Phóng viên trang Thông tin điện tử Đại học Quốc gia Hà Nội (P.V) đã có cuộc phỏng vấn nhanh với tân Hoa khôi:
- PV: Chúc mừng Phùng Hồng Mây. Cảm xúc của bạn khi đăng quang Hoa khôi Nữ sinh thanh lịch Trường ĐHKHXH&NV lần thứ III ?
- PHM: Mình quá đỗi sung sướng và hạnh phúc. Mình không biết nói gì hơn. Nhân đây mình xin cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ của các thầy cô giáo và các bạn.
- PV: Bạn đã chuẩn bị cho cuộc thi này thế nào ?
- PHM: Mình chỉ có 2 tuần để chuẩn bị và mình đã cùng các bạn tập luyện rất căng thẳng. Giờ mình cảm thấy vui và mãn nguyện vì kết quả đạt được xứng đáng với công sức mình bỏ ra và không phụ sự tin tưởng, ủng hộ của mọi người.
- PV: Cảm nhận chung của bạn về cuộc thi ?
- PHM: Đây là một cuộc thi bổ ích vì đã tạo sân chơi cho nữ sinh nhà trường thể hiện được vẻ đẹp và tài năng của mình, qua đó động viên các bạn nữ ngày càng trau dồi và phát huy được vẻ đẹp hình thức, tâm hồn, đóng góp cho sự phát triển của nhà trường và của xã hội.
- PV: Còn về các "đối thủ" của mình thì sao, bạn thích thí sinh nào ?
Phùng Hồng Mây
- Tên đầy đủ: Phùng Hồng Mây
- Ngày tháng năm sinh: 04/11/1986
- Quê quán: Hải Phòng
- Hiện là: sinh viên K50 Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
- Quan niệm về cái đẹp: Cái đẹp là cái thiện
- Châm ngôn sống: Không có người tốt, cũng không có người xấu, chỉ có những người làm việc tốt hay làm việc xấu
- Thần tượng: Mẹ
- Sở thích: thể dục thể thao, du lịch, chụp ảnh, đọc sách
- Công việc yêu thích: quản trị văn phòng hoặc một MC
- Tự hoạ về bản thân: một người bình thường |
- PHM: Mình thấy cả 12 bạn đều đẹp, duyên dáng, mỗi bạn đều có thế mạnh riêng. Nhưng mình đặc biệt ấn tượng với bạn Phạm Phương Thảo khoa Xã hội học. Tiết mục tài năng nhảy Hiphop của bạn rất đặc sắc, được đầu tư kỹ. Ngoài đời, đó là một bạn gái có cá tính riêng và cũng rất vui vẻ, hoà đồng với mọi người.
- PV: Trong đêm chung kết, khán giả rất ấn tượng với bạn bởi bài thi Aerobic khoẻ khoắn, sinh động, bạn có thể nói đôi điều về màn trình diễn này ?
- PHM: Thật sự thì đây là phần thi mà mình thấy hài lòng nhất. Mình đã quyết định trình bày bài tập này trong phần thi tài năng vì mình muốn thể hiện và đề cao vẻ đẹp khoẻ khoắn, sinh động, hiện đại của bạn gái.
Mình theo môn thể dục dụng cụ vài năm nay, một phần là để rèn luyện sức khoẻ, một phần để thư giãn những lúc căng thẳng. Mình đã lấy các động tác trong bài tập thể dục dụng cụ, chỉnh sửa và bổ sung thêm cho phù hợp với bài nhạc nền. Tất cả chỉ trong 1 tuần thôi. Thậm chí các động tác trong bài tập chỉ hoàn thiện cách lúc trình bày chính thức vài tiếng đồng hồ. Trước lúc trình bày mình khá căng thẳng và lo lắng. Nhưng cuối cùng đây lại là phần thi mình thấy hài lòng nhất.
- PV: Khán giả nhận xét: bộ áo dài với hai tông màu đen và cam bạn trình diễn đêm chung kết làm bạn thướt tha và nữ tính, đơn giản mà nổi bật. Có ai tư vấn chọn trang phục này cho bạn không ?
- PHM: Đây là bộ áo dài do nhà thiết kế áo dài Lan Hương thiết kế, mình tự lựa chọn và đặt cho cái tến "Chút nắng cho mùa đông". Áo may bằng vải lụa, thân màu đen và vạt áo màu cam nên rất nổi bật và tạo cảm giác ấm áp, gần gũi. Phía dưới là váy dài chấm gót, phía trên là áo dài truyền thống thướt tha. Đây cũng là bộ trang phục mình thích vì kết hợp được cả yếu tố truyền thống và hiện đại, không cầu kỳ chút nào mà lại đẹp, tôn được dáng người mặc.
- PV: Đoạt giải Ứng xử thông minh nhất, bạn có thấy hài lòng với câu trả lời của mình?
- PHM: Mình không hài lòng lắm với câu trả lời của bản thân, mình nghĩ là chưa diễn đạt được hết ý định nói. Nói chung đấy chưa phải là một câu trả lời hoàn hảo. Mình rất bất ngờ khi được nhận giải này. Nhưng dù sao mình cũng rất vui. Nếu được trả lời lại, có lẽ mình sẽ làm tốt hơn.
- PV: Theo bạn, một Hoa khôi nữ sinh thanh lịch cần hội tụ những điều gì ?
- PHM: Mình nghĩ một hoa khôi nữ sinh thanh lịch là đại diện cho vẻ đẹp của các bạn nữ sinh. Mà vẻ đẹp muôn thủa luôn bao gồm vẻ đẹp về hình thức và vẻ đẹp về trí tuệ, nhân cách. Riêng đối với nữ sinh khoa học xã hội và nhân văn, vẻ đẹp ấy còn phải thể hiện ra bằng sự dịu dàng, nhẹ nhàng, tinh tế trong ứng xử, lời ăn tiếng nói, trong sự hiểu biết về văn hoá và các vấn đề xã hội.
- PV: Cuộc sống của bạn có thay đổi gì sau khi đoạt giải không ?
- PHM: Sau hôm đăng quang, mình lại trở về với cuộc sống thường nhật của một sinh viên. Mình phải ôn tập để thi cuối kỳ chỉ vài hôm sau đó. Mình nghĩ có là Hoa khôi thì trước hết cũng vẫn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của một sinh viên. Nhưng mình sẽ phải cố gắng rèn luyện, trau dồi về nhiều mặt hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu đã đạt được.
- PV: Một câu hỏi đã từng được đặt ra với bạn, nay xin hỏi lại bạn: Với vai trò là hoa khôi Nữ sinh thanh lịch, bạn sẽ đóng góp như thế nào cho phong trào nữ sinh của Nhà trường thời gian tới ?
- PHM: Phong trào nữ sinh của Nhà trường có bề dày truyền thống. Đoàn trường có các câu lạc bộ cho nữ sinh, có nhiều hoạt động thường xuyên nhằm hướng các bạn nữ sinh tới vẻ đẹp chuẩn mực của người phụ nữ, tạo điều kiện cho các bạn thể hiện được khả năng của mình. Theo mình, các hoạt động đó đã góp phần tạo dựng nên thương hiệu, bản sắc riêng cho sinh viên khoa học xã hội và nhân văn. Đó là một ưu điểm lớn của công tác nữ sinh Nhà trường. Tuy nhiên, mình nghĩ còn có những mảng hoạt động chưa thật sự mạnh như hoạt động về chuyên môn, khoa học, rèn luyện kỹ năng dành cho phụ nữ trong xã hội hiện đại. Mình mong rằng với sự ủng hộ và giúp đỡ của các bạn, mình sẽ tiếp tục phát huy được truyền thống vốn có của phong trào nữ sinh nhà trường, khắc phục những hạn chế bằng cách phát triển thêm nhiều hoạt động mà mình đã đề cập ở trên. Không chỉ bản thân mình trực tiếp tổ chức và tham gia các hoạt động ấy mà mình còn kêu gọi, động viên các bạn khác nữa. Nếu các hoạt động thiết thực và có lợi cho nữ sinh, mình tin là các bạn sẽ tham gia đông đảo.
- PV: Bạn nghĩ sao nếu được chọn là đại diện cho nữ sinh trường ĐHKHXH&NV tham dự cuộc thi Nữ sinh thanh lịch Đại học Quốc gia Hà Nội sắp tới ?
- PV: Nếu được chọn thi nữ sinh thanh lịch cấp ĐHQGHN, đây sẽ là một vinh dự lớn đối với cá nhân mình. Mình sẽ cố gắng hết mình để có thể là đại diện xứng đáng cho vẻ đẹp của nữ sinh Trường ĐHKHXH&NV tại cuộc thi đó.
- PV: Xin cảm ơn bạn và chúc bạn thành công trong những dự định của mình.
|
Sau đây là cuộc trò chuyện bên lề cuộc thi với PGS. TS. Nguyễn Hồi Loan - thành viên Ban Giám khảo cuộc thi Nữ sinh thanh lịch Trường ĐHKHXH&NV lần thứ III:
PV: Tiêu chí đánh giá của Ban giám khảo cuộc thi là gì thưa thầy ?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Cuộc thi có 4 phần thi là trang phục dạ hội - năng khiếu - trang phục áo dài - ứng xử. Qua phần thi về trang phục, thông qua sự lựa chọn trang phục của thí sinh, Ban Giám khảo có thể đánh giá trình độ thẩm mỹ của các bạn. Các bạn phải biết chọn trang phục sao cho vừa tôn được dáng của người mặc, vừa phù hợp với thẩm mỹ của cuộc thi, với đối tượng là nữ sinh, mà lại là nữ sinh thanh lịch.
Trang phục phải kết hợp hài hoà yếu tố truyền thống và hiện đại. Trang phục thể hiện trình độ văn hoá và thẩm mỹ. Tôi xin nhấn mạnh là có những trang phục mặc đời thường có thể không sao nhưng lên sân khấu sẽ rất phản cảm, đặc biệt là những trang phục hở hang quá. Do đó, việc chọn trang phục nào phải dựa trên yếu tố “đẹp” và “phù hợp”.
Phần thi tài năng và ứng xử là để đánh giá năng khiếu và khả năng tư duy, giải quyết vấn đề, sự am hiểu các hoạt động xã hội của các thí sinh.
PV: Thầy đánh giá thế nào về 13 thí sinh tham gia cuộc thi ? Thầy có ấn tượng đặc biệt với thí sinh nào ?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Nhìn chung thì tôi hài lòng với sự thể hiện của 13 thí sinh. Các bạn biết cách lựa chọn trang phục và khá duyên dáng khi trình diễn. Đây là một cuộc thi phong trào, tôi nghĩ không nên đưa ra những đòi hỏi quá chuyên nghiệp với các bạn. Có thể các bạn trình diễn còn vụng, tư thế, dáng đi chưa thuần thục nhưng tự thân cái sự vụng về ấy cũng có nét đáng yêu của nó.
Tôi ấn tượng nhất với thí sinh Phùng Hồng Mây, người đạt giải Hoa khôi của cuộc thi. Đây là thí sinh nổi bật về cả ngoại hình và khả năng trình diễn, ứng xử. Cả khuôn mặt và phong thái của bạn nữ này toát lên một vẻ thông minh, trí tuệ. Cách bạn ấy chọn trang phục và trình diễn thể hiện sự thông minh và gu thẩm mỹ tốt. Tiết mục tài năng của bạn nữ này rất sinh động, đẹp. Thí sinh này đạt giải nhất là hoàn toàn xứng đáng.
PV: Thầy có hài lòng với phần thi ứng xử - vốn được coi là phần thi nhạy cảm và quyết định đối với kết quả chung cuộc ?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Thực sự thì tôi chưa hài lòng về phần thi này. Đây là một khâu yếu trong cuộc thi này nói riêng cũng như các cuộc thi người đẹp, hoa hậu khác nói chung. Có lẽ các thí sinh còn quá trẻ nên trình độ, sự hiểu biết xã hội còn ít, sự va chạm, kinh nghiệm xã hội còn non nớt. Không chỉ ở khâu hiểu biết, thẩm thấu vấn đề mà cả ở khả năng tiếp cận, giải quyết các vấn đề thực tiễn. Điều đó thể hiện khoảng cách khá xa giữa đào tạo và thực tế xã hội. Đây là một vấn đề mà chúng ta cần quan tâm khắc phục.
PV: Còn về phần thi tài năng, thưa thầy ?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Đa phần các tiết mục tài năng là hát, múa, cắm hoa… phản ánh đúng mặt bằng trình độ và đời sống văn hoá của các bạn nữ sinh hiện nay. Đây là cuộc thi nhằm động viên, hướng các bạn nữ tới cái đẹp, khát vọng hoàn thiện bản thân. Do đó, theo tôi không nên đặt quá nặng vấn đề giải thưởng.
PV: Theo thầy, đâu là thế mạnh của nữ sinh Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn? Hướng tới cuộc thi Nữ sinh thanh lịch Đại học Quốc gia Hà Nội, theo thầy có bao nhiêu phần trăm cơ hội cho vẻ đẹp khoa học xã hội và nhân văn lên ngôi ?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Tôi nghĩ là nữ sinh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có nhiều thuận lợi trong cuộc thi cấp ĐHQGHN sắp tới. Thậm chí tôi nghĩ thí sinh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn giật giải là chuyện… bình thường. Trước hết là vì khác với các đơn vị khác trong ĐHQGHN, ở trường ta, nữ sinh chiếm đa số. Các bạn lại có vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng, nữ tính mà người đối diện rất dễ càm nhận và rung động. Bên cạnh đó, là sinh viên nhân văn, các bạn cũng có trình độ, kiến thức về văn hoá, nghệ thuật, có hiểu biết xã hội và khả năng ứng xử tốt. Đó cũng là thế mạnh của nữ sinh nhân văn. Tuy nhiên, trong chừng mực nhất định, kinh nghiệm xã hội là một hạn chế mà các bạn cần khắc phục.
PV: Xin cảm ơn thầy. | |
|