IMO lần thứ 48 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 19-31/07/2007 nhưng công tác chuẩn bị đã được thực hiện từ trước đó hàng tháng. Để trở thành Tình nguyện viên của IMO, chúng tôi đã phải trải qua một bài thi viết và một cuộc phỏng vấn mà ở đây, không chỉ đòi hỏi trình độ ngoại ngữ tốt, mà chúng tôi còn phải chứng minh rằng mình có một nền tảng văn hóa phong phú để có thể đại diện cho nước chủ nhà Việt Nam tiếp đón các bạn nước ngoài từ khắp nơi đến đây. 110 phụ trách viên và 55 tình nguyện viên đã được chọn ra từ hơn 1000 sinh viên từ các trường Đại học lớn của Hà Nội như ĐH Ngoại thương, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại Ngữ, và ĐH Khoa học Tự nhiên. Chúng tôi đã được tập huấn về lịch sử của các kì thi IMO, về công tác lễ tân cho kì thi IMO, về trách nhiệm và nhiệm vụ của mình. Không cần nói ra nhưng tất cả chúng tôi đều cảm thấy lo lắng và hồi hộp, mong chờ đến ngày làm được nhiệm vụ mà theo bác Thứ trưởng Trần Văn Nhung là “cực kì quan trọng và quyết định đến thành công của IMO”. Mỗi người được phân công công việc rất rõ ràng và cụ thể. 50 tình nguyện viên được phân công vào các tiểu ban như cơ sở vật chất, tiểu ban học sinh sinh viên, tiểu ban lễ tân. Tất cả mọi người đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để đảm bảo cho sự thành công của IMO. Mọi sự chuẩn bị đều gần như là hoàn hảo trước ngày khai mạc. Ai cũng bận bịu với công việc của mình nhưng chúng tôi luôn cảm thấy vui vẻ và háo hức.
Tôi được phân công vào đội Sân bay có trách nhiệm đón các trưởng đoàn của các nước từ sân bay đưa về khách sạn ở Hạ Long. Đó quả thực là một công việc thú vị. Ngày đầu tiên đi làm nhiệm vụ, tôi vẫn còn nhớ rõ như in cảm giác hồi hộp và cực kì lo lắng. Nhưng mọi căng thẳng và lo lắng của tôi đều tan biến khi tôi bắt gặp nụ cười thân thiện của những vị khách IMO. Các trưởng đoàn, hầu hết là những thầy giáo lớn tuổi, phải trải qua một quãng đường khá dài để đến Việt Nam nhưng họ không hề tỏ ra mệt mỏi mà ngược lại rất vui vẻ, cởi mở, điều đó làm tôi tự tin thêm nhiều.
Ngày thứ 2, tôi được giao nhiệm vụ đưa trưởng đoàn của 24 nước từ Hà Nội về Hạ Long. Đối với một cô bé 19 tuổi như tôi, từ trước đến giờ chưa bao giờ phải chịu trách nhiệm với quá nhiều người như vậy thì đây quả thực là một thử thách. Lúc đó tôi mới nhận ra có quá nhiều điều mà mình không thể nào lường trước được, nhưng cuối cùng, mọi việc cũng suôn sẻ, và hình như không có ai phàn nàn gì cả. Với tôi, đó được coi như một chiến công nho nhỏ.
Những nhân vật chính của IMO chính là các thí sinh. Hơn 500 bạn đến từ 93 nước trên thế giới. Mỗi đội tuyển mang đến IMO một nền văn hóa riêng, một đặc trưng riêng của nước mình. Sống trong một môi trường đa văn hóa, đa ngôn ngữ đó là một kinh nghiệm tuyệt vời. Buổi lễ khai mạc, các đoàn lần lượt đi lên sân khấu như một màn chào hỏi với bạn bè các nước. Mỗi nước có một cách chào riêng rất đặc biệt và cá tính. Đoàn Colombia ném các túi cà phê xuống phía dưới, đoàn Nhật Bản ăn mặc như những ninja thực thụ ném các phi tiêu bằng giấy tự chuẩn bị,đoàn Mexico nổi bật với những chiếc Sombrero...Tất cả tạo nên một lễ khai mạc đáng nhớ và tràn ngập màu sắc. Nhớ những ngày thi, có bạn thí sinh mang cả những con thú bông vào phòng thi theo mình và coi đó như là vật may mắn và quyết không chịu rời xa nó. Nhớ những lúc ngồi nói chuyện với các bạn ấy hàng giờ liền không biết chán về Việt Nam và về đất nước của các bạn ấy, những suy nghĩ của teen về cuộc sống... Và rồi sau IMO, tôi thấy mình chững chạc hơn, hiểu biết hơn. Những ngày đi thăm quan, thấy được vẻ háo hức của các bạn thí sinh và cả những leader (trưởng đoàn) của các nước khi tìm hiểu về nền văn hóa Việt Nam, tôi thấy hãnh diện khi được trở thành người giúp họ hiểu thêm về đất nước thân yêu của mình.
Đối với tôi, IMO là những kỉ niệm không thể nào quên. Là khi bắt gặp một người bạn đáng yêu cười với mình, vẫy tay nói: “Hi!” Là khi nhận được lời động viên từ leader của đoàn Pakistan: “You are wonderful!” sau những trục trặc nho nhỏ. Là cái ôm hôn thật chặt của leader đoàn Pháp và lời hẹn đến Pari. Là cậu bạn đoàn Australia háo hức như một đứa trẻ con khi được mặc bộ áo the khăn xếp. Là cậu em trai đoàn Việt Nam chứng tỏ mình như một 9X năng động, không chỉ học giỏi mà kiến thức xã hội, văn hóa cũng thật hay. Là lúc dạy cậu bạn người Thụy Sĩ chơi cá ngựa rồi chỉ một lúc sau cậu ấy đã nói vanh vách lại luật chơi cho cậu bạn của mình. Là các cậu bạn đoàn Đan Mạch luôn mồm hát câu “Việt Nam! Hồ Chí Minh!” vì chỉ thuộc đúng câu này. Là những món quà truyền thống của các nước từ những người bạn đáng yêu. Là cậu bé đoàn Estonia cứ ngoái nhìn trước khi vào khu cách li chuẩn bị lên máy bay khi thấy tôi khóc mà chỉ biết nói “Tạm biệt” và nắm tay thật chặt.
Đối với tất cả những tình nguyện viên IMO, đó là những ngày tháng không thể nào quên. Như một cậu bạn đã viết trong blog của mình: I find no reason to hide my emotion that I miss all of IMoers (who join in IMO) and wish all of them happiness and success in their later life. It is really meaningful for each of us that, at least, somewhere out there we knew and had a chance of making friends with the most excellent students and in turn those students knew the most enthusiastic volunteers ever all over world.
Còn với riêng mình, tôi có được những người bạn mới, những trải nghiệm tuyệt vời, những kỉ niệm hạnh phúc.Tôi thấy mình chững chạc hơn, có trách nhiệm với từng việc làm của mình và đặc biệt, tôi cảm thấy tự tin vào bản thân, vào những gì mình đã làm được.
“IMOers, I love you big!”
|