Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
IMO 2007 - Đằng sau những thành công
Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 48 tổ chức tại Việt Nam IMO (International Mathematical Olympiad) 2007 đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều dư âm ngọt ngào trong lòng bạn bè quốc tế. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên của chúng ta là một trong ba đơn vị đứng ra đăng cai kỳ thi học sinh giỏi có tầm cỡ quốc tế này. Đằng sau những thành công ấy, có bao nhiêu chuyện đáng nhớ...

Nhận lời đăng cai tổ chức IMO 2007 rồi mà mãi chúng ta chưa triển khai được gì, trong khi chỉ còn hơn một năm nữa thôi là kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế lần thứ 48 sẽ diễn ra tại Việt Nam. Vậy mà đến tháng 5 năm 2006, Ban tổ chức IMO 2007 mới được thành lập. Ban Tổ chức có mấy chục con người, chủ yếu là cán bộ của ba cơ quan: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Toán thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội Toán học Việt Nam cũng tham gia trong Ban tổ chức với nòng cốt là là các thành viên của Viện Toán học và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đó là những đơn vị đồng tổ chức, ngoài ra còn có sự phối hợp tổ chức của UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công an, Bộ Văn hoá Thông tin, Tổng cục Du lịch và một số cơ quan khác.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được phân công phụ trách hai trong số 12 tiểu ban: Tiểu ban Công tác học sinh và Tiểu ban coi thi.

Tiểu ban công tác học sinh chịu trách nhiệm về việc đưa đón các đoàn quốc tế, lo ăn ở cho số học sinh tham gia dự thi cùng với các phó đoàn và quan sát viên đi cùng, đưa đón các đoàn học sinh đi thi, tổ chức đi tham quan và các sinh hoạt ngoại khoá về giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao đồng thời tổ chức thi tuyển chọn tình nguyện viên, phụ trách viên, tập huấn và quản lý đội ngũ này trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi. Phải nói rằng đây là mảng công việc phức tạp, đòi hỏi mọi người phải nhiệt tình và có kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm thật cao, nhanh nhẹn và biết xử lý các tình huống đặc biệt. Tiểu ban công tác học sinh cũng phải triển khai công việc khá sớm để kịp phục vụ kỳ thi.

Tình nguyện viên được tuyển chọn và tập huấn kỹ lưỡng đã đóng vai trò không nhỏ trong thành công chung của IMO 2007

2 HS Khối THPT Chuyên ĐHKHTN là Đỗ Xuân Bách và Phạm Duy Tùng đã giành 2 trên tổng số 3 HCV toàn đoàn, đưa VN đứng thứ 3/93 nước tham dự

Tiểu ban coi thi triển khai công việc muộn hơn, nhưng phải huy động số lượng cán bộ nhiều nhất gần 100 người. Đây là công việc gắn với coi thi và sao in bài thi cũng như chuyển bài thi của các thí sinh đến địa điểm chấm thi ở Hạ Long an toàn. Việc coi thi chỉ diễn ra trong hai ngày, nhưng công tác chuẩn bị tập huấn cán bộ sử dụng thành thạo máy photocopy cao tốc có kết nối máy tính để truyền bài làm của các em qua hệ thống mạng điện tử với đường truyền riêng kéo dài cả tháng trước khi kỳ thi diễn ra.

Một lực lượng lớn cán bộ giảng dạy của khoa Toán cũng như các cựu sinh viên, học sinh của trường Đại học Khoa học Tự nhiên đang học tập và công tác tại nước ngoài cũng được huy động vào đội ngũ chấm thi. Riêng GS.TSKH.NGND. Nguyễn Văn Mậu, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên mặc dù bận rộn với công tác quản lý nhưng vẫn dành tâm huyết và thời gian để bồi dưỡng kiến thức cho đội tuyển IMO 2007 của Việt Nam, đồng thời tham gia Hội đồng giám khảo.

Thời gian chính thức diễn ra kỳ thi Olympic Toán Quốc tế lần thứ 48 tại Việt Nam là từ 19 đến 31 tháng 7 năm 2007, nhưng Ban Tổ chức thi đã phải làm việc từ trước đó hơn một năm. Ban tổ chức họp định kỳ một tháng một lần, riêng Ban điều hành (06 người được cử ra Ban tổ chức) thì mỗi tuần họp một lần, thời gian nước rút thì một tuần hai lần họp. Cho đến những ngày đầu năm 2007, tình hình của công tác tổ chức vẫn chưa có gì sáng sủa, nhiều người hoài nghi về sự thành công của IMO 2007, bởi vì đối với các nước đăng cai khác thì họ đã chuẩn bị trước ít nhất là hai năm, trong khi đó chúng ta chỉ còn mấy tháng.

Bây giờ IMO 2007 đã kết thúc, chúng ta đã có thể thở phào nhẹ nhõm về những kết quả đã làm được, và tự hào về sự thành công tốt đẹp của kỳ thi. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, có lúc chúng ta phải “rùng mình” bởi khối lượng lớn công việc đã được thực hiện, và bởi những quyết định táo bạo trong quá trình diễn ra kỳ thi. Xin đơn cử một ví dụ: Ngày 18 tháng 7, Hội đồng Tư vấn Quốc tế đi kiểm tra địa điểm tổ chức thi và nơi ăn ở của học sinh và phó đoàn, nhưng đến đầu tháng 7 mà chúng ta vẫn chưa ký được hợp đồng với các đơn vị liên quan vì vướng một số thủ tục, trong đó có vấn đề về tài chính. Địa điểm tham quan tại Chuyến thăm quan tới Vịnh Hạ Long khi ấy cũng có nguy cơ bị gạt ra khỏi chương trình do quan ngại các vấn đề an ninh. Nhưng cuối cùng chúng ta vẫn quyết tâm lựa chọn Vịnh Hạ Long, và tất cả đều diễn ra an toàn, tốt đẹp. Còn nhiều vấn đề khác liên quan đến công tác tổ chức như an toàn giao thông khi đi lại trong thành phố và khi đi tham quan, tài chính, bảo mật đề thi cũng đòi hỏi sự quyết đoán trong giải quyết vấn đề.

Nếu bây giờ ai đó hỏi rằng công tác Tổ chức IMO 2007 có những công việc cụ thể gì, thì rất khó diễn tả hết được. Trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi tất cả mọi người trong Ban tổ chức cũng như trong các tiểu bản đều lo lắng mất ăn mất ngủ thực sự. Có đêm tôi cùng GS.TSKH. Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban Tổ chức IMO 2007, phải xử lý rất nhiều tình huống đặc biệt, để rồi đến quá 12 giờ đêm vẫn chưa kịp ăn tối. Có hôm mới 4 giờ sáng, điện thoại gọi từ phòng trực y tế báo về một trường hợp học sinh nước ngoài bị sốt cao phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện quốc tế Việt-Pháp, phụ trách viên đi cùng học sinh không có tiền để thanh toán cho Bệnh viện, ông trưởng tiểu ban Công tác học sinh đã thanh toán trước. Có hàng trăm, hàng ngàn sự việc có thể viết thành sách về IMO 2007. Việc lên xuống điểm của một số học sinh thuộc một số đoàn cũng gây thắc mắc do ảnh hưởng đến thứ hạng cao thấp của họ trong tổng điểm chung. Đây là chuyện thường xảy ra ở các kỳ Olympic trước. Cùng một bài toán có người cho điểm tối đa (7 điểm) có người chỉ cho (5 điểm). Lời giải, phương pháp giải, logic trong lập luận đều có thể ảnh hưởng đến cách cho điểm của mỗi thầy. Ngoài ra, có một số vấn đề chúng ta chưa hài lòng như bữa tiệc chia tay và chương trình buổi bế mạc diễn ra không được như ý. Nhưng xét một cách tổng thể, chúng ta vẫn nhận được lời khen ngợi từ bạn bè quốc tế về những nỗ lực trong việc tổ chức một kỳ thi an toàn, suôn sẻ và thành công.

Kỳ thi Olympic Toán Quốc tế lần thứ 48 đã đi qua, những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào công tác tổ chức đều tự hào là đã đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự thành công chung. Trong sự thành công ấy không thể thiếu những đóng góp của tập thể và gần hai trăm cán bộ, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, một trong bốn đơn vị chủ chốt tham gia vào công tác tổ chức. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: Sự đóng góp quan trọng của thầy và trò Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là một nhân tố quan trọng đóng góp vào thành công của IMO. Lời động viên và khích lệ của đồng chí Bộ trưởng đối với trường Đại học Khoa học Tự nhiên một lần nữa khẳng định năng lực tổ chức, khả năng làm việc khoa học, tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao của các cán bộ Nhà trường trong công tác tổ chức những sự kiện lớn như IMO 2007.

Nhân dịp này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các đơn vị và cá nhân, các em học sinh, sinh viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng như các trường đại học bạn đã nhiệt tình tham gia và đóng góp một phần công sức của mình giúp Ban Tổ chức IMO 2007 hoàn thành nhiệm vụ.

Hà nội, tháng 9 năm 2007


 Phan Duy Ngà, Trưởng Phòng Hành chính Đối ngoại Trường ĐHKHTN
Trưởng tiểu ban Công tác HS, Ủy viên Ban Điều hành IMO 2007
Theo Nội san SV 334 - số 28 - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :