Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Với tôi, tình nguyện 3 lần còn chưa đủ!
Khi còn là một cậu học sinh đang còn ngước nhìn cánh cửa ĐH, tôi đã ao ước mình có thể học thật tốt và tham gia các phong trào thanh niên tại một miền quê nào đó.

Nhìn các anh chị khoác trên mình chiếc áo xanh mang dòng chữ “Thanh niên Việt Nam” và nhất là dòng chữ mang tên trường mình học, thì khát khao của tôi ngày càng cháy bỏng hơn, là động lực để tôi phấn đấu.

Khi cánh cửa ĐH mở ra với tôi, có bao nhiêu điều lạ lẫm, mọi thứ đều thắc mắc và thấy khác hẳn môi trường phổ thông. Hè của năm học đầu tiên, tôi ngậm ngùi với một kết quả học tập xấp xỉ 8,0. Được các anh chị khoá trên thông báo về kế hoạch tình nguyện, tôi hăng hái đăng kí sau đó mới xin phép bố mẹ, và ước mơ ngày xưa được khoác chiếc áo xanh sắp trở thành hiện thực. Khi được bố mẹ đồng ý, tôi đã ôm chầm lấy thằng bạn thân và reo lên: “Tao được đi tình nguyện rồi!” Và cái cảm xúc lần đầu tiên đó vẫn còn nguyên vẹn theo tôi suốt ba năm qua.

Là một cậu sinh viên năm thứ nhất, hồn nhiên, nhiệt tình, lần đầu tiên tôi sống với đồng bào tại một xã khó khăn của huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Cũng là lần đầu tiên tôi bắt đầu uống rượu, được bà con chỉ bảo, được đi làm những việc mà ở nhà chưa bao giờ làm, và thích thú nhất là được đồng bào gọi bằng cái tên thân thương, trìu mến: “đồng chí áo xanh”. Với tôi, những kỉ niệm về chuyến đi tình nguyện năm thứ nhất là tất cả những cái đầu tiên. Vào một đêm trăng sáng, cả đội ngồi bên nhau hát hò, nói chuyện về cuộc sống sinh viên, rồi hết mình bên đống lửa trại, tôi mới nhận thấy tình nguyện là một cái gì đó thật đẹp, rằng quyết định đi tình nguyện của mình là hoàn toàn đúng đắn, và tôi lớn lên từ đó, học được từ đó bao nhiêu điều. Sau chuyến đi tình nguyện nhiều kỉ niệm ấy, tôi tự hứa với lòng mình: Mình sẽ đi tình nguyện liên tiếp ba năm! Một lời hứa mà tôi đã làm được, tất nhiên tôi đã phải trải qua bao nhiêu thử thách để hoàn thành tâm nguyện.

Những năm tháng được sống với đồng bào vùng sâu, vùng xa, được thấy cái khó khăn, thiếu thốn và được đón nhận tình cảm thân thương từ những con người bình dị, tốt bụng tại nơi đội tình nguyện hoạt động, tôi lại càng phấn đấu nhiều hơn để cứ hè đến là lại đi tình nguyện. Lần thứ hai đi tình nguyện, bố tôi động viên: “Đi đi con. Mỗi vùng quê đều có cái hay riêng, khi con “à” lên một tiếng là con lớn thêm đó.” Câu nói đó là một lực đẩy rất lớn từ gia đình cho phép tôi nhiệt tình hơn nữa cho công tác tình nguyện. Gia đình như lúc nào cũng bên cạnh theo từng bước chân tôi đi. Và dường như đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống sinh viên của tôi vậy. Trưởng đoàn tình nguyện năm thứ 2, rồi năm thứ 3, trách nhiệm đi liền nhưng cũng là những lần được va chạm và thấy mình trưởng thành hơn nữa. Tôi đã khóc, phải đã khóc khi được đồng bào Mường cảm ơn bằng…một củ sắn nướng. Khi chia tay đồng bào, một bà cụ cám ơn tôi đã giúp bà gánh củi trên núi bằng như thế đó. Chia cho bạn bè cùng thưởng thức, lòng tôi reo vui và ấm áp một cảm giác lạ kì mà chỉ có tình nguyện mới thấy được.

Sống một cuộc sống tập thể, sống với tinh thần trách nhiệm lãnh đội, tôi chia sẻ với những thế hệ đàn em chính những điều mà tôi đã trải qua, đã học được từ đi tình nguyện. Và tôi thấy mình đang sống với những con người thật tuyệt vời, đó có thể là các cô tiểu thư thành phố lần đầu tiên nấu cơm, của rất nhiều cái đầu tiên giống như tôi ngày xưa, đó có thể là những con người đến từ các khoa khác nhau nhưng cùng chung một sở thích, một mục đích. Vì thế, tôi truyền cho thế hệ đàn em: tình nguyện là một môi trường lý tưởng rèn luyện bản thân và xây dựng động cơ học tập. Vượt qua 20 cây số đi bộ đường dài, vượt qua bốn quả núi, tôi dẫn cả đoàn 47 thành viên (hè 2007) về với đồng bào dân tộc Thái tại xã Hua Trai của huyện Mường La. Rồi tắm suối, ăn cơm nếp suốt ngày, thiếu gạo tẻ, rau xanh, thuốc men không đủ, đồng bào dân trí thấp…tất cả như thử thách ở tôi nhiều điều khác hẳn ở năm thứ 3 đi tình nguyện. Tại địa bàn này, khó khăn còn lớn hơn nhiều so với 2 năm tình nguyện trước cộng lại, tôi đã phải đối mặt với sự suy giảm ý chí tình nguyện của nhiều thành viên, sự trở ngại trong công việc do đường sá đi lại vất vả, chủ yếu đi bộ, và nhất là khả năng có hạn của một đoàn sinh viên có tới 40/47 thành viên nữ! Vậy mà tôi và các thành viên đã vượt qua 20 ngày với bao công việc hoàn thành ngoài sức tưởng tượng, nhiều công việc phát sinh đều được giải quyết nhanh gọn, đồng bào tin, yêu và quý mến nhiều hơn. Bác chủ tịch Hội cựu chiến binh đã khóc và cầm tay tôi, trao cho tôi một chiếc khăn Piêu với câu nói thật thân tình: “Cám ơn các cháu đã mang sắc xanh về với rừng núi, với các bác. Bác và đồng bào thương các cháu lắm mà chả biết giúp thế nào, chỉ có tấm lòng thôi cháu nhé!” Thưa bác, cháu cũng chỉ cần điều đó, một điều đơn giản nhưng không dễ dàng có được đâu ạ! Và tôi nói trước các thành viên trong đoàn: “Trong sự khó khăn, các em sẽ thấy được hết ý nghĩa của hai chữ “tình nguyện”. Các em sẽ trưởng thành hơn sau chuyến đi này, sẽ thấy mỗi miền quê có một dư vị thật đặc biệt trong tâm hồn các em. Mỗi chuyến đi là một lần các em hiểu mình hơn, hiểu hơn về vẻ đẹp của những điều bình dị xung quanh mình mà bấy lâu mình lãng quên.”

Đây là chuyến đi dài nhất của tôi và cũng là chuyến đi tình nguyện cuối cùng trong cuộc sống sinh viên tại giảng đường ĐH. Bước sang năm thứ tư, tuy có thể giúp đỡ phong trào nhưng tôi sẽ phải đối mặt với công việc sau khi ra trường, với bao trăn trở của cuộc sống đời thường. Tình nguyện, với tôi ba lần còn chưa đủ!

Ngọn lửa nhiệt tình đã cháy liên tục trong ba năm, trong ba năm ấy với mỗi cương vị khác nhau nhưng tôi đều cảm nhận được những điều đặc biệt mà chỉ có đi tình nguyện mới có. Cuộc sống là những chuyến đi dài nhưng đi tình nguyện là được sống hết mình, được sống với những mệt mỏi và tập thể cũng hết mình, rồi nhận ra chính mình trong một cuộc sống vồn vã. Tôi ôm các thành viên trong đoàn chia tay, đó là giây phút hạnh phúc nhất đối với tôi trong ba mùa tình nguyện. Chia sẻ với các thành viên trong đoàn, đó là tình cảm của những ngày gắn bó bên nhau, cùng nhau vượt qua bao khó khăn, bao nhiêu cây số đi bộ đường rừng, của những đêm rượu suốt sáng, của những đêm văn nghệ, của những giọt mồ hôi, và của cả tiếng “mẹ” trong cơn mê chập chờn ùa về cùng giấc ngủ của cô bé năm thứ nhất. Những giọt nước mắt hiểu nhau hơn lăn vội trên gò má, tôi truyền cho em ngọn lửa tình nguyện mà tôi luôn lưu giữ trân trọng.”Hãy nuôi dưỡng nó đến mùa hè sang năm nhé! Chúng ta là một gia đình mà”. Nếu còn cơ hội, nhất định tôi sẽ lại vác chiếc ba lô của bố từ chiến trường về, lên đường đi tình nguyện.

Trở lại với cuộc sống giảng đường sắp tới, tôi biết mình đã có những tháng năm không thể nào quên. Đó chính là những tháng ngày tình nguyện. Tôi trở về bên gia đình và sẽ kể cho bố về một vùng đất mới, vùng đất mà tôi vừa gắn bó. Và câu nói của bố lại vang lên trong lòng tôi, ngọn lửa tình nguyện và những kỉ niệm không thể nào quên đang giục tôi tiếp bước trên con đường dài. Gấp trang tâm sự, tôi tin mình có thể kể cho con cháu sau này về một hoạt động mang tên “tình nguyện”. Nói với bạn bè, hãy đi tình nguyện một lần để có cái nhìn chân thực và hiểu lòng mình hơn. Cái được nhất chính là bạn được cống hiến, được đem sức trẻ phục vụ đất nước, sẽ thấy dòng chữ “Thanh niên Việt Nam” cháy rực và đập rộn ràng hơn nơi con tim đang khao khát.

 (Vài dòng ghi vội, Sơn La mờ sương, Hè 2007)
Hoa ban - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :