Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Phải không ngừng cố gắng để sống tốt hơn
Đấy là lời tâm sự của tân cử nhân Ngô Thuỳ Dung Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tại lễ trao bằng tốt nghiệp năm 2007. Cô cũng chính là 1 trong 12 sinh viên xuất sắc của ĐHQGHN đã vinh dự được Thành phố Hà Nội tuyên dương và được ghi danh vào Sổ vàng tại Văn Miếu - Quốc tử giám ngày 28/8 vừa qua.

Ngày lễ trao bằng tốt nghiệp của sinh viên Trường ĐHKT - ĐHQGHN, xúng xính trong bộ áo của tân cử nhân, Ngô Thùy Dung luôn tươi cười bên bạn bè, bà và mẹ. Trong không khí tưng bừng, náo nhiệt của buổi lễ, Dung và các bạn mang đầy tâm trạng: lo có, vui nhiều và buồn cũng có. Đến bên Dung, tôi chúc mừng em và hỏi: “Trong ngày vui hôm nay, em là đại diện duy nhất của Trường Đại học Kinh tế được nhận bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN, chị còn thấy em có cả gia đình cổ vũ nữa. Em có cảm giác và suy nghĩ gì?”. Dung mỉm cười, bẽn lẽn: “Ngày hôm nay là một ngày đặc biệt đối với sinh viên chúng em. Từ bé đến giờ, em vẫn sống trong vòng tay bố mẹ ông bà, từ việc ăn, mặc đến chuyện học hành, hoạt động đoàn thể, em đều được bố mẹ, ông bà và thầy cô quan tâm, chỉ bảo. Khi được nhận bằng tốt nghiệp, nhất là lại được vinh dự nhận bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN, em rất muốn chia sẻ niềm vinh dự này với những người đã giúp đỡ, chỉ bảo cho em trong suốt chặng đường đã qua. Đó là ông bà, bố mẹ, các thầy giáo, cô giáo và bạn bè của em”.

Phó giám đốc ĐHQGHN Phạm Trọng Quát trao bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN cho tân cử nhân Ngô Thuỳ Dung.

Dung được 3 lần gọi lên sân khấu để nhận bằng khen, giấy khen và bằng tốt nghiệp. Câu chuyện của chúng tôi luôn bị ngắt quãng bởi những tiếng hỏi, tiếng gọi của bạn bè Dung. Sự bận rộn của em trong lễ trao bằng và thời gian của buổi lễ cũng có hạn, song những lần tiếp xúc sau với Dung đã cho tôi một ấn tượng đẹp về một cô gái chăm chỉ, đầy bản lĩnh và nghị lực.

Bố mẹ đều là công chức nhà nước. Ngày Dung còn bé, Dung rất thích được nghe bố giảng bài. Dung còn nhớ, mỗi lần hỏi bài bố, bố đều hỏi: “Con đã đọc kỹ đề chưa?”, rồi bắt em nói lại tóm tắt đề bài, tiếp theo bố kiểm tra lại những bài vừa học, nếu không tóm tắt lại được đề bài hoặc có phần lý thuyết hỏi không trả lời được thì bố không giảng bài cho, mà bắt phải tự đi học lại. Chính nhờ vậy, lên cấp II, Dung đã có thể tự học, tự mua sách mà tìm hiểu tra cứu. Lâu dần cách học này đã trở thành thói quen, và thế là kết quả học tập của Dung cứ khá dần lên.

Dung bộc bạch: “Trước khi bước chân vào cổng trường đại học, em đã có nhiều ước mơ về nghề nghiệp tương lai của mình (luật sư, kỹ sư cơ khí), nhưng đến khi học cấp III, một câu hỏi đặt ra trong em: Sao cuộc đời lại bất công có người giàu, có kẻ nghèo; và làm thế nào mà mọi người đều có thể có được điều bình dị nhất: là được ăn no, mặc ấm và có chỗ trú thân. Mọi người bảo muốn hiểu được điều đó thì phải học làm giàu và vào trường Kinh tế. Bởi hồi đó, em chỉ hình dung mình phải làm thế nào để có nhiều tiền để có thể giúp đỡ mọi người xung quanh và ước mơ một ngày nào đó được đi khắp miền đất nước, có lẽ vì vậy em thích tham gia các hoạt động tình nguyện”.

Ngô Thuỳ Dung tặng hoa thầy hiệu trưởng Trường ĐHKT bày tỏ tấm lòng tri ân.

Nộp hồ sơ thi đại học, Dung đã chọn Khoa Kinh tế - ĐHQGHN bởi luôn được nghe các thầy cô giáo của em ca ngợi môi trường học tập ở ĐHQGHN hiếm thấy có tiêu cực. Dung cũng đã tìm hiểu về Khoa Kinh tế qua những anh chị đi trước và nhiều nguồn khác để xác minh điều này. Dung bảo: “Bố mẹ em không thích em học Kinh tế, mà muốn em trở thành giáo viên. Nhà em nhiều người theo nghề giáo lắm, nhưng vì em thích nên bố mẹ ủng hộ... Em nghĩ mình đã lựa chọn đúng”.

Khi biết đến hệ đào tạo chất lượng cao của Khoa Kinh tế (nay là Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN), Dung đã rất thích và đã thi vào lớp chất lượng cao chuyên ngành Kinh tế chính trị. Bước sang năm thứ ba, Dung học thêm chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, và em đã đạt thành tích cao trong cả hai chuyên ngành mình theo học: 8,80 - ngành Kinh tế Chính trị, 8,55 - ngành Tài chính Ngân hàng.

Với Dung cũng như nhiều sinh viên đã và đang học tập ở những lớp chất lượng cao khác, đây là một môi trường học tập và rèn luyện tốt song so với học ở các lớp thuộc hệ đào tạo đại trà thì áp lực cũng tăng lên rất nhiều. Lớp của Dung ban đầu có 19 thành viên nhưng đến năm cuối chỉ còn 9 bạn. “Em thích nhiều môn lắm. Cứ thầy giảng hay là em thích học... Mỗi người đều có phương pháp học tập riêng phù hợp với mình, không ai giống ai. Phương châm học của em là: Đói thì ăn, mệt thì ngủ, thích thì học. Nhưng bí quyết để có thể thích học là thực hiện 3 điều: 1 - Luôn kiểm tra, kiểm nghiệm lại những kiến thức đã được học trên lớp qua thực tế nếu có dịp; 2 - Luôn có kế hoạch học bài cũng như làm việc khoa học; 3 - Chỉ học lúc nào thoải mái, để đạt hiệu quả cao nhất... Phải chứng tỏ rằng mình xứng đáng là một sinh viên lớp chất lượng cao cũng là một trong những động lực thúc đẩy chúng em học tập. Bao giờ trong lớp học, bọn em cũng là những sinh viên nhiệt tình tham gia xây dựng bài và phát biểu ý kiến.”, Dung tâm sự. Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, được học tập và rèn luyện trong môi trường tốt: thầy cô nhiệt tình, có chuyên môn, bạn bè ham học và cầu tiến chính là nguồn cổ vũ, động lực cho Dung phấn đấu và đạt được những thành tích đáng khích lệ trong học tập. Ngoài các học bổng hàng kỳ, Dung còn được nhận học bổng GS.TS. Trần Văn Thọ và Quỹ tài chính thống nhất Nhật Bản UFJ.

Dung và các bạn tại lễ trao bằng.

Vì theo cả hai ngành học bậc đại học nên thời khoá biểu của Dung lúc nào cũng kín đặc. Sáng dậy lúc 5h30 hoặc 6h. Hôm nào dậy sớm thì làm cơm hộp mang đi. Ra xe bus lúc 6h15 vừa kịp vào học lúc 7h. Hôm nào phải học đủ 6 tiết và phải chuyển lớp học thì khỏi ăn trưa luôn. Nhiều khi đang ăn dở cơm thì thầy vào lớp. Chiều về, nhiều hôm ăn xong, mệt quá Dung ngủ thiếp đi. Tối dậy học tiếp. Hễ có thời gian rảnh rỗi, Dung lại lấy sách, truyện ra đọc. Nhìn cô con gái yêu của mình lúc nào cũng bận rộn, mẹ Dung thường trách yêu: “Chẳng biết con mang mệnh gì mà chẳng lúc nào ngồi yên cả”.

Nói chuyện với Dung, tôi bỗng dưng nhớ đến câu nói của một sinh viên nào đó: “Hãy cố gắng học tập - đấy là nhiệm vụ chính của sinh viên, song nếu được tham gia các hoạt động của đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội sinh thì hãy tham gia hết mình bởi đó chính là môi trường để mình trau dồi, học tập và rèn luyện”. Điều đó với Dung quả là đúng. Dung đã đảm nhận khá nhiều vị trí công tác ở Khoa Kinh tế - ĐHQGHN: Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Khoa Kinh tế, lớp trưởng lớp QH-2003-E - CLC, Uỷ viên BCH Hội sinh viên Khoa Kinh tế. Dung đã tham gia hoạt động sinh viên tình nguyện hè, tổ chức và tham gia tổ chức nhiều chương trình văn nghệ cũng như học tập ở Khoa Kinh tế. Mỗi lần đi làm công tác tình nguyện, Dung đều cố tìm chụp vài tấm ảnh phong cảnh làm kỷ niệm, lúc rảnh rỗi lại lôi ra ngắm ngắm nghía nghía để tận hưởng cái “cảm giác thật thoải mái vì được ngắm nhìn màu xanh của cây cối. Tuyệt nhất là cảnh vật trong lành buổi sáng và yên tĩnh của buổi đêm. Vì vậy Dung cũng thích dậy sớm khi mọi người chưa dậy hoặc thức khuya hơn khi tất cả đều đã đi ngủ”.

Em tâm sự: “Ngoài việc thiếu thời gian ra, thì em không gặp khó khăn gì hết. Chủ yếu là không có đủ thời gian nghỉ ngơi và ôn bài. Nhưng em thích sức ép đó, nó khiến em có động lực để học tập hơn. Học mệt thì làm việc, học chán môn này thì chuyển sang môn khác, không nhất thiết nghỉ ngơi là nghỉ hoàn toàn không làm gì mà có thể là thay đổi công việc đang làm sang việc khác. Em còn tham gia hoạt động Đoàn - Hội nữa. Nhưng em thấy càng hoạt động đoàn thể, và thời gian càng thiếu thì em làm việc càng hiệu quả. Hơn nữa sức ép về thời gian giúp em có thể sắp xếp công việc khoa học hơn. Tham gia hoạt động Đoàn giúp em trưởng thành lên rất nhiều. Và không hiểu sao, tham gia càng nhiều hoạt động đoàn thể thì em lại càng hăng say học tập hơn. Đối với em, về mặt thời gian thì hơi khó khăn. Có vài bận, em đã ngủ gật trên xe bus, khi tỉnh dậy suýt bị bỏ qua bến xuống. Gia đình, bạn bè đã giúp em rất nhiều. Không có mọi người thì em chẳng làm được gì nên hồn cả... Em biết mình còn nhiều thiếu sót, nhưng em tâm niệm một điều là mình phải không ngừng cố gắng để sống tốt hơn, để không phải hối hận về những gì mình đã làm”.

Xa giảng đường, xa thầy cô, bạn bè, Dung bâng khuâng: “4 năm học, chúng em đã có với nhau rất nhiều kỷ niệm. Em muốn rằng sau này dù đi đâu, làm việc gì, chúng em vẫn mãi gắn bó với nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như trong công việc. Đặc biệt sẽ luôn nhớ đến mái trường và các thầy cô, những người đã trang bị cho chúng em vốn kiến thức cơ bản ban đầu để chúng em vững tin bước vào đời với biết bao thách thức phải đối mặt... Qua trải nghiệm của bản thân, em thấy ngành Kinh tế chính trị thật hay, vậy mà mình không lựa chọn từ đầu. Sắp tới em sẽ tiếp tục học cao học và chuyên ngành em theo học sẽ là Kinh tế chính trị và muốn có cơ hội được đi ra nước ngoài để tiếp xúc với những điều mới mẻ hơn... Nhưng trong tương lai em muốn được công tác trong ngành giáo dục. Em nhận thấy giáo dục - đào tạo là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển trong giai đoạn hiện nay”.

Những câu chuyện chưa kể hết, những kỷ niệm của một thời sinh viên cứ ùa về trong Dung, qua những câu chuyện Dung kể. Tôi hiểu, cô tân cử nhân này đang ấp ủ rất nhiều dự định cho tương lai và tôi thầm ước mong cho dự định của em sớm trở thành hiện thực./.

Ngô Thuỳ Dung (thứ tư từ phải sang) cùng các thầy cô và các bạn tại lễ trao bằng tốt nghiệp.

 Bài & ảnh: Mai Hương Anh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :