Chợ sinh viên
Không chỉ người mua là sinh viên mà người bán là sinh viên cũng chiếm một phần không nhỏ. Tại chợ đêm Dịch Vọng, nơi được coi là chợ sinh viên lớn nhất Hà Nội, từ khi đi vào hoạt động đến nay ước tính mỗi đêm có hàng ngàn lượt sinh viên lui tới, nhất là vào những ngày cuối tuần, nơi này hầu như không còn một khoảng trống nào. Trong khoảng gần 300 gian hàng nơi đây, có đến hơn nửa là của sinh viên. Các loại hàng hoá bày bán cũng đều là những yếu phẩm dành riêng cho nhu cầu của lớp đối tượng này. Từ dụng những cụ học tập như sách vở, bút, cặp... đến những đồ dùng sinh hoạt, thời trang như quần áo, giầy dép, xoong nồi... Đầy đủ các chủng loại, kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc cho người mua chọn lựa. Tại chợ Phùng Khoang, mặc dù quy mô của chợ cũng như số lượng, chủng loại của hàng hoá không thể sánh bằng chợ Dịch Vọng nhưng cũng có đầy đủ những mặt hàng đáp ứng cho nhu cầu thiết yếu của bất cứ sinh viên nào. Điều đặc sắc nhất tại những nơi này có lẽ là các gian hàng sinh viên. Nói như vậy bởi đây không chỉ là những gian hàng do sinh viên bày bán mà hàng hoá cũng là những sản phẩm từ óc sáng tạo của các bạn trẻ. Chỉ với tấm giấy bìa cứng, qua đôi tay khéo léo đã trở thành những chiếc thiệp xinh xắn, hay vài hòn đá cuội nhặt ven sông sau khi được trang trí sẽ trở thành những nhân vật thật ngộ nghĩnh, đáng yêu ... Trường hợp đôi bạn Phương - Duy ở chợ Phùng Khoang lại lựa chọn những chiếc vòng đeo làm từ các sản phẩm của biển như ốc, sò, san hô... mua ở quê để bày bán. Tất cả đều làm bằng phương pháp thủ công, thô sơ, đơn giản nhưng lại rất hợp làm quà cho những cô cậu sinh viên tặng nhau trong mỗi dịp sinh nhật hay dịp kỉ niệm nào đó. Tại chợ đêm Phố Cổ (Hàng Đào), thực chất đây là chợ dành riêng cho khách du lịch đến Hà Nội nhưng hằng đêm vẫn có rất nhiều sinh viên lui tới. Ở đây có một dịch vụ khá đặc biệt do một số sinh viên đại học Mỹ thuật mở ra - dịch vụ vẽ ảnh chân dung tại chỗ. Chỉ với 10 ngàn đồng cùng khoảng thời gian chừng 30 phút, bạn đã có ngay một bức vẽ chân dung vừa chính xác vừa đẹp cho riêng mình
Giá cả “sinh viên”
Với khoảng 50 ngàn đồng, nếu vào các chợ đầu mối, bạn sẽ phải hết sức cân nhắc trong mua sắm. Nhưng, cũng với số tiền đó, nếu vào chợ sinh viên bạn có thể thoải mái “vung tay” theo ý mình. 10 ngàn đồng có ngay 3 đôi tất ấm áp cho mùa đông, 20 ngàn đồng mua được một chiếc áo thun cộc tay xinh xắn… Các loại đồ dùng “tiểu học” khác như khăn mặt, găng tay, quần áo “nhóc” thì giá chỉ có vài ngàn đồng. Thường thì giá cả ở những nơi này chỉ bằng 2/3, thậm chí là bằng một nửa so với những chợ bình thường khác. Tất nhiên, độ bền của những loại hàng hoá này cũng rất “sinh viên”. “Lần trước đi chợ mình mua một chiếc quần bò và một chiếc áo thun cộc tay chỉ mất 40.000 dồng. Nhưng sau vài lần giặt thì chiếc áo nhăn nheo, mất hết dáng, còn chiếc quần bò thì “biến sắc” từ xanh thành nâu trắng” - Linh tâm sự. Điều này không có gì lạ, phần lớn hàng hoá ở đây đều “made in China” nên chất lượng cũng dễ hiểu. Cái chính là giá cả vừa với túi tiền sinh viên. Thế nên, dù đã biết rõ về “bản chất” hàng hoá, các bạn sinh viên vẫn vui vẻ chấp nhận.
Đi chợ kiểu “sinh viên”
Điều thích nhất ở chợ đêm sinh viên là người mua có thể thoải mái mặc cả, xem hàng, thử hàng mà không sợ chủ hàng cằn nhằn hay khó chịu như một số nơi khác. Tuỳ Nhung, sinh viên trường cao đẳng Xây Dựng cho biết: “Mình trọ ngay gần làng Phùng Khoang nên hay đi chợ đêm lắm. Cũng có hôm chọn được món đồ nào ưng ý thì mua nhưng chủ yếu mình ra chợ chỉ để “tham quan” cho vui. Nhất là hồi ôn thi cuối kì vừa rồi, hầu như ngày nào cũng có mặt mình. Mỗi lúc học căng thẳng, ra đây xem hàng và thử một số món hàng xong thấy đầu óc thoải mái hẳn”. Không chỉ Nhung mà phần lớn sinh viên đến chợ đều có chung một mục đích như vậy. Có người là khách hàng quen thuộc nhưng cũng có người được bạn bè giới thiệu. Thậm chí một số sinh viên ở tận những nơi cách chợ mấy cây số cũng thường xuyên đi chợ để “tham quan”. Thường những người đến lần đầu thì mua một vài món hàng, những lần sau chủ yếu là để xem hàng và thử hàng. Mục đích chính của họ là đi chợ để tận hưởng cái không khí của chợ sinh viên. Người mua là thế, còn người bán dù biết rõ tâm lí của những “các thượng đế” nhưng vẫn vui vẻ phục vụ vì một lí do đơn giản: đó là những sinh viên mà. Chị Hoa, chủ một gian hàng quần áo ở chợ Phùng Khoang bộc bạch: “Mình có một quầy hàng ở trong chợ. Ban ngày bán trong ấy, từ ngày có phiên chợ này buổi tối mình dọn thêm ít quần áo ra đây bán. Khách hàng chủ yếu là sinh viên nên bọn mình cũng rất thoải mái. Nhiều người thử đến hàng chục cái áo nhưng cuối cùng vẫn không mua. Thôi thì sinh viên mà. Bọn mình cũng hiểu và thông cảm”. Hàng hoá đa dạng, không khí nhộn nhịp, người bán hàng dễ tính... tất cả những điều đó đã biến chợ đêm sinh viên thành những nơi hò hẹn, vui chơi của không ít đôi trai gái. Nhiều khu trọ ở gần chợ, tối nào cả xóm cũng rủ nhau đi “chơi chợ”, “đi nhiều thành quen rồi, hôm nào không đi là không chịu nổi”.
Với những nét độc đáo, phải chăng chợ đêm sinh viên đang ngày càng vượt lên ý nghĩa của việc kinh doanh buôn bán để trở thành một điểm hẹn văn hoá dành cho các bạn trẻ Hà Thành, nhất là khi vấn đề sân chơi cho sinh viên ngày nay càng trở nên nhức nhối?
|