Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Sinh viên và “nỗi buồn gác trọ”
Xung quanh cuộc sống của sinh viên là những vấn đề muôn thuở. Chuyện cái nhà, cái cửa còn bao nỗi nhiêu khê…

Sau mỗi mùa tuyển sinh, các cổng trường đại học cao đẳng ở Hà Nội lại tiếp nhận một lực lượng tân sinh viên hùng hậu. Chưa cảm nhận hết niềm vui của việc "vượt qua Vũ Môn", các tân sinh viên phải đứng trước muôn vàn khó khăn. Điều đầu tiên mà một sinh viên chân ướt chân ráo về thủ đô nghĩ đến là tìm cho mình một chỗ trọ học ổn định. "An cư mới lạc nghiệp". Vì vậy tất cả các cô cậu sinh viên lại bị cuốn vào một cuộc chạy đua không kém phần khốc liệt: cuộc chạy đua tìm một gác trọ ưng ý.

Ảnh: Vũ Bách

Việc tìm kiếm chỗ trọ của sinh viên thường bắt đầu rầm rộ từ cuối tháng bảy đầu tháng tám (dương lịch). Có nghĩa là sinh viên nào cũng cố gắng tranh thủ để "đi tắt đón đầu" (hoặc nhờ người tìm hộ) mong có được một nơi ăn ở, học tập lý tưởng. Một số gia đình có họ hàng thân thích ở Hà Nội thì gửi con mình vào đó, vừa tiết kiệm về kinh tế vừa yên tâm về việc quản lý con em. Gia đình nào khá giả thì không ngần ngại tìm phòng trọ "vip" để thuê cho con, có khi còn trả trước tiền nhà hàng quý, hàng năm. Những sinh viên thuộc diện gia đình khó khăn hoặc chính sách thì được ưu tiên vào kí túc xá của trường. Bộ phận còn lại thì chạy ngược chạy xuôi để có chỗ ăn nghỉ trong thời gian học tập tại Hà Nội.

Chỉ tính trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các địa chỉ dành cho sinh viên đều trong tình trạng quá tải. Đơn cử như làng sinh viên Hacinco (Trung Hòa – Nhân Chính), vừa tiếp nhận sinh viên trong nước vừa chào đón các du học sinh nước ngoài mà số lượng nhà ở thì có hạn. Chưa kể là các thông tin, thủ tục đăng kí để được vào ở tại đây không phải sinh viên nào cũng biết. Đa phần các trường CĐ- ĐH ở Hà Nội đều có kí túc xá cho sinh viên ở nội trú. Khó khăn là kí túc xá cũng chẳng khác gì làng sinh viên, phải “tiêu chuẩn”, mới được xét duyệt, tất nhiên là "mưa chẳng đủ thấm đất". Làng sinh viên hay kí túc xá đều là những địa chỉ tin cậy để các bậc phụ huynh gửi gắm con em mình, nơi đây có một môi trường hết sức thuận lợi cho việc trau dồi tri thức, hoàn thiện nhân cách sống - những yếu tố cần và đủ để các cá nhân phát triển, thể hiện năng lực của mình. Nhưng tiếc là...

Có một lượng lớn SV phải chạy ngược chạy xuôi, chuyển lên chuyển xuống để tìm cho mình một chỗ trọ học ưng ý (ngoài ký túc xá), mà phần lớn là thuê trọ của dân cư. Sự tự phát, không có quy hoạch cụ thể, nhốn nháo là đặc điểm chung của phần lớn các khu trọ này. Từ lâu Hà Nội đã có một hệ thống xóm trọ khá đồ sộ. Giá cả thuê trọ thì chỉ thỏa thuận bằng miệng, khôn nhờ dại chịu, không có cơ sở để phân định đúng sai. Sinh viên trọ ngoài phải biết cách chấp nhận một điều kiện sống cũng như học tập. Hà Nội có một số xóm trọ thu hút rất nhiều sinh viên như ở Định Công, Phùng Khoang, Kim Giang, Hạ Định, Hà Đông, Thanh Nhàn,… Ai chạy trước thì sẽ só một chỗ kha khá, ai muộn màng thì phải ngậm ngùi với “gác trọ” ôi thôi...(!!!). Cũng cần nói rằng, một số xóm trọ ở xa trung tâm thường tập trung nhiều thành phần xã hội nên rất phức tạp. Một khi sinh viên đã về đây cũng đồng nghĩa với việc sống cùng với những nguy cơ có thể thấy trước nếu không biết cách vượt lên để “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Là một sinh viên năm thứ hai Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV, từ một tỉnh lẻ về thủ đô học tập, cũng với bao niềm tin hi vọng, bao bỡ ngỡ và bế tắc trong việc tìm một chỗ trọ học thích hợp, tôi đã tìm thuê trọ ở khu vực đường NT. Hàng ngày, đối mặt với không ít cặp trai gái vụng trộm, hoặc các cuộc yêu đương giữa tiền và xác thịt, hoặc một mớ ống kim tiêm còn vương vất máu có khi nằm ngay trên mặt đường cũng có khi gọn ghẽ trong sọt rác, những lời nói thô tục… Tôi đã sống ở đó một năm…

Nhìn vào những điều mà không mấy ai là không thấy nhức nhối nhưng có dám nói ra hay không lại là cả một vấn đề. Vấn đề giải quyết nơi ở cho sinh viên, tạo ra một môi trường lành mạnh hơn cho sinh viên sinh sống và học tập cũng góp phần cải thiện những “điều trông thấy mà đau đớn lòng” hiện nay.

 Quốc Rin - K51 CLC Văn học, ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :