Thực hiện chủ trương của đoàn ĐHQG Hà Nội và hưởng ứng chiến dịch Mùa Hè xanh 2007, 9 đội sinh viên tình nguyện (SVTN) đã ngược ngàn hành quân lên Tây Bắc, đem sắc xanh của tuổi trẻ về với đồng bào vùng sâu, vùng xa của Tổ Quốc. Họ đã đi với lòng nhiệt tình, với tinh thần của tuổi trẻ và sự cống hiến. Thực sự, họ đã làm nên một mùa hè thành công ngoài mong muốn. Vượt qua muôn ngàn khó khăn và gian khổ, họ trở về Hà Nội là những sinh viên trưởng thành và dày dạn hơn. Trong họ, một niềm tin mới cho cuộc sống, cho học tập đang cháy bỏng và khao khát mãnh liệt hơn trước rất nhiều.
Huyện Mường La là địa điểm đến của 4 đội SVTN gồm các trường: ĐHKHXH&NV; ĐH Ngoại Ngữ; Khoa Quốc Tế; Khoa Sư phạm hoạt động tại 4 xã: Chiềng Lao; Ngọc Chiến; Mường Bú và Hua Trai. Đây là những xã còn nhiều khó khăn, đồng bào nhìn chung dân trí còn thấp, kinh tế nương rẫy lại là chủ yếu. Trong 4 xã, có hai xã Chiềng Lao và Hua Trai cách trung tâm huyện khá xa, nếu trời mưa, chỉ còn cách đi bộ hơn 20 chục cây mới đến! Đường sá đi lại vất vả như vậy là một trở ngại tương đối lớn, do đường núi mấy hôm mưa xuống, đường bị sạt lở nên bất ngờ đầu tiên với các đoàn SVTN là chuyện đôi chân được tôi luyện khả năng dẻo dai! Họ đã vượt qua những đoạn đường mà đi xe máy cũng khá vất vả chứ đừng nói đến đi bộ 20 cây số! Đoạn đường đó có thể chưa dài nhưng cũng để đời với nhiều cô cậu sinh viên. Khoa Sư phạm đón thành viên cuối cùng lúc gần 12h đêm! Nghe mà hãi hùng. Cùng thời điểm đó, đoàn SVTN trường ĐHKHXH&NV…vừa ăn xong cơm tối, nếu ở Hà Nội, chắc chắn họ sẽ gọi đó là bữa đêm. Hành quân vượt qua 4 quả núi, gần 20 cây số, 9h tối, Ngà (K50 Báo chí) vừa thở dốc vừa nói: “em đi sau cùng vì còn đỡ đồ cho các bạn bị tụt lại. Đoàn ít con trai nên thấy mình còn khoẻ, em cố gắng giúp và động viên các bạn anh ạ”.
Rồi những ngày đầu tiên ở bản làng đối với những cô tiểu thư đi tình nguyện là một bức tranh hoàn toàn trái ngược với cuộc sống nơi chốn phồn hoa: Tắm suối, ngủ sàn chen chúc nhau cả chục mạng; ăn cơm nếp suốt ngày; không gạo tẻ; không có điện; không hiểu hết phong tục tập quán của địa phương…và khi những giọt nước mắt tuôn rơi, nỗi nhớ nhà của họ trở thành những điểu đầu tiên khó quên.
Các đội SVTN đã nhanh chóng ổn định sinh hoạt, sốc lại tinh thần toàn đội và bắt tay ngay vào công việc. Có đội ở cả một đội tập trung, sinh hoạt tập thể vừa vui vừa… có nhau. đội SVTN trường Nhân văn do đông (47 thành viên) nên đã phải chia nhỏ ở cùng với nhà dân. Hương (K50 LTH&QTVP) – phó tư lệnh thứ hai tại mặt trận Hua Trai tâm sự: “Bọn mình ở cùng đồng bào, hiểu hơn về phong tục tập quán nơi đây. ở cùng họ, mình mới thấy nhiều điều mà bây giờ mình mới biết”. đứng cạnh đó, Thuỳ Linh (K51 Sử) lại rất hồn nhiên: “Chia thành từng đội ở vui lắm anh ạ! Mới đầu em còn lạ, sau quen và thấy gắn bó như một gia đình vậy.”
Nội dung hoạt động của các đội SVTN khá phong phú và sáng tạo. Cùng một nội dung hoạt động nhưng mỗi đội có một cách thức làm việc riêng, cuối cùng họ gặp nhau ở một điểm chung:đó là hết sức thành công và hiệu quả. Hoạt động tuyên truyền Sức khoẻ sinh sản, đội ĐH Ngoại Ngữ và Khoa Sư phạm tổ chức thành các đội đến từng bản làng nói chuyện với bà con. Trong khi đó, đội SVTN trường Nhân văn lại tổ chức thành các cuộc thi “Hành trình cùng bạn”. Thông qua cuộc thi, thanh niên địa phương đã được tham gia và được trang bị những kiến thức hết sức căn bản cho cuộc sống gia đình sắp tới. Các thày cô áo xanh đứng lớp không chỉ dạy kiến thức cho học trò và sinh hoạt hè cho các em, mà còn làm cả nhiệm vụ tư vấn nữa. Quang - đội trưởng đội SVTN khoa Quốc Tế: “có hôm bọn mình gặp phải những câu hỏi liên quan đến tâm lý lứa tuổi. Vậy là mình tự nhiên trở thành những nhà tư vấn tâm lý cho các em. Giúp các em hiểu được nhiều điều, nhất là những chuyện như vậy nên thấy vui và ý nghĩa nhiều lắm!” Các đội SVTN đều có những hoạt động mang tính đặc thù và nổi bật riêng. Với những khả năng của mình, các đội đều phát huy rất tốt. Qua những nổi bật đó, ta càng thấy được sự sáng tạo và khả năng phát huy của tuổi trẻ tại địa bàn còn nhiều khó khăn này. Đội SVTN Trường ĐHKHXH&NV với đặc thù nhiều phái nữ nên phong trào văn hoá – văn nghệ rất sôi nổi. Sôi nổi đến mức địa phương không thể đáp ứng được một đội bóng đá nữ để có thể giao lưu! Các buổi giao lưu văn nghệ tại xã Hua Trai (nơi đội đóng quân) được đông đảo bà con tới xem và cổ vũ. Dưới nhiệt độ núi rừng thường chỉ 17 – 18o về tối nhưng tôi thấy hầu hết các thành viên mỗi khi giao lưu, chiếc áo xanh đều ướt đẫm mồ hôi. Họ đã nhiệt tình, đã hết mình như chưa bao giờ như vậy, tay trong tay họ hiểu mình đang có những ngày tình nguyện thật ý nghĩa. Để rồi khi chia tay, mỗi thành viên của đoàn được đồng bào tặng một chiếc khăn Piêu và một nhánh lan rừng (vốn là những nét đẹp riêng của núi rừng Tây Bắc). Lại có những món quà hết sức thú vị khác, Thuỷ (K49 Sư phạm Sử - Đoàn Khoa Sư phạm): “mình đã học được rất nhiều câu tiếng Thái, có thể sau này mình sẽ dùng đến nó. Hay nhất là mình đã học được một vài điệu xoè Thái để dạy cho học trò nhé!”
|
|
Các đội SVTN cũng đã được chứng kiến những vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, cảnh bình minh bên suối, cảnh mây bay chập chờn sườn núi, cảnh đêm trăng nơi đại ngàn…nhưng cũng được chứng kiến những cơn mưa rừng, những khó khăn vô cùng lớn mà đồng bào nơi đây đang trải qua, và nhất là ánh điện còn chưa về hết đến các bản làng. Hà (K51 KHQL) – Phó đoàn thứ nhất trường Nhân văn tâm sự:” Lần đầu tiên đi tình nguyện và cũng là lần đầu tiên em thấy hết được ý nghĩa của hoạt động này. Đồng bào nói tiếng phổ thông không nhiều và anh biết không? Trẻ em ở đây bỏ học nhiều quá. Có em lớp 6 rồi mà còn chưa biết chữ!”. Tại các địa bàn hoạt động của các đội, dưới ánh điện đỏ mờ mờ, các chương trình của họ phải nhờ thêm ánh đèn pin và ngọn nến bé nhỏ. Khoa Sư phạm tổ chức xoá mù cho đồng bào trong điều kiện như vậy đó. Tâm sự và chia sẻ với đồng đội ngày tổng kết, họ hồ hởi nói với chúng tôi rằng họ giống với anh chị Nha bình dân học vụ, diệt giặc dốt năm 1946.
Nhìn cảnh đội SVTN trường Nhân văn di chuyển ra huyện đoàn tập kết trên hai chiếc xe tải, tư lệnh mặt trận Mường Bú, Huyền (ĐH Ngoại Ngữ) không giấu được nét mặt rầu rầu: “xã mình gần hơn các bạn ý, đi lại không đến nỗi nào lắm. thấy các bạn đi lại vất vả, muốn giúp đỡ mà chả biết phải làm sao cả”. Tấm lòng đó cũng đủ chia sẻ và tuyệt vời rồi Huyền ạ!
Trước thuỷ điện Sơn La hùng vĩ, nhiều bạn SVTN đã phải thốt lên: Sức con người thật kì diệu! Và cảm phục thêm những con người đang ngày đêm tại công trường. Rồi đây, ánh điện sẽ về khắp buôn làng, sẽ thắp lên những niềm vui, những ước mơ cho tương lai. Hành quân về với Sơn La, với thuỷ điện lần này, các đội SVTN đã được cống hiến và sống một cuộc sống đáng nhớ. Đại diện cho các đội SVTN, tư lệnh mặt trận Hua Trai – Đ/c Nguyễn Ngọc Trìu tổng kết các hoạt động tình nguyện tại địa bàn: “…với những công việc còn chưa lớn, những việc làm còn hết sức nhỏ bé, nhưng đó là tấm lòng chân thành của những chiếc áo xanh ngồi đây, của sinh viên - đoàn viên Đoàn ĐHQG Hà Nội. Chúng tôi đã có 20 ngày tình nguyện để thấy được sự khó khăn và trong sự khó khăn đó, chúng tôi hiểu mình phải phấn đấu nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa để có thể xây dựng Tổ quốc, đất nước giàu đẹp cho mai sau”.
Tiễn các đội SVTN trở về Hà Nội, các đội SVTN tại Sơn La hè năm nay đã được thưởng thức những điệu múa xoè, những bài hát đặc trưng của dân tộc Thái và các dân tộc anh em khác do các bạn trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La biểu diễn. Rồi, họ hoà mình vào đêm giao lưu văn nghệ rất sinh viên, rất hồn nhiên và cũng rất trẻ: đó là “Áo trắng”; là “Bài ca trên đồi”; là tiết mục Erobic sôi động trẻ trung và hấp dẫn. Phát biểu tại Lễ tổng kết “ Sắc xanh tình nguyện với thuỷ điện Sơn La”, PGS. TS Trần Kim Đỉnh, Chủ tịch Công đoàn ĐHQG Hà Nội nói với chúng tôi như một lời tâm sự thân tình: “Ngày mai, các đồng chí sẽ trở về Hà Nội, về với chốn phồn hoa nơi đô thành. Sắc xanh tình nguyện của các đồng chí đã tô điểm thêm sức sống và sự toả sáng nơi đây. Tôi tin vào sự trưởng thành của các đồng chí, của tuổi trẻ cũng như tin vào ánh điện của thuỷ điện Sơn La sắp tới về với bản làng, với cả nước!”
Họ đã trở về Hà Nội sau 20 ngày gắn bó với đồng bào. Họ đã đem theo những kỉ niệm khó quên. Chính họ đã làm lên một mùa hè tình nguyện thành công và ý nghĩa. Khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng lên tiếng, sẵn sàng đi bất cứ đâu. Đó không chỉ là truyền thống mà còn là đất nước của ngày mai nữa. Khép lại một mùa hè tình nguyện mà dư âm nó còn đọng lại sâu sắc, bâng khuâng với nhiều người. Để rồi: “Khi ta về, ta lại nhớ ta đi. Đi lên non cao đi về biển rộng!”
|