Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Làm thế nào để có một báo cáo khoa học thành công?
Đây là câu hỏi của rất nhiều bạn chưa làm báo cáo khoa học (BCKH) sinh viên và kể cả những bạn đã làm nhưng chưa đạt kết quả như ý muốn. Vậy thì đâu là lời giải đáp?

Muốn có một BCKH được đánh giá là tốt trước tiên bạn phải chọn được một đề tài phù hợp. Một đề tài phù hợp sẽ là một đề tài hay, sắc sảo, mang lại hứng thú cho chính bạn và cả những người quan tâm đến đề tài. Không cần phải là những vấn đề quá to tát với ý nghĩ đóng góp lớn cho nền văn học hay toán học hoặc một lĩnh vực nào đó của nước nhà, không cần phải là một phát minh chưa ai nghĩ ra… nhưng nhất thiết đề tài của bạn phải là đề tài của riêng bạn, không sao chép của ai khác. Bạn có thể dựa trên những kết quả đã có của những nhà nghiên cứu đi trước để tiến hành tổng thuật, phân tích, tổng kết, đưa ra ý kiến đánh giá của mình, hoặc lật lại vấn đề theo một góc nhìn mới, một phương pháp tiếp cận mới; hoặc lấy đó làm cơ sở lý thuyết để nhìn nhận và khảo sát một vấn đề của thực tiễn; hoặc tìm ra cái mới của mình ở một lĩnh vực, một tác phẩm chưa ai nghiên cứu hoặc đi sâu…

Khi đã chọn lựa và tiếp cận sâu với đề tài (đọc - hiểu đề tài), bạn hãy xác định đúng cơ sở lý luận mà mình sẽ sử dụng như một bộ công cụ tối ưu. Điều này rất quan trọng nếu như không nói là quyết định đối với toàn bộ báo cáo của bạn bởi nói nôm na là “đầu có xuôi, đuôi mới lọt”. Muốn có một sự lí giải, phân tích, đánh giá và đề xuất tốt, trước hết bạn phải khoanh vùng được tầm kiểm soát của mình đối với những cơ sở lý luận xoay quanh đề tài nghiên cứu. Điều này tránh cho bạn sự lạc đề ngay từ ban đầu. Một khó khăn được đặt ra là sách về lý luận hoặc là quá nhiều hoặc là quá ít do bạn chưa biết phải tìm chúng ở đâu. Hãy tìm đến các thầy cô của bạn. Thầy cô chỉ đóng vai trò như “cầu nối” để giúp bạn tiến nhanh hơn trên con đường tiếp cận tri thức chứ không giải đáp tất cả cho bạn. Cung cấp cho bạn các địa chỉ sách cần thiết - đó đã là một sự trợ giúp rất lớn rồi. Nhiệm vụ của bạn là đọc và sàng lọc, tích cóp, nghi ngờ và tự tổng kết. Đây là bước trang bị đầu tiên cho suốt quá trình làm BCKH.

Song song với tích lũy kiến thức lý luận là việc bạn phải tìm hiểu sâu sắc về lịch sử vấn đề. Chẳng hạn như khi nghiên cứu một hiện tượng, một tác giả văn học đương đại, ít nhất thì bạn cũng phải kể ra được các bài báo, bài bình luận, bài nghiên cứu… xung quanh hiện tượng, tác giả văn học đó. Để làm gì? Không chỉ để tránh trùng lặp mà quan trọng hơn là bạn sẽ phải biết mình tiếp thu những tinh hoa gì và phát huy cũng như khắc phục cái gì để từ đó đề xuất được cái gọi là “của riêng mình”. Thiếu đi lịch sử vấn đề - một cơ sở thông tin cần thiết, người đọc sẽ không tin vào những gì bạn nói, bạn viết trong đề tài của mình. Công việc này không đơn giản như nhiều người nghĩ chỉ là liệt kê ra những cái tên người nghiên cứu, tên công trình mà khó khăn hơn là bạn phải tổng hợp và đánh giá. Đối với các đề tài làm về tổng thuật thì vấn đề này là quan trọng hàng đầu và thực sự hóc búa.

Nếu những thao tác trên bước đầu đã được đảm bảo thì những bước tiếp theo chỉ là “chuyện nhỏ”. Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho bạn nếu bạn tuân thủ đúng các nguyên tắc khoa học ngay từ đầu: tính trung thực, khách quan, nghiêm túc… Quá trình triển khai đề tài sẽ là quá trình bạn tự do thể hiện những suy nghĩ, những lí giải của bạn về đề tài của mình. Có điều là hãy phân chia bố cục đề tài cho thật rõ ràng, mạch lạc. Ý tưởng của bạn sẽ hiện ra sáng rõ nếu có một cấu trúc đề tài chặt chẽ, một cách trình bày logic. Yêu cầu này không chỉ đối với riêng các ngành tự nhiên mà cần thiết đối với cả các ngành xã hội.

Một thao tác nhỏ nhưng vô cùng quan trọng của một BCKH là sự trích dẫn các ý kiến, dẫn chứng. Nêu rõ tên tác giả, tác phẩm, số trang, nhà xuất bản… khi trích dẫn đó là nguyên tắc để đảm bảo phẩm chất của khoa học. Nếu bạn vi phạm, bạn sẽ vô tình trở thành người “đạo văn”. Đa phần các thầy khi nhìn vào một đề tài báo cáo khoa học đều để ý đến mục lục và thư mục tài liệu tham khảo trước tiên. Họ sẽ hiểu bạn đang nói đến cái gì và đã quan tâm được những cái gì, cách xử lí với tài liệu như thế nào, tính khoa học được thể hiện ra sao?...

Yếu tố không kém phần quan trọng đáng ra phải nêu ngay từ đầu đó là phương pháp nghiên cứu của báo cáo. Việc bạn vận dụng các phương pháp, thao tác nào để nghiên cứu sẽ khiến người ta đánh giá được bạn có phải là một người khôn ngoan hay không? Phương pháp cũng quan trọng như “xương sống” của một con người vậy.

Người ta cho rằng đã nói đến khoa học là nói đến tính khách quan, nhưng để có một BCKH thành công, không thể thiếu được sự say mê, hứng thú của người viết đối với đề tài đã chọn. Đây là yếu tố xuyên suốt và không thể thiếu, đảm bảo cho sự sáng tạo và quyết tâm đi đến cùng trong quá trình thực hiện báo cáo. Có điều là làm thế nào để tạo ra hứng thú cho công việc của mình thì đó lại là câu hỏi của bản thân các bạn.

Nghiêm túc nhưng không quá nặng nề, cứng nhắc, đó là bí quyết cuối cùng để có một BCKH thành công.

 Việt Hà, Khoa Sư phạm - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :