Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Nghị lực của một cô giáo khiếm thị
Dáng người nhỏ bé, giọng nói nhẹ nhàng và trong trẻo đầy nữ tính nhưng cô giáo Đắc Thị Tâm, đang dạy học tại lớp học tình thương cho trẻ em khiếm thị ở Tỉnh hội người mù Hà Tây lại khiến bất cứ ai khi gặp cũng phải khâm phục vì ý chí và nghị lực vượt lên số phận của mình.

“Khát vọng làm giáo viên là sức mạnh giúp tôi vươn lên”

Là con út trong một gia đình có 6 anh chị em ở huyện Quốc Oai, Hà Tây nhưng ngay từ lúc mới sinh ra, chứng bệnh suy giảm thị lực đã khiến cho chị không thể học tập và sinh hoạt với đôi mắt bình thường như bao đứa trẻ khác. Với con mắt bên trái đã không thể nhìn được, mọi công việc học hành và sinh hoạt phải dựa vào sức nhìn của con mắt bên phải. Tuy nhiên, đấy chưa phải là tất cả nỗi bất hạnh đối với chị. Mỗi năm trôi qua, mắt chị càng mờ hơn và năm lên 8 tuổi, chị đã vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng. Cuộc sống như khép lại đối với chị khi bao trùm xung quanh chỉ là một màu tối đen như mực, “nhiều lúc chị chỉ muốn chết đi cho xong”.

Thế nhưng, chính trong thời khắc ấy, ý chí và nghị lực của cô bé tám tuổi đã thức dậy. Quyết tâm theo đuổi ước mơ làm cô giáo mà chị đã ấp ủ từ khi mới bắt đầu đi học đã thôi thúc chị tiếp tục vươn lên. Chị bắt đầu học chữ nổi và học hết chương trình phổ thông ở trường Nguyễn Đình Chiểu - trường học dành riêng cho người khiếm thị ở Hà Nội. Sau khi học xong lớp 12, chị tiếp tục đăng kí học lớp giáo viên tại trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật ở phố Trung Kính (Hà Nội). Sau 9 tháng hoàn thành khoá học, chị xin về dạy tại tỉnh hội người mù Hà Tây và làm ở đây từ đó đến nay. Chị tâm sự: “Đến bây giờ nghĩ lại, nhiều khi chị cũng không hiểu vì sao hồi ấy chị mạnh mẽ được như thế. Có lẽ là vì ngay từ hồi mới đi học, chị đã mơ ước được làm cô giáo. Nhìn các cô giáo của mình đứng trên bục giảng giảng bài với biết bao học sinh nhỏ ở xung quanh, chị cảm thấy ngưỡng mộ vô cùng”.

Cô giáo Tâm (thứ 4 từ trái sang) chia vui cùng các em học sinh trong Tết Trung thu

Về dạy ở tỉnh hội người mù Hà Tây từ năm 1998, công việc chính của chị là dạy chữ nổi. Phần nhiều chị dạy ở lớp dành cho trẻ em nhưng những lúc không có người chị “kiêm” luôn cả lớp của người lớn. Lớp học dành cho người khiếm thị không giống như lớp của người sáng mắt. Ở lớp học bình thường, cô giáo ghi mọi cái lên bảng rồi bảo học sinh nhìn vào đó ghi theo, có thể cô chỉ đứng trên bục giảng cũng giảng được bài. Nhưng đối với lớp của người khiếm thị, họ không nhìn thấy chữ nên người giáo viên phải đi đến tận nơi, cầm tay và chỉ dạy cho từng người một vì thế thường mệt và mất thời gian hơn. Đối với những người đã từng học qua chữ đen thì dạy nhàn hơn nhưng đối với những em bị mù từ bé, chưa từng biết mặt chữ thì để dạy cho các em nhớ và viết được một “cái chữ” là cả một hành trình gian nan. Tuy nhiên, bù lại tất cả học sinh của chị đều rất ngoan ngoãn và vâng lời, đặc biệt rất thương yêu cô giáo. Và đây chính là nguồn động viên lớn nhất của chị. Hiện nay lớp chị Tâm phụ trách có 13 học sinh với nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó em ít tuổi nhất năm nay mới lên 7 tuổi. “Công việc có hơi vất vả nhưng các em ấy đều rất ngoan và biết nghe lời. Có hôm đang dạy, chị bị mệt, các em đều xúm vào hỏi thăm và chăm sóc cô ân cần, chu đáo. Những lúc ấy, mình thấy nghề giáo viên thật hạnh phúc” - Chị Tâm xúc động.

Một trong những khó khăn của lớp học là không có sách giáo khoa do trên thị trường sách dành cho người khiếm thị còn rất hạn chế. Vì thế, vừa dạy học, chị Tâm vừa kiêm luôn phần biên soạn sách. Nhiều lúc phải tranh thủ làm cả ban đêm để có sách kịp chương trình dạy cho các em. Tất cả sách vở dạy dọc đều là những tờ giấy bìa cứng được đóng lại thành quyển, chủ yếu được tận dụng từ những tờ lịch treo tường không dùng nữa. Với chừng ấy khó khăn, thiếu thốn trong suốt gần chục năm qua cô giáo Tâm đã “đem cái chữ” đến cho biết bao người.

Và mơ ước được học tiếp đại học

Khi được hỏi về những dự định trong thời gian tới, chị Tâm thổ lộ chị rất mê học ngoại ngữ và vi tính. Vì thế, trong thời gian rỗi chị đều nhờ người dạy thêm cho mình. Hiện nay, hai sinh viên Đặng Thị Bích Hằng và Nguyễn Thị Mây - K51 Tâm lý, trường ĐHKHXH&NV là những người thay nhau dạy chị môn tiếng Anh. Việc học ngoại ngữ đối với người sáng mắt đã khó, đối với những người khiếm thị như chị càng khó hơn vì chưa biết mặt chữ, cách viết cũng khác nhau, nhất là những chương trình dạy ngoại ngữ cho người khiếm thị thì hầu như còn rất hiếm. Mỗi hôm chỉ học được một vài từ mới nhưng đối với chị đó đã là may mắn lắm rồi.

Không dừng lại ở việc học ngoại ngữ, chị Tâm còn cho biết chị có ý định sẽ tiếp tục học lên cao để lấy bằng đại học. “Học đại học là mơ ước từ lâu của chị nhưng lâu nay chưa có điều kiện nên chị đang tạm gác lại. Đợi khi nào vốn tiếng Anh của chị ổn một chút và có điều kiện, chị sẽ đăng kí một khoá học tại chức tại một trường đại học ở Hà Nội”, chị tiết lộ. Hiện chị đang gấp rút hoàn thành việc biên soạn sách giáo khoa cho các em học sinh ở trung tâm để có thời gian dành cho mơ ước của mình. Trường mà chị Tâm định theo học là trường ĐHKHXH&NV Hà Nội. Dường như đối với người con gái nhỏ bé và giàu nghị lực ấy, việc học không bao giờ là quá muộn.

SV Nguyễn Thị Mây và cô giáo Tâm

 Hồng Quý, Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :