Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Học tín chỉ thời “quá độ”
Năm học 2007 - 2008 Trường Đại Học KHXH&NV (ĐHQGHN) nói riêng và các trường trực thuộc ĐHQGHN nói chung đã áp dụng việc đào tạo theo tín chỉ thay thế cho việc đào tạo theo niên chế như trước kia. Thế nhưng sau một thời gian đưa vào triển khai, có không ít những vấn đề nảy sinh. Nhiều sinh viên gọi đây là giai đoạn “quá độ” của phương thức đào tạo tín chỉ.

Đào tạo tín chỉ kiểu “giao thoa”

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của của phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ là sinh viên được tự do đăng kí học những môn học mà mình thích. Trong 4 năm học ở trường, để hoàn thành chương trình đào tạo, mỗi sinh viên sẽ phải hoàn thành một số lượng môn học nhất định. Nhưng để sinh viên chủ động hơn trong học tập, học chế tín chỉ cho phép mỗi sinh viên có quyền được lựa chọn hoàn thành môn học nào mình thích trước. Tuy nhiên, đấy là về mặt lí thuyết, trên thực tế thì không phải trường nào cũng có thể triển khai triệt để hình thức đào tạo này. Vẫn luôn có một độ “lệch chuẩn” nhất định trong cách thức đào tạo tín chỉ của một số trường để phù hợp với hoàn cảnh. Năm học 2007 - 2008, trường ĐHKHXH&NV sẽ áp dụng học chế đào tạo tín chỉ với hai khoá là K51 và K52. Nhưng thật ra chỉ có các lớp K52 được áp dụng đào tạo hoàn toàn theo hình thức này. Các lớp K51 - như công văn chỉ đạo của nhà trường - sẽ được đào tạo theo kiểu “giao thoa”. Tức là chỉ áp dụng những yếu tố tích cực của đào tạo tín chỉ như giảng dạy theo chương trình đào tạo đã chuyển đổi sang tín chỉ, sử dụng môn học theo tín chỉ, áp dụng phương pháp dạy - học, kiểm tra - đánh giá phù hợp với đào tạo tín chỉ. Riêng thời khóa biểu vẫn sắp xếp theo hình thức cũ. Cùng với quy định này cũng có nghĩa là một trong những điều mà sinh viên chờ đợi nhất ở học chế tín chỉ là được đăng kí môn học theo ý muốn sẽ không thể thực hiện được. Không ít sinh viên K51 tỏ ra thất vọng. Sơn (K51 Công tác xã hội) tâm sự: “Đầu năm khi nghe nói nhà trường quyết định sẽ áp dụng học chế tín chỉ với cả K51, lớp mình rất háo hức. Điều chúng mình chờ đợi nhất là khi học theo hình thức này sẽ được tự do đăng kí môn học theo ý muốn của mình. Nhưng khi vào học bọn mình mới được biết lịch học vẫn sẽ được sắp xếp như cũ, không có chuyện được đăng kí môn học. Bọn mình thấy hơi thất vọng”. Những sinh viên năm nhất may mắn được đăng kí môn học nhưng số lượng những môn được đăng kí học cũng còn rất hạn chế. Còn không ít môn vẫn phải học theo sự sắp xếp và lịch học có sắn.

Học tín chỉ “hay nhưng chưa quen”

Đó là tâm sự của phần lớn sinh viên. Cái ưu việt của học chế tín chỉ thì có lẽ không cần phải nói thêm nhiều bởi hầu như sinh viên nào cũng đã quá rõ. Nhưng để quen được với nó thì không phải ai cũng có thể làm được ngay “một sớm một chiều”. Với triết lí lấy sinh viên làm trung tâm, học chế tín chỉ phát huy tối đa khả năng tự nghiên cứu của sinh viên, giảm thiểu số giờ lên lớp để nhường chỗ cho những buổi thảo luận, thực hành. Tuy nhiên, lối đào tạo niên chế lâu nay đã tạo thành một nếp suy nghĩ và hoạt động thụ động trong phần lớn sinh viên mà không dễ gì thay đổi ngay được. Từ cách học phần nhiều dựa vào giảng viên, buổi học chủ yếu là ghi chép một cách thụ động chuyển sang cách học tự nghiên cứu đã có nhiều sinh viên tỏ ra mệt mỏi và hụt hơi. “Học theo tín chỉ bọn mình phải tự nghiên cứu và đọc sách rất nhiều. Lớp mình là lớp chất lượng cao, lâu nay vốn vẫn yêu cầu phải đọc nhiều sách, nay số lượng đầu sách gần như tăng gấp đôi. Nhiều khi như ngập ngụa trong đống sách, thấy rất mệt mỏi” – Rin (K51 CLC Văn học) than thở. Một số sinh viên khoa Tâm Lý cũng cùng chung ý kiến khi cho biết chỉ tính riêng trong học kỳ đầu tiên khi học tín chỉ, các bạn đã phải học tất cả là 10 môn học kể cả môn giáo dục thể chất. Với các buổi học chính khoá trên lớp, lại cộng thêm ít nhất là ba buổi học ngoại ngữ và giáo dục thể chất, lịch học chồng chéo, thời gian học giữa các buổi lại tiệm cận với nhau nên hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi. Thành thử nhiều hôm lên lớp nhưng chủ yếu là ngủ gật. Đó là chưa kể buổi tối thường phải hoạt động hết công suất vì môn nào cũng đều có bài tập về nhà hoặc phải soạn bài trước.

Một khó khăn nữa là vấn đề sách tham khảo. Thư viện luôn được coi là kho giáo trình và sách tham khảo lớn nhưng dường như nó vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu của sinh viên, nhất là khi chuyển sang học chế tín chỉ, thời lượng và số môn học phải tìm tài liệu là rất lớn. Huyền (SV khoa Ngôn Ngữ học) kêu: "Có quá nhiều đầu sách các thầy cô yêu cầu bọn mình phải tự tìm đọc tham khảo nhưng không phải tất cả đều có trên thư viện và nếu có thì không phải khi nào mượn cũng được. Có hôm mình viết đến 4-5 cái phiếu mượn sách nhưng tất cả đều bị trả lại vì lý do: sách bận”. Một trong những cách đối phó của sinh viên với vấn đề “khan” sách là làm thẻ thư viện quốc gia để lên đó tìm sách, song với quy định chỉ có sinh viên từ năm thứ 2 trở lên mới được làm thẻ thì rất nhiều sinh viên năm nhất đành phải …bó tay.

Tất nhiên mọi cái mới lúc đầu áp dụng vẫn còn nhiều những bỡ ngỡ, bất cập, chưa quen, nhưng dần dần sinh viên chúng ta sẽ thích ứng với cách học này và các thầy cô cũng như nhà trường cũng sẽ có những điều chỉnh để phù hợp hơn cho học sinh. Điều này tôi tin rằng cần phải có sự cố gắng của cả sinh viên lẫn nhà trường để giúp cho phương pháp đào tạo tín chỉ nhanh chóng đi sâu vào cuộc sống của sinh viên hơn, kết quả học tập và giảng dạy sẽ hiệu quả hơn.

Thư viện thời học tín chỉ - đông đúc và chật chội

 Như Phương, K51 Tâm lý, ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :