"Khách sạn" cho sinh viên
Trên đường Chùa Láng, nơi tập trung những trường đại học thuộc hàng “đỉnh”: Ngoại thương, Học viện quan hệ quốc tế... ngày càng xuất hiện nhiều xóm trọ giành cho sinh viên “quý tộc”. Những xóm trọ kiểu này thường phải có ngõ “ô tô có thể đỗ cửa”. Đất được xây nhà là đất thổ cư lâu năm, ngày xưa rộng mênh mông, các “chủ thừa kế” bây giờ chỉ việc bán đi đôi trăm mét là dư sức xây nên một khu nhà cao tầng hoành tráng. Thường là nhà được xây 5 - 6 tầng, mỗi tầng 4 - 5 phòng cho thuê. Các phòng ốc được bày trí tách biệt với nhau như trong một khách sạn, chỉ sử dụng một hành lang chung làm nơi “giao lưu”. Xe cộ được chủ nhà sắp xếp cho xuống tầng hầm và có người coi giữ 24/24. Điện nước ổn định, có Internet chất lượng cao, truyền hình Cáp đến tận nơi… Đó là những điểm khái quát nhất về “xóm trọ con nhà giàu”.
Đầu tháng 6, bước vào thời gian thi cử của hầu hết các trường đại học nhưng mỗi ngày, chị Huyền, một chủ nhà ở khu này vẫn phải từ chối hàng chục lời đề nghị thuê nhà của các cô cậu sinh viên, đơn giản bởi một lẽ: “nhà không còn phòng trống”. “Giá phòng ở đây không hề rẻ, tính cả điện nước, ngót nghét 2 triệu bạc, nhiều nhà khác, có phòng mình tiền nhà không đã 2 triệu rồi. Thế nhưng nhà tôi lúc nào cũng không còn phòng trống, chủ yếu là sinh viên thuê thôi, toàn con nhà có điều kiện nên hàng tháng chả bao giờ phải giục tiền nhà” - Chị Huyền cho biết. Nhà chị Huyền, phòng đông nhất có 3 người thuê cùng ở, có phòng chỉ có duy nhất một người ở và hàng tháng, tất nhiên, một người vẫn phải trả đủ 2 triệu - một cái giá mà nhiều người đi làm, hoặc các gia đình trẻ cũng chỉ có nước lắc đầu. Dù không còn nhà cho tôi thuê, nhưng biết tôi là đồng hương, chị Huyền vẫn vồn vã kể về các “thành viên” của ngôi nhà. Chị thao thao: “Trên phòng 203, có một em xinh lắm, chắc quê Quảng Ninh vì đi xe SH biển 14, sáng vừa chuyển đến, chiều đã có một ô tô to uỵch chở đồ đến: nào điều hòa, nào máy giặt, tủ lạnh... thôi thì đủ cả. Mà em ấy ở một mình, trong hợp đồng thuê nhà còn khai là sinh viên năm thứ nhất. Phòng khác, có một cậu đang học Ngoại thương, chắc con “cốp” ở địa phương, bố hàng tuần vẫn đánh xe ô tô lên thăm, tiền nhà đã đóng đủ hẳn một năm. Phòng 401..., phòng 501...”.
Tôi chào chị chủ nhà vui tính rồi “lạc” vào một khu nhà trọ khác. Khu nhà trọ này được chia thành các loại phòng khác nhau: phòng đồng hạng và phòng VIP. Ở phòng VIP, chủ nhà đã trang bị sẵn máy lạnh, Internet cũng về đến tận đầu giường, phía trước phòng còn có một ban công rộng... Nhìn tầng hầm để xe cũng có thể biết được “mức sống” của các sinh viên trong khu nhà trọ. Thôi thì đủ cả Wave, Dream... nhưng chủ yếu vẫn là xe tay ga, lác đác có vài “chú” SH, Dylan, LX. “Sinh viên ở đây đời sống cao, xài toàn laptop và di động đời mới, tiền nhà nặng như thế nhưng đối với họ chỉ là chuyện “muỗi” bởi gia đình có điều kiện mà. Tôi khuyên chú, tìm một nơi rẻ hơn mà ở.” Anh bảo vệ, có lẽ nhìn thấy con Wave Tàu của tôi nên buột miệng khuyên thế chăng?
Sinh viên giàu... có vượt được... khó?
Cậu bạn tôi nhà rất khá nên “may mắn” có một chỗ ở trong khu nhà trọ như thế. Nó kể rằng, ở những khu này đứa nào “cực quyết tâm” mới có thể học thành tài. Còn không thì chơi là chủ yếu. “Con nhà giàu ở với nhau mà mày, đua đòi lắm, ví dụ nhá, thấy thằng bên cạnh có cái điện thoại ngon, chả lẽ lại thua nó. Mà này, nhiều chuyện hay lắm. Ngay bên cạnh phòng tao, có em ở một mình, chịu tiền nhà cao hóa ra chỉ để “du hí” với bạn trai cho nó dễ. Thằng bạn trai nó người Hà Nội nhưng hay trốn nhà đến đây ngủ qua đêm. Gần một tuần nay, tao thề với mày, em ấy đố có lên lớp, ở nhà tránh nắng, vừa có điều hòa vừa có người yêu ôm ấp”.
Hết hào hứng, cậu bạn tôi chuyển sang ấm ức: “Mấy thằng tầng trên, có dàn karaoke, đêm nào cũng “họp”, hát loạn hết cả lên, tao báo chủ nhà “nó” bảo mặc kệ việc ai người ấy làm, miễn là tiền nhà nộp đủ. Hôm rồi, có chú ở tầng 4, bố mới lên lôi về quê vì bị đuổi học đến 2 tháng nay mà vẫn giấu. Nó “thả” lô và đánh bóng, nợ đến vài trăm triệu rồi, học thì bị nợ nhiều trình quá không đủ điều kiện theo học tiếp nữa.”. “Tao sắp ra ngoài rồi, nhà mới mua một căn ở Mỹ Đình, kể xa đây cũng tiếc vì có hơi ồn nhưng vui. Buổi tối vừa đốt thuốc ngoài hành lang, vừa ngắm các em tiểu thư qua lại kể cũng vui mày ạ” - cậu bạn tôi tiếc rẻ.
Chào cậu bạn, tôi dắt con Wave Tàu của mình ra khỏi cái thế giới không dành cho nó. Chợt nhớ, có ai đã nói rằng: Sinh viên nghèo vượt khó là thường, giờ sinh viên giàu vượt khó mới là hàng quý, hàng hiếm...
|