Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
TS.NGƯT Nguyễn Vũ Lương - Chủ nhiệm khối chuyên Toán Tin Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN:
"Tôi có hạnh phúc của người nông dân ngày gặt hái"
Ngay sau buổi lễ trao giải kỳ thi Olympic Toán quốc tế được tổ chức trang trọng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, 6 thí sinh VN với 3 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc cùng những bó hoa tươi sắc chạy ùa về phía cánh gà ôm chầm lấy một người đàn ông tầm thước, có khuôn mặt trẻ trung nhưng tóc đã điểm bạc, nụ cười rạng rỡ và có cả những giọt nước mắt chứa chan hạnh phúc...

Đó chính là người thầy đã dìu dắt các em đến với niềm vinh quang này, thầy Nguyễn Vũ Lương - chủ nhiệm khối chuyên toán, tin Trường ĐHKHTN thuộc ĐHQG Hà Nội.

Ông hẹn tôi cuối giờ chiều ở một quán nước nhỏ, bởi trong trường, ông không có phòng riêng, đến chiếc bàn làm việc cũng không... Ông cười, bảo: "Nhưng tôi có rất nhiều học trò". Hình như học trò đối với ông là cả cuộc đời, điều đó hiện rõ trên khuôn mặt ông khi nói về những người học trò của mình với một niềm kiêu hãnh kín đáo mà trong đó ẩn chứa niềm vui, nỗi nhọc nhằn của một người đã lao động hết mình.

Câu chuyện của ông giản dị nhưng thật hấp dẫn, ông thích nói về các bạn đồng nghiệp trong khoa ông chứ không thích nói về mình; ông say sưa nói về vẻ đẹp của toán học, vẻ đẹp của tâm hồn học sinh như một nghệ sĩ nói về tác phẩm. Lựa mãi, tôi mới hỏi được một câu về khối lớp chuyên toán mà ông phụ trách từ 1996, ông kể:

- Năm ngoái, khi sang Thái Lan dạy học, tôi có nói về hệ thống trường chuyên của VN, họ rất thán phục, họ xin tôi tất cả những tư liệu về cơ cấu của lớp chuyên toán để áp dụng. Họ càng trân trọng hơn khi được biết quyết định thành lập trường chuyên là của Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 1974, khi đất nước ta đang gặp vô vàn khó khăn vì chiến tranh.

Thế mới biết tầm nhìn rộng lớn của một thủ tướng nhưng trước hết là một nhà văn hoá lớn của dân tộc. Từ đó đến nay riêng về các kỳ thi toán, trường chuyên của chúng tôi đã giành được 61 giải với 20 huy chương Vàng, lại có 4 học sinh giành Vàng hai kỳ thi liên tiếp. Con số đó là có nhiều ý nghĩa chứ!

Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta "nuôi gà nòi"?

- Làm sao có thể nói dễ dãi như vậy được, năng khiếu toán của các em phải được vun đắp ngay từ cấp I, cấp II, không có chuyện chỉ có 3 năm lớp chuyên mà thành công được.

Mỗi kỳ thi QT là thước đo đánh giá trình độ khoa học nước nhà, các em dự thi chính là những đại diện cho nền khoa học trẻ và một phần nào đó cho chất lượng giáo dục. Chúng ta có quyền tự hào khi trong kỳ thi vừa rồi đội ngũ chấm thi hầu hết là người VN đang ở trong nước cũng như từ nước ngoài về, họ hầu hết là học sinh chuyên toán của chúng tôi. Sức hấp dẫn của các lớp chuyên toán không hề là thành tích thi đấu như những con gà nòi, mà là sức hấp dẫn của trí tưởng tượng, của ước mơ, bởi vì tư duy toán học là tư duy trừu tượng. Phải tạo cho trẻ biết ước mơ, biết khám phá.

Đó mới là điều cốt lõi. Nước ta có một truyền thống rất hay trong việc vun đắp tài năng, một số nhà khoa học của chúng ta vốn chẳng ai chịu ai, họ có thể tranh cãi với nhau rất nhiều vấn đề, nhưng hễ động đến chuyện đào tạo nhân tài thì luôn được sự đồng tình tuyệt đối.

Vậy chuyện "chảy máu chất xám" lâu nay vẫn được báo chí nhắc đến liệu có cơ sở?

- Tôi chỉ sợ không có chất xám để mà chảy, làm khoa học không nhất thiết phải ở trong nước và chắc chắn nước ngoài có đủ điều kiện hơn chúng ta nhiều lần. Các nhà khoa học người mình có tên tuổi cũng như mới trưởng thành ở nước ngoài vẫn đại diện cho VN bằng nhiều cách họ giúp đỡ nền khoa học của chúng ta rất nhiều. Học trò của tôi đang nghiên cứu hoặc giảng dạy ở nước ngoài luôn gửi tài liệu KH mới cho tôi.

Tuy nhiên, trong việc này cũng phải xem xét lại một khía cạnh là những người điều hành liệu có thực sự quý trọng tài năng? Và họ đã đầu tư gì cho các trường chuyên? Hầu như là số 0! Trước kia học sinh được giải QG được vào thẳng ĐH, nay lại không. Tôi từng có những HS rất giỏi, tốt nghiệp xong bỏ toán, thi vào Quản trị kinh doanh, vào Kinh tế, chỉ vì họ nhìn thấy một tương lai gần hơn.

Còn cơ sở vật chất của chúng tôi thì thật thảm hại, phòng máy vi tính cũ kỹ chỉ còn vài chiếc tạm sử dụng được. Chúng tôi có làm một dự án rất khiêm tốn để cải thiện, đã được duyệt mà 2 năm nay chưa thấy triển khai, vẫn là con số 0.

Từ con số 0 đó mà có hàng chục tấm huy chương quốc tế, hẳn ông cũng đã phải trải qua rất nhiều thử thách, vậy điều gì đã giúp ông vượt qua được?

- Chúng tôi có một đội ngũ giáo viên rất gắn bó, rất hiểu và quý trọng nhau, chỉ có 14 người nhưng đều có chung một niềm đam mê công việc, hơn thế nữa, chúng tôi có 500 học sinh đang tin cậy ở mình, chỉ một sai sót nhỏ trong giảng dạy cũng như trong sinh hoạt là sẽ gặp phản ứng ngay.

Học sinh bây giờ thông minh lắm và cũng tinh tường lắm, may mắn cho chúng tôi là các em rất ngoan và kính trọng các thầy. Để được như vậy chúng tôi phải lao động cực nhọc theo đúng nghĩa đen của từ này mới truyền thụ được kiến thức cho các em, bởi bài giảng của lớp chuyên toán khác hẳn so với toán phổ thông, chúng tôi phải cập nhật những phương pháp tốt nhất thế giới theo chu trình: Phân tích - tập hợp - đánh giá - sáng tạo, dần hướng cho các em tư duy toán hiện đại...

Vượt qua những thử thách này không khó, bởi chúng tôi có niềm say mê sáng tạo thúc đẩy. Nhưng vượt qua sự thờ ơ của người đời mới khó khăn làm sao, hình như bây giờ người ta quên mất công lao của người thầy. Mới đây thôi, sau kỳ thi toán quốc tế, rất nhiều báo đài đến trường hỏi tôi như hỏi một Osin rằng cho gặp em A em B để phỏng vấn, ca ngợi... tôi cũng chỉ biết cười trừ. Sau mỗi kỳ thi thành công, chúng tôi lại ngồi với nhau, 14 người nhấm nháp niềm hạnh phúc và tự an ủi nhau bằng số tiền thưởng nhỏ mọn đủ một bữa liên hoan đạm bạc.

Gương mặt ông vẫn bình thản, ông chậm rãi kể cho tôi nghe rằng thời trai trẻ, mới hết năm thứ hai ĐH Tổng hợp, ông xung phong đi bộ đội vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Gian khổ, hiểm nguy ông đã trải qua, nên bây giờ không có điều gì làm ông nhụt chí. ông bảo người ta hay thích nói đến những khó khăn, ít ai biết quý những thuận lợi mình đang có, ông được may mắn học những người thầy uyên bác của trường ĐH Tổng hợp vốn là trường của ông hiện nay, tự đáy lòng ông hàm ơn những người đi trước, ông mới được như bây giờ.

Rồi bỗng ông nhăn nhó, dằn giọng nói rằng thật xấu hổ khi ông biết có những người thầy không tôn trọng nghề mình, không dạy dỗ học sinh cho đúng trách nhiệm, như thế là tội lỗi, là ăn cắp thời gian, ăn cắp tuổi thanh xuân của học trò..., tôi phải hướng câu chuyện sang tình cảm khác bằng câu hỏi những ngày đầu ông nhận lớp chuyên, ông lại hào hứng nói:

- Ngày xưa, khi mới thành lập, các giáo viên khoa Toán rất sợ về lớp chuyên, họ coi như đó là một hình thức kỷ luật. Khi nhận quyết định tôi cũng rất chán nản, lại có phần chủ quan. Vậy mà ngay buổi lên lớp đầu tiên tôi bị cháy giáo án: Tôi chuẩn bị giáo án cho 6 tiết, vậy mà trong một tiết "bọn chúng" đã ngốn hết. Tôi ý thức ngay được rằng phải chạy đua với thời gian để chống trả lại cái đói khát bài giảng, anh biết không, đói ăn, đói uống còn chịu được chứ làm người thầy mà đói chữ thì nhục, nhục lắm. Đó cũng là bài học cho tính kiêu ngạo bắt đầu chớm nở trong tôi.

Giờ thì tôi đã có thể sáng rạo ra những bài toán mới, hay những cách giải mới, nhưng tôi vẫn luôn tự nhủ rằng mình vẫn dốt. Điều đó tác động rất lớn đến học sinh, tôi kể cho họ nghe để họ tránh được những điều tôi đã tránh. Trong cái nghề này, nếu anh chỉ là một thầy chuyên môn giỏi cũng chưa đủ.

Bồi dưỡng nhân cách mới là việc quan trọng, một học sinh có nhân cách, có tự trọng chắc chắn chuyên môn sẽ giỏi hơn. Kỳ thi toán quốc tế vừa rồi không hề có điều luật cấm mang điện thoại di động vào phòng thi bởi họ hoàn toàn tin tưởng vào nhân cách thí sinh. Hơn thế nữa tinh thần chung của các kỳ thi gần đây là một dịp gặp gỡ mang tinh thần như một ngày hội toán học, yếu tố được thua không còn nặng nề nữa, qua đó tự các em sẽ hiểu rằng tất cả những thành công hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu của một chặng đường khoa học rất dài.

Tôi hiểu niềm hạnh phúc cũng như sự kỳ vọng của ông đã được đặt trọn vẹn vào những gương mặt trẻ mà ông đang vun xới. Khi chia tay, ông nói với tôi rằng nếu có kiếp sau ông sẽ lại đi dạy toán bởi vì ông tìm được hạnh phúc trong niềm say mê này đơn giản như hạnh phúc của người nông dân ngày gặt hái.

 Trịnh Tú thực hiện - Lao Động Cuối tuần số 35 Ngày 09/09/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :