Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Một phương pháp giảng dạy ở lớp học mà trình độ học sinh đầu vào không đồng đều
Phải mất một thời gian khá dài dạy môn Tin học tại Khối 10 chuyên Hóa và chuyên Sinh của Hệ THPT Chuyên - Trường ĐHKHTN (ĐHQGHN), tôi mới tìm ra cho mình phương pháp này. Và nay, xin chia sẻ cùng các bạn đồng nghiệp.

Tôi được giao dạy môn Tin học ở bốn lớp khối 10 chuyên Hóa và chuyên Sinh của Hệ THPT Chuyên, Trường ĐHKHTN. Các lớp này là các lớp chuyên có tiếng là ngoan, và ở Thủ đô hẳn hoi. Thế nhưng không phải mục tiêu trang bị kiến thức Tin học rất hấp dẫn này cho các em hoc sinh ấy đã thanh công mỹ mãn. Lý do là ở chỗ: Trong mỗi lớp, số học sinh thành phố chiếm quá nửa, trong đó, nhiều em tỏ ra có chút hiểu biết về Tin học rất chủ quan, tưởng mình cái gì cũng biết, vì gia đình có máy tính mua cho các em đó “nghịch”. Gần nửa lớp thì học sinh đến từ các tỉnh khác, có em đến từ “vùng sâu, vùng xa” chưa hề đụng chạm tới bàn phím bao giờ. Chính vì vậy mà nếu giáo viên giảng vấn đề gì thì số học sinh “giỏi” lại coi thường, cho các vấn đề thầy cô dạy là quá đơn giản với chúng. Khi tôi cố giảng giải chi tiết cho các em chưa biết được tường tận, thì các em “giỏi” lại mất trật tự hoặc làm việc riêng. Đó cũng là chuyện thường gặp, cũng như tôi thấy trong một số hội nghị của người lớn, báo cáo viên thao thao bất tuyệt trên bục, bên dưới nhiều cán bộ vẫn còn nói chuyện riêng ào ào, báo cáo viên lại không “dám” yêu cầu mọi người trật tự như ở lớp học. Trái lại, nếu giảng “cao siêu”, trừu tượng một chút để chiều lòng các em “giỏi” thì các em từ “vùng sâu, vùng xa” lại không thể hiểu được chu đáo. Hơn nữa, thời lượng lại có hạn (1tiết/tuần), máy móc thực hành thì không có, phải học chay, nên rất ư là vất vả. Đấy là chưa nói tới giờ kiểm tra, kẻ biết ít hỏi người biết nhiều, không thể nào nhắc nhở, gò vào quy lát hết được.

Một học kỳ trôi qua, tôi đã cải tiến phương pháp giảng dạy của mình cho phù hợp với đối tượng này: Mỗi lần lên lớp, tôi chuẩn bị bài giảng không phải theo kiểu lý thuyết chung chung, tuần tự, mà dưới dạng các câu hỏi. Học sinh trả lời các câu hỏi, và cuối cùng chốt lại từng vấn đề, để tóm tắt bài giảng. Nhóm học sinh “giỏi” sẽ là lực lượng trả lời các câu hỏi. Người đi trước rước người đi sau. Các em “giỏi” sẽ là những người tiên phong, xung phong trả lời các câu hỏi đặt ra, và trả lời đúng thì được thưởng điểm cao. Em nào giơ tay đầu tiên, nhanh nhất thì tôi gọi trả lời. Nếu trả lời đúng tôi cho điểm 10 hoặc 9 tùy độ khó của câu hỏi và chất lượng câu trả lời. Nếu trả lời sai, thì tôi phân tích cái sai và lại hỏi tiếp xem ai trả lời được. Không phải câu hỏi nào các em “giỏi” có cũng có thể giải đáp được nên các em đó cũng phải tự cảm thấy rằng mình tuy biết nhiều đấy nhưng vẫn chưa thấm vào đâu, chưa ăn thua gì, còn phải học nữa, học mãi, học sâu hơn.

Ví dụ: Với câu hỏi: Làm thế nào để copy tên của một thư mục hay tệp để dán vào văn bản. Hầu như không ai trả lời được. Hay hỏi: Làm thế nào đổi đuôi được một tệp, chẳng hạn Gmail không chịu chuyển tệp có đuôi là .exe qua thư điện tử, vậy phải đổi đuôi .exe thành .dat chẳng hạn, rồi khi có được tệp đó, người nhận phải đổi lại thành .exe mới dùng bình thường được. Cũng có nhiều em trả lời lung tung, không chính xác.

Nếu không có ai trả lời được, thì tôi sẽ giảng giải, học sinh sẽ ghi chép. Trái lại nếu có em nào trả lời [gần] đúng, thì tôi tóm tắt ý tưởng đó một cách chuẩn mực để học sinh ghi chép. Các em “giỏi” không bắt buộc ghi chép điều mà chúng đã biết! Các em chưa biết dĩ nhiên là phải ghi chép và học cẩn thận hơn! Tại sao vậy? Vì vào tuần sau, trước khi giảng bài mới, tôi bỏ ra một thời lượng nhất định để hỏi lại các vấn đề đã học của các tuần trước. Hỏi bài cũ thì không lấy tinh thần xung phong nữa! Tôi cứ nhằm vào những em nào hay mất trật tự, chủ quan, tư thế không ngay ngắn hay làm việc riêng,… để chỉ định. Nếu trả lời đúng thì đó là nghĩa vụ của “anh ta” phải thuộc bài. Trái lại, thì tôi đánh giá mức độ yếu kém và cho điểm kém, ví dụ không thuộc bài thì tôi cho điểm 2. Các điểm thu được này sẽ là điểm hệ số 1, cùng với điểm kiểm tra hệ số 1 chung cả lớp nữa để tạo ra điểm hệ số 1 của học kỳ. Trong quá trình giảng bài mới, em nào ngho nghoe mất trật tự hay làm việc riêng cũng sẽ là đối tượng để hỏi lại một vấn đề của các bài cũ đã học từ mấy tuần trước liên quan đến bài đang giảng.

Nhờ việc cải tiến này, mà không em nào giám lơ là trong việc học bài cũ, lớp trật tự hơn nhiều, những em “giỏi” có điều kiện phát huy điều biết “hơn người” để bày tỏ ra và được điểm tốt. Kiến thức cứ từ từ chuyển từ các em “giỏi” sang các em chưa biết nhiều. Giáo viên lúc này như người trọng tài, đánh giá đúng sai, cho điểm và tóm tắt vấn đề mới cần giảng. Không khí lớp sôi nổi hẳn lên. Sôi nổi ở đây không phải là mất trật tự, mà là sự hào hứng, thi đua, giống như những người chơi trong các cuộc chơi trên ti vi, ở đó giáo viên là người dẫn chương trình vậy và là trọng tài của cuộc chơi.

Còn về kiểm tra, do lớp chật, học sinh đông và các em thường có thoi quen không tự giác, nên tôi không ra đề thi tự luận như xưa nữa mà ra theo lối trắc nghiệm. Không em nào có đề giống em nào, và nếu có câu nào trùng thì đáp án cũng đã bị trộn đi, không thể chép của nhau được. Nhờ vậy, mà tôi có thể đánh giá học lực của các em một cách thực chất, khách quan. Trước đây, khi làm bài kiểm tra tự luận, cả lớp một hoặc hai loại đề, và do không quản lý hết, ngăn chặn hết, các em có thể copy của nhau, bảng điểm không phản ánh thực lực của mỗi em…

Vài điều kinh nghiệm bộc bạch trao đổi cùng các bạn đồng nghiệp. Có vấn đề gì sơ xuất mong được góp ý theo địa chỉ lightsmok@yahoo.com

 Theo KhoiA0.com - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :