Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Tân sinh viên: Mừng và lo ngày nhập học
Kỳ thi đại học với bao vất vả, nhọc nhằn và căng thẳng đã trôi qua, tờ giấy báo trúng tuyển đã đưa chân những tân sinh viên về Hà Nội. Ngày nhập học, tôi đã nhìn thấy trên gương mặt các em nét khấp khởi, mừng vui, những nụ cười tươi tắn, rạng rỡ và cả những nỗi lo lắng khó gọi thành lời...

 

 

 

 

 

* Đỗ Tuyết Mai (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) tân sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐH Kinh tế:

Đỗ Tuyết Mai và anh trai

Em sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, làm lũ quanh năm. Từ nhỏ em đã rất mê những vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị và thường mơ ước về một công việc trong tương lai sẽ liên quan đến lĩnh vực này. Trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) là địa chỉ mà em lựa chọn đầu tiên khi làm thủ tục đăng ký dự thi và thật vui sướng vì hôm nay em lại được làm thêm thủ tục đăng ký nhập học. Giờ đây có thể coi như em đã đi được gần nửa chặng đường để tới ước mơ mặc dù em biết mình còn phải cố gắng rất nhiều. Bước chân vào giảng đường đại học điều em lo âu nhất lại chính là vấn đề kinh tế. Cha mẹ em chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và mảnh vườn trồng rau, ngoài việc phải gửi tiền hàng tháng cho con gái còn phải nuôi 2 em ở nhà ăn học vậy nên chắc sẽ rất vất vả. Nghe các anh, chị đi trước nói rằng hiện nay mọi thứ đều đang tăng giá, nhu cầu dịch ngày càng nhiều nên bên cạnh tiền học phí, ăn, ở còn nảy sinh thêm không ít các khoản khác như tiền quỹ lớp, sinh nhật bạn bè, vào mạng Internet... Có lẽ sau học kỳ I, khi mọi thứ đã đi vào nề nếp ổn định, em sẽ kiếm một công việc gì đó gần với chuyên ngành mình học để làm thêm...

* Xa Mạnh Hùng (huyện Đà Bắc - tỉnh Hòa Bình) tân sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế:

Xa Mạnh Hùng (bên phải)

Em đăng ký dự thi vào Khoa Quản trị Kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế vừa là nguyện vọng của cá nhân, vừa để chiều lòng bố mẹ. Vốn gia đình em có truyền thống làm kinh doanh chính bởi vậy em mong muốn mình sẽ học thật tốt để sau này kế nghiệp xứng đáng với những gì mà người đi trước đã để lại. Quả thực trong không khí của buổi lễ nhập trường này, không chỉ riêng em mà có lẽ tất cả các bạn đều vui mừng, hồi hộp và thêm vào đó là nỗi lo âu bởi từ nay mình sẽ phải tự xoay sở giữa một môi trường sống hoàn toàn mới lạ với những cám dỗ mà mình không lường trước được. Em đã tự xác định rằng, ngày bước chân vào giảng đường đại học tức là một hành trình mới lại bắt đầu với bao gian nan, thử thách. Tuy vậy, được tu dưỡng ở Trường ĐH Kinh tế, được học những người thầy uyên bác, kinh nghiệm, em tin rằng mình sẽ trưởng thành. Điều em muốn chia sẻ với tất cả các bạn cùng khóa đó là: Đường đến bục vinh quang sẽ không quá xa xôi
nếu như chúng ta đủ bản lĩnh, niềm tin, nghị lực để vượt qua những thách thức cản đường. Có rất nhiều những tấm gương của các anh, chị đi trước mà chúng em cần phải học tập, đó là những người có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng đã biết vươn lên để đạt được kết quả cao trong học tập và thành đạt trong công việc...

* Nguyễn Thúy Mai (huyện Từ Liêm - Hà Nội) tân sinh viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế:

Lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng đang được coi là một lĩnh vực có giá hiện nay, chính bởi vậy em đã đặt ước mơ của mình vào Trường ĐH Kinh tế. Vẫn biết rằng môi trường học đại học sẽ khác với môi trường học phổ thông rất nhiều nhưng với em đó lại là niềm hứng thú để khám phá và thể nghiệm. Thông tin trên sách báo cho biết rằng Trường ĐH Kinh tế nói riêng và ĐHQGHN nói chung có rất nhiều suất học bổng dành cho sinh viên, em sẽ cố gắng để được nhận được ít nhất là một trong những học bổng ấy. Năm học đầu tiên này, em sẽ ở trọ nhà người quen và sẽ đi làm thêm một việc gì đó nếu có thể. Em ý thức rằng phải đi làm thêm những công việc gần với chuyên ngành mình đang được đào tạo nhưng không để nó ảnh hưởng đến nhiệm vụ học tập. Với em, làm thêm khi đang là sinh viên là điều cần thiết bởi nó không chỉ tích lũy thêm cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm từ thực tiễn mà còn tạo cho mình một thói quen tự lập về suy nghĩ, về tài chính và năng động hơn...

* Lê Phương Thảo (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) tân sinh viên Khoa Kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Kinh tế:

Cầm trong tay tờ giấy báo trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) em vui mừng đến trào nước mắt. Nhà em rất nghèo, bố lại bị bệnh chính bởi vậy tất cả mọi hy vọng mẹ và các em đều dồn cả lên vai em. Lựa chọn ngành Kinh tế đối ngoại chỉ là sự tình cờ bởi em luôn khao khát được tiếp xúc, được tìm hiểu và khám phá những điều khác lạ bên ngoài lũy tre làng mình. Hơn nữa ngành học này có thể sẽ dễ tìm việc làm hơn sau ngày chúng em tốt nghiệp. Em tin, mặc dù mới được thành lập nhưng Trường ĐH Kinh tế sẽ là ngôi nhà gần gũi, thân thương mà ở đó chúng em có môi trường thuận lợi để rèn đức, luyện tài mai này lập thân, lập nghiệp. Cố gắng học tập thật tốt các chương trình trên giảng đường để giành được học bổng đó là điều mà em sẽ hướng tới. Để thực hiện được kế hoạch đó đòi hỏi những tân sinh viên như chúng em không chỉ tìm hiểu về môi trường học tập của sinh viên mà còn phải gặp gỡ để tham khảo cách thức, phương pháp học của các anh, chị đi trước. Từ vùng rừng núi Võ Nhai xuống Hà Nội, điều mà em lo nhất là chỗ ở trọ. An cư thì mới yên tâm học tập được, nếu may mắn được vào ở nội trú trong ký túc xá thì thật tốt, còn nếu không phải ra ngoài tìm phòng trọ sẽ rất vất vả và tốn kém.

* Nguyễn Xuân Phúc (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) tân sinh viên Khoa Kinh tế đối ngoại, Trường ĐH KInh tế:

Em đã đi xuất khẩu lao động ở Malaysia gần 2 năm, đi làm thuê ở rất nhiều nơi nhưng vẫn luôn canh cánh khát vọng được bước chân vào giảng đường đại học. Khi biết tin em trúng tuyển vào Khoa Kinh tế đối ngoại (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN) cả gia đình đều rất vui, nhất là bố em. Ông luôn tin tưởng vào con trai nhưng chưa khi nào dám nghĩ đến việc em có thể thi đỗ đại học. Với em, niềm vui của ngày nhập học chen lẫn với cả những điều lo lắng. Gia đình nghèo, bố mẹ lại đã có tuổi chính do vậy em sẽ phải vừa đi học, vừa đi làm để tự trang trải cuộc sống sinh viên của mình. Em sẽ xin vào ở nội trú trong ký túc xá và sẽ quyết tâm theo đuổi đến cùng ước mơ của mình. Đã nghe nói về phương thức đào tạo theo tín chỉ một đôi lần và khi tiếp xúc với các thầy, cô giáo của Trường ĐH Kinh tế, em mới biết mình sẽ được học theo phương thức ấy trong tương lai. Cách thức cụ thể, tính ưu việt và cả những khó khăn mà phương pháp này tạo ra cho người học thì những tân sinh viên như em chưa thể mường tượng được nhưng em hy vọng rằng học theo phương thức tín chỉ sẽ có thể xuất hiện một thế hệ sinh viên khác với trước đây. Mong rằng năm học 2007-2008 sẽ là một năm học đầy ý nghĩa với em và với tất cả các bạn sinh viên khóa mới này...

 Văn Trương (ghi) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :