2h30 ngày 15/7, xe chúng tôi gầm gừ vượt qua con dốc cao mà nghểnh cổ lên nhìn mới thấy đỉnh. Chúng tôi hò reo phấn khích khi tài xế tăng ga vọt qua. Xe dừng tại xã Pitong của huyện Mường La, đ/c bí thư xã đoàn Hua Trai Lò Xuân Bảng ra hiệu: “Các đồng chí ạ, hiện nay do mấy hôm trời mưa to, đường sá đi lại bị sạt lở, xe không thể tiến sâu thêm được nữa. Chỉ còn cách đi bộ thôi!”. Cả đoàn nghe đều há hốc mồm ngạc nhiên nhưng ai nấy đều đã sẵn sàng. Anh phó bí thư đoàn trường vỗ vai tôi: “Anh tin tưởng giao đội cho em đó. Cố gắng lên!” Câu nói đó của anh theo tôi suốt 20 ngày tình nguyện. Cũng từ lúc đó trách nhiệm đè nặng lên vai tôi mà tôi biết rằng nếu không cố gắng khó có thể hoàn thành được công việc lớn đến thế. Khi được hỏi quãng đường dài bao nhiêu “đường chim đi bộ”, người đi đường bảo chúng tôi: 20 cây số thôi mà! Cả đoàn đều kêu lên: dài vậy! Và tôi tình cờ đọc được dòng tin nhắn vội qua di động: “mẹ ạ, con chuẩn bị đi bộ 20 cây số đây. Trời đất, con đã đi bộ nhiều như thế này bao giờ đâu? Nhưng cả đoàn đã đi rồi, con đi đây mẹ ạ, kẻo bị bỏ lại phía sau mất”… Toàn bộ đồ đạc hoạt động, chúng tôi đành gửi lại xã Pitong, chỉ đem theo đồ đạc cá nhân thôi cũng đã đủ mệt lắm rồi. Hành trình về với đồng bào xã Hua Trai gian nan từ ban đầu như thế đó.
21h, tôi đón người cuối cùng của đoàn đặt chân đến UBND xã, một cuộc hành trình “để đời” với nhiều thành viên trong đoàn, trông ai cũng bơ phờ mệt mỏi. Có lẽ những ai dù có quen với việc đi bộ cũng cảm thấy không dễ thở chút nào. Còn đối với nhiều tiểu thư thành phố, đây lại là một lần nhơ. 21h 15 phút, tôi đang loay hoay tìm chỗ nào đó để các thành viên trong đoàn có thể tắm rửa thì một bác phụ nữ bảo tôi: “Các cháu ra suối thôi”! Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, chị em kéo nhau ra suối tắm mà ai nấy đều hãi hùng. Tối, lạnh và sợ hãi. 7 tên con trai còn lại trong đoàn đứng ngồi đều không yên chút nào.
Rồi những ngày đầu khó khăn cũng qua đi, chúng tôi bắt tay ngay vào công việc và làm quen với bà con. Công việc không thể làm theo kế hoạch ban đầu đã đặt ra do không có đồ đạc và hoàn cảnh địa phương không đáp ứng được như những gì chúng tôi dự định. Chúng tôi lại xây dựng kế hoạch từ đầu và các thành viên cũng động viên nhau cố gắng.
Suốt ngày, chúng tôi chỉ ăn cơm nếp. Cái cảm giác thèm cơm tẻ thật ghê gớm. Cơm nếp khó tiêu và đầy bụng, ai ăn không quen chắc chỉ được hai ba bữa là kêu chán. Cô bé K51 cầm nắm cơm nếp mếu máo nhớ nhà khiến tôi không thể không kìm lòng mình. Nét mặt ấy vừa hồn nhiên, song cũng thật trẻ con, thật tiểu thư. Một địa bàn tình nguyện chứa đựng nhiều thử thách với đoàn – kể cả chuyện ăn uống, vậy mà đi làm về đói quá, chúng tôi vẫn cứ ăn ngon lành.
Khi đồ đạc chung của toàn đội cũng vượt qua lộ trình 20 cây số để về với chủ nhân của chúng thì chúng tôi cũng đã có 5 ngày tình nguyện. Kiểm tra lại, chúng tôi thấy thất thoát một ít đồ, chủ yếu là mì tôm, bánh kẹo và vài thứ lặt vặt khác. Chả ai rõ nguyên do nhưng khi thấy đồ đạc có để phục vụ cho các hoạt động, vậy là may rồi. Sau này, khi chúng tôi gần kết thúc đợt tình nguyện, tình cờ qua câu chuyện với thanh niên bản, chúng tôi mới biết được rằng: Khi đi ngang qua trạm thu phí ở đầu cầu, do không có tiền phí, thanh niên bản vận chuyển đồ đã “mượn” tạm của chúng tôi một ít đồ đạc, gọi là lộ phí đi đường?!
21h từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, các bản làng vắng tanh không còn một bóng người. Lúc đó chỉ còn thanh niên tình nguyện ngồi với nhau hát hò hoặc có ở nhà cũng phải be bé tiếng. Mọi người từ già đến trẻ ở đây đều ham thích bộ phim truyền hình Hàn Quốc: truyền thuyết Ju mông. Dân bản tại địa bàn hoạt động tình nguyện ham phim đó đến kì lạ, đến dỗ trẻ con thôi khóc người ta cũng dỗ bằng Ju mông: “nín đi, sắp đến Ju mông rồi kia kìa!”? Văn nghệ của sinh viên có hôm giải lao đến gần một tiếng, chờ bà con xem xong phim rồi lại tiếp tục phục vụ. Nhiều hôm hoạt động phải thật khẩn trương, không kịp ăn cơm tối, vừa triển khai vừa chạy với Ju mông. Chỉ sợ đến 9h tối là chương trình sẽ chẳng còn ai ở lại với chúng tôi nữa. Chính vì thế, nhiều hoạt động của chúng tôi muốn thu hút đông đảo bà con đến tham gia phải bắt buộc tổ chức vào cuối tuần, khi không có… Ju mông.
Chúng tôi đi làm được nhiều việc cho bà con, được bà con quý thì mới có rau xanh mà ăn. Chúng tôi thèm cơm tẻ đã đành, rau xanh cũng phải lo cho từng ngày nữa. Bà con đi làm trên nương xa, chả biết có thể xin ai được, hôm nào mà đi làm được đồng bào cho rau là mừng lắm. Có khi chỉ là vài trái đu đủ thôi cũng chia nhau. Trong khó khăn, tôi thấy nhiều cô cậu ra dáng thật, cái dáng vẻ tiểu thư đã để ở chốn đô thành rồi còn đâu?
Rượu ở đây chúng tôi uống mãi mà chả cạn đi chút nào. Nhà nào cũng vài chục lít trong nhà! Cứ có khách là vác rượu ra mời. Các cô ban đầu còn ít uống: “cháu van bác, cháu không uống được đâu. Bác tha cho cháu!” Vậy mà, khi các cô ngẫu hứng lên, đòi uống thêm mà uống nhiệt tình là khác. Hôm sau, bác chủ nhà xách can rượu ra mời mà giật mình vì cả can chả còn một giọt nào cả: “ô, sinh viên tình nguyện uống rượu khoẻ thế!?” Thật là ngượng quá, giá lúc đó có kẽ đất nào nứt thì khối cô trong đoàn đã nhảy theo rồi. Cả nhà cười ầm lên và sinh viên nhà ta bấm bụng nhau cười tủm tỉm.
Khi chúng tôi đi thu hoạch nhãn cho bà con, do đường sá đi lại khó khăn nên người dân tiêu thụ được không nhiều. Chính sinh viên tình nguyện là người “tìm được hướng ra cho cây nhãn” ở đây. Ngày nào chúng tôi cũng ăn nhãn, không xin thì mua ăn, mà ăn suốt ngày được. Một chú có hẳn một đồi nhãn biếu 50 cân nhãn quả to mà mọng nước cho cả đoàn với mong muốn thật giản dị và nghẹn ngào: “Các cháu dạy cho thằng cu nhà chú biết viết tên nó với nhé. Lớp 6 rồi mà có biết chữ đâu?” Cả đội dạy học đều chảy nước mắt vì cảm động. Có hôm, lớp xoá mù chữ có những cụ già đã cao tuổi vẫn đến học. Dưới ngọn nến bé xinh, chúng tôi thấy mình đang sống lại những lớp bình dân học vụ ngày xưa khi Bác Hồ diệt giặc dốt năm 1946.
10h sáng ngày mùng 4 tháng 8, đồng bào tặng cho chúng tôi mỗi người một chiếc khăn Piêu và một cây phong lan rừng. Món quà đó thật ý nghĩa và thấm đượm tình thương yêu. Đây là điều duy nhất mà chỉ có đoàn SVTN Trường ĐHKHXH&NV mới có được thì phải?. Cũng trong buổi sáng hôm đó, chúng tôi 47 SVTN đã di chuyển trên hai chiếc xe tải quãng đường mà chúng tôi đã đi bộ hôm vào. Vừa đi đường, chúng tôi vừa hát to, nhìn dòng suối gắn bó trong 20 ngày, nhìn thung lũng xã Hua Trai và bao ngọn núi vây quanh đã để lại cho chúng tôi bao điều để nhớ. Cả đoàn không ai bảo ai đều ngậm ngùi không nói một lúc lâu trước khi bước lên xe để chuẩn bị về Hà Nội.
Những ngày gian khổ, khó khăn cùng đồng bào đã qua, những cơn mê có tiếng “mẹ”chập chờn ùa về cùng giấc ngủ của cô bé mới đi xa lần đầu cũng đi qua. Có tiếng nấc đâu đây vừa khẽ rung lên khi đến giờ chia tay. Giọt nước mắt nóng hổi lăn nhẹ trên gò má của một cô SV nhạy cảm. 20 ngày cũng là từng ấy thời gian mà các thành viên trong mỗi nhà coi nhau như một gia đình thân thiết. Nơi thời gian đi qua để lại bao kỉ niệm với tất cả thành viên trong đoàn SVTN: họ nhớ về nhau, dành cho nhau những tình cảm thật thân thương, trìu mến tại một vùng quê vẫn còn bao nhiêu điều trăn trở. Cuộc sống nơi đây còn nghèo khó nhưng con người thật giản dị và tốt bụng. Trẻ em nơi đây ít đến trường nhưng ánh điện quốc gia đang về tới sẽ thắp sáng những ước mơ và những niềm vui bất tận, một tương lai đang chờ đón bà con xã Hua Trai.
Chúng tôi đã có một chuyến đi đáng nhớ. Một chuyến đi mà đối với mỗi thành viên trong đoàn SVTN Trường ĐHKHXH&NV, trong đại gia đình SVTN của Đoàn ĐHQG Hà Nội. Đó thực sự là một chuyến đi để lớn lên, để trưởng thành hơn nữa cho cuộc sống ngày mai. Chính những chuyến đi về với đồng bào vùng sâu, vùng xa như thế này mới thấy hết được hết ý nghĩa của hai chữ “ Tình Nguyện”, thấy được tinh thần và sức trẻ của Thanh niên Việt Nam - dù ở bất kì nơi đâu đều phấn đấu trở thành những người có ích, phấn đấu xây dựng đất nước giàu đẹp cho mai sau.
|