờ.

Có thực mới vực được đạo

Thời gian ăn sáng cũng tuỳ thuộc vào thời gian đến trường của sinh viên mỗi ngày, thường thì đến lúc nào ăn lúc đó. Đến sớm ăn sớm, đến muộn ăn muộn. Chính vì thế trong lớp được chia ra thành nhiều lượt khác nhau. Có tốp tranh thủ ăn sớm trước lúc thầy cô chưa vào, có nhóm thì ăn trong giờ học, lại có nhóm chờ đến giờ giải lao mới rủ nhau ra ngoài ăn. Lớp học đông đủ sau một hai tiết bỗng dần xuất hiện những khoảng trống. Người thưa dần, thoát ẩn thoát hiện. Vì sao lại vậy? Nhiều sinh viên đã lí giải “Ăn ở trường tiện hơn và có nhiều thứ để mình lựa chọn”. Thời gian luân phiên như vậy làm cho bữa sáng có khi lai dai đến tận tiết ba, tiết bốn mới hết.

Trong mắt sinh viên việc ăn sáng ai cũng như ai, và quan trọng là làm sao lấp đầy cái bụng đã trống rỗng từ tối hôm qua vì rất đơn giản “có thực mới vực được đạo”! Nhiều hình ảnh độc đáo ở những khung cảnh khác nhau quanh lớp học, sinh viên phùm phoàm tay cầm tay viết, vừa ăn vừa điểm danh. Vì theo họ “ăn như thế nó mới ngon ” - H (ĐHKHXH&NV) nói. Lí lẽ bao biện mà sinh viên đưa ra thì nhiều vô kể: nào là đói, nào là không có thời gian ăn ở nhà, ăn trên lớp có bạn có bè vui hơn... Và tất cả đều ăn tập trung trên lớp như một địa điểm gặp gỡ tất yếu của họ.

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra

Với nhiều thầy giáo thì việc ăn sáng trên lớp có thể chấp nhận được nhưng phải không làm ảnh hưởng đến người khác… Sự dễ tính ấy khiến sinh viên tuỳ tiện đến mức bày la liệt mọi thứ trên mặt bàn và thế là phối kết hợp giữa ăn và học một cách hiệu quả nhất.

Nhưng đối với những thầy cô có tính kỉ luật cao thì việc ăn sáng của sinh viên bị ngừng trệ ngay. Nó được liệt kê vào loại “không thể chấp nhận được”. Khi tiếng gọi của dạ dày thúc dục thì bất chấp kỉ luật đó một số sinh viên vẫn lén lút ăn. “Đợi thầy cô quay đi, cắn một miếng sau đó dùng tay che miệng lại thầy cô biết đấy là đâu, ngỡ tưởng họ đang chăm chú nghe giảng” - Mai (ĐH Bách khoa) khắc họa. Hơn nữa cũng là vì “giảng đường đông như vậy thầy cô làm sao mà quan sát hết được” - Tú (CĐ Giao thông Vận tải) giải thích thêm. Tuy nhiên đã có nhiều trường hợp bị thầy cô phát hiện được và “xin mời” ra ngoài ăn xong mới được vào lớp.

Buổi học kết thúc chỉ còn lại những vật vô tri vô giác cùng với những túi rác, giấy báo, chai lọ vất dưới đất hay trong ngăn bàn và sự vội vã của chị lao công đang thu dọn những vết tích của sinh viên để lại cho kịp lớp học ca chiều.

 Phạm Thị Lý
K50 Khoa Báo chí, ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :