Cánh sao thứ nhất: Những tháng ngày ấu thơ
“... Em vẫn còn nhớ, hồi mẫu giáo, buổi học đầu tiên tới lớp, cô bảo phải chọn một người làm lớp trưởng, cả lớp ngơ ngác, chả hiểu sao cô chỉ em làm lớp trưởng. Song, “thằng” bạn em (em gọi là “thằng” nhé) – thằng này nó to, đô vật lắm - cứ đòi làm lớp trưởng, thế rồi cô giáo cũng đồng ý, nó làm lớp trưởng, em lớp phó! Hai đứa hồi đó quậy phá lắm. Đi thi bé khỏe bé ngoan, trong lúc chờ các trường khác, em với nó lượn vòng ra ngoài chơi câu cá ở cái bể sau chỗ thi, tới lúc vào thấy quân mình đang diễn rồi, thế là vác kèn vào thổi luôn “Te tò te đây là ban kèn hơi”, cả hội trường ồ lên cười. Lúc lên thi vẽ tranh, đề bài của em là vẽ ngôi nhà. Em vẽ một ngôi nhà rất to, sau đó lật sang trang sau vẽ tiếp cái vườn. Lúc làm xong, chấm bài giám khảo hỏi em sao lại vẽ vào hai mặt thế này, em bảo cái vườn của cháu ở sau nhà nên cháu vẽ ở phía sau, cả hội trường lại cười ồ lên lần nữa. Lần đấy em được giải Ba, phần thưởng là một bộ quần áo cộc. Bạn em được giải Nhất, hẳn một bộ comple tí hon, đep ơi là đẹp, thế là tiếc hùi hụi, có biết mình chỉ vẽ trên một mặt giấy thôi. Về sau, mẹ cứ hay trêu em suốt về sự việc này.
Lên cấp 1 (hình như hồi đấy cũng chưa có bầu cử gì cả), em cũng làm lớp trưởng 5 năm liền. Năm lớp 3, Trường tổ chức Đại hội liên Đội, em được tham gia vào Đoàn chủ tịch điều hành Đại hội, cũng oai phết chị ạ (bây giờ gọi là: oai như cóc ấy! ). Lúc đó, trẻ con buồn cười lắm, cũng hơi ngơ ngác một chút. Với em đấy là một sự kiện trọng đại lắm. Nào là chuẩn bị quần áo, giày dép và quan trọng nhất là phải mất mấy tối để tập đọc, tập hô chào cờ và dẫn chương trình. Phải nói, sau này nghĩ lại mới thấy đây là lần tập dượt thú vị, làm mình tự tin hơn rất nhiều trong các công việc sau này. Rồi tới lớp 5, em được làm Liên đội trưởng, cũng dẫn quân đi tham dự Hội khỏe Phù Đổng như thật ấy! Trước em, ở lớp trên có một chị làm liên đội trưởng rất giỏi, ai cũng khen ngợi, thế là em khoái lắm, lúc chị Tổng phụ trách gọi em tham gia là em đồng ý luôn. Đó quả là một sự khởi đầu tốt đẹp”
Cánh sao thứ hai: “Một nốt trầm xao xuyến”
Lên lớp 2, thấy cần phải có người kèm cặp thêm về kiến thức, bố bắt đầu cho Thanh đi học thêm với thầy dạy của chị gái và học với thầy tới tận lớp 5. Với Thanh “đây là một người thầy quá tuyệt vời! Thầy là người đã giúp em tìm được một phương pháp học, một phong cách học cũng như ứng xử trong cuộc sống, ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình học tập của em cho tới tận bây giờ”. Suốt thời thời tiểu học Thanh đã tham gia đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thị, cấp tỉnh: lớp 2 đạt 2 giải khuyến khích, lớp 3 đạt giải nhì, lớp 5 đạt giải nhì cấp thị và giải nhì cấp tỉnh (không có giải nhất). Chỉ có điều khiến em rất buồn ở thầy giáo mình: Thầy nghiện rượu nặng, sau đó không dạy nữa. Những lần về thăm thầy, thấy thầy lại tiều tụy hơn….
Những năm cuối cấp 1 cũng là những năm nhiều sự kiện có những ảnh hưởng rất lớn tới Thanh. Gần cuối kì 1 lớp 2, mẹ của người bạn thân từ hồi mẫu giáo bị tại nạn qua đời, Thanh cũng cảm giác được một chút lạ lùng. Sau đó, hơn một tháng, mẹ em bệnh nặng rồi qua đời. Nhiều người đều hỏi Thanh “có buồn không, có nhớ mẹ không, có thương mẹ không…” Thanh chả biết trả lời thế nào, không thấy buồn chỉ cảm thấy mình thiếu thiếu cái gì đó. Tới mãi về sau này, em mới chợt biết mình thấy THIẾU điều gì.
Cánh sao thứ 3: Thời niên thiếu “nổi váng”
“Lên cấp hai, hai năm đầu em không làm lớp trưởng nên chỉ chuyên tâm học hành và ... nghịch ngợm. Sau hai năm, điểm tổng kết kì nào cũng cao nhất, các bạn ở lớp mới “bắt” làm lớp trưởng. Lúc đấy, chả hiểu sao em cứ chối đây đẩy nhưng cũng không thoát. Dạo đó, tuần nào cũng phải sinh hoạt trước lớp, lớp trưởng lên tổng kết tuần qua. Em làm lớp trưởng, lúc đầu lên nói cứ lắp ba lắp bắp. Có một bạn nữ, ngồi ngay bàn đầu (bạn này theo bình chọn là xinh nhất lớp ☺) cứ em nói 1 câu ấp úng là nhại lại, quay sang đám bạn bên cạnh cười thầm. Hừ, em bực kinh khủng, quyết tâm “phục thù”, trước khi phải nói trên lớp là ở nhà luyện nói trước gương cho tới khi nào thật tốt mới thôi. Kết quả là cũng khá khả quan, bạn ấy thôi không còn nhại em nữa, và sau này cũng trở thành chiến hữu trong hoạt động Đoàn cùng em, có thể nói là sau này giúp em đạt được những thành tích khá “hiển hách” trong công tác Đoàn nữa.”.
Năm lớp 9, Nguyễn Tiến Thanh đã được Tỉnh đoàn Thanh Hóa tặng giấy khen mặc dù chỉ mới hơn một tuổi đoàn.
Lúc học cấp 2, Thanh cứ đinh ninh rằng chắc chắn mình theo nghiệp toán. Thích học toán từ bé cơ mà! Lớp 8 em đạt giải nhì môn Toán cấp thị, lên lớp 9 đạt giải nhất cấp thì và giải 3 cấp tỉnh. Nhưng cũng vì làm lớp trưởng, phải nói nhiều, viết nhiều, nê em cũng thích học văn. Đến bây giờ Thanh vẫn nghĩ “nếu chỉ phải học mà không phải thi thì em kiểu gì cũng theo học khối D”.
Thời niên thiếu của Thanh đã qua đi như vậy, như một búp măng non đã bắt đầu vươn lên, bỏ lớp áo bạc và khoác vào mình một màu xanh căng tràn nhựa sống!
Cánh sao thứ 4: Cổng trường ơi! Mở ra ...
Lên cấp 3, có lẽ đây là giai đoạn có những biến động, thăng giáng nhiều nhất trong học tập cũng như trong công tác của Thanh. Lúc thi cấp 3, ước vọng của em rất cao, cũng đã làm hồ sơ thì vào Khối chuyên Toán Tin của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Chuyên Lam Sơn nhưng rút cuộc gia đình không đồng ý cho em đi thi vì sợ còn quá “trẻ người non dạ”. Thi ở “trường nhà” - Bỉm Sơn. Câu chuyện khôi hài nhất cho kỳ thi này được em kể lại:
“ ... Lúc có kết quả thi, thằng em em nó gọi điện bảo anh được 10 điểm toán, sướng nhé! Thế là lòng lâng lâng lắm, vậy là lịch sử đã lặp lại, sướng!.( Cách đó 4 năm, mới có duy nhất một anh thi vào trường được 10 điểm toán trọn vẹn. Nhưng số anh này lênh đênh, người ta vào nhầm điểm 10,0 biến thành 1,0; phải làm phúc khảo, thế là anh này phải học trên Trường Chuyên Lam Sơn, một tháng sau mới chuyển về học được). Đạp xe tới nơi, xem điểm, em không tin vào mắt mình nữa. Phải chăng lịch sử lại lặp một cách thực sự: 10, 0 à 1,0. Và với kết quả này, bổ túc còn không đậu huống chi là cấp 3. Suy sụp hoàn toàn. Bạn bè đi xem điểm biết tin, cũng tới động viên. Có 1 bạn học cùng lớp (là em gái của anh đạt điểm 10 kia) tới động viên rồi nói : “Tớ bảo cậu làm được 9,5 thôi, đừng làm được 10 mà cậu không nghe, thôi chờ phúc khảo vậy, cậu đừng lo”. Vậy mà em day dứt, suy nghĩ, xấu hổ và tủi thân vô cùng. Mang tiếng thi học sinh giỏi toán mà thi được 1 điểm.
Hai tuần sau, Sở đã xác định được trường hợp nhầm lẫn này, tên em “đã có trong danh sách” ... Trúng tuyển. Tới ngày nhận lớp, em cùng bạn bè tới trường tập trung để phân lớp. Chờ mãi, các bạn đã phân lớp gần hết, mà chẳng thấy tên mình đâu, lại bắt đầu lo lắng, đi từng lớp hỏi cô giáo tên mình có trong danh sách không. Không lớp nào có tên mình cả, các cô hướng dẫn phải lên hỏi lại chỗ thầy Hiệu trưởng xem sao. Lên phòng thầy, em hỏi sao tên mình có trong danh sách trúng tuyển mà lại không được xếp lớp nào cả. Thầy hỏi tên, rồi hỏi điểm, em trả lời. Thầy à lên rồi nói, “về tình thì rõ ràng là như thế, nhưng về lý thì thầy chưa thể cho em vào được vì em chưa có kết quả phúc khảo chính thức, em cứ về chờ đã. Em yên tâm là khi có kết quả phúc khảo thầy sẽ xếp em vào lớp có chất lượng tốt nhất”. Em lấy xe ra về, sân trường trống trải, tất cả “bọn nó” sao cứ nhìn mình. Cảm thấy khóe mắt cay cay.
Lại chờ. Khi có tin đã có kết quả phúc khảo, em tới trường ngay. Xem xong kết quả phúc khảo, quay ra, ánh mắt mọi người nhìn mình kì kì. Cứ như là… Tới hôm khai giảng, em mới nhận lớp, gặp thầy chủ nhiệm, câu đầu tiên thầy hỏi:“anh có phải là con hay cháu của mấy ông gì gì đó hay không, em trả lời: không! Sau đó thầy mới hỏi điểm em. Thầy “à” lên, rồi dẫn về lớp ...”
Thanh đã bắt đầu đầu cấp 3 như vậy đấy. Đúng là kỉ niệm không bao giờ quên!
Lúc vào học, ở lớp đã có ban cán sự lớp rồi, chỉ còn thiếu lớp phó học tập. Sau hai tuần học, Thanh được bầu lớp phó học tập. Rồi sang tháng sau Đại hội Chi đoàn, em được bầu làm Bí thư. Và cũng bắt đầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Trường , phụ trách liên chi đoàn cùng khối của mình. Vì là năm đầu cấp 3, hoạt động đoàn của chủ yếu là xây dựng chi đoàn nề nếp, kỉ luật, học tập tốt. Tới năm lớp 11, một năm thực sự thành công của bản thân và của cả chi đoàn. Chi đoàn của Thanh trở thành ngọn cờ đầu trong mọi phong trào thi đua. Được thị Đoàn tặng giấy khen. Còn bản thân em, điểm tổng kết vẫn xếp đầu toàn khối, và khi vừa hoàn thành xong lớp cảm tình Đảng thì em nhận được tin đã đạt giải nhất vật lý câp tỉnh của lớp 12 . Năm đấy, em được Trung ương Đoàn tặng bằng khen, được chủ tịch UBNN tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen, được thay mặt thanh niên toàn thị xã phát biểu tại lễ kỉ niệm quốc khánh 2/9 của Tỉnh.
Thanh nghĩ mình là một người may mắn khi luôn được học với những người thầy thực sự tuyệt vời. Thầy giáo chủ nhiệm đã thổi vào em sự yêu thích, đam mê đối với Vật lý. Trên cơ sở kết quả năm 11, em quyết tâm đạt được giải quốc gia vào năm lớp 12. Một chiến lược và kế hoạch học được đặt ra cùng với sự hướng dẫn tận tình của thầy chủ nhiệm. Thế nhưng, từ đây dấu hiệu của sự bấp bênh trong học tập bắt đầu xuất hiện.Trường em vốn không phải là trường chuyên, luyện sinh sinh đi thi đấu quốc gia, mục tiêu của trường là cánh cửa đại học thôi nên các môn học, đặc biệt 3 môn khối là không thể xem nhẹ bất cứ môn nào. Trong khi đó kế hoạch của em trọng tâm dồn về Vật lý với quyết tâm cao nhất. Khác với tất cả các cuộc thi trước, trong cuộc thi chọn vào đội tuyển quốc gia, em lại không nhận được sự ủng hộ của gia đình vì nhiều lý do trong đó có 2 lý do chính: đã có nhiều tấm gương trong đội tuyển quốc gia thi không được giải đã thi trượt đại học, hai là nếu có trong đội tuyển đi thi quốc gia thì kinh phí quá lớn, không đủ tiền theo học. Lúc đi thi, ngày thứ nhất em làm bài điểm cao nhất đoàn, ngày thi thứ 2, tâm trạng thi kém, em mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn. Kết quả chỉ kém điểm mức vào đội tuyển 0,5 điểm. Kế hoạch bị đổ vỡ hoàn toàn. Một cảm giác vô cùng hụt hẫng!
Thanh phải bắt đầu lại từ đầu. Một kế hoạch mới cho học tập cũng như phong trào của chi đoàn . (Bởi theo kế hoạch đầu, khi vào đội tuyển quốc gia, phong trào của lớp sẽ do một bạn khác đảm nhận). Vì hụt hẫng nên “em có cảm giác giờ mình lại đi từ đống đổ nát, hoang tàn và lại xây dựng lại từ đầu”! Ở trường Thanh hồi đó, kì thi thử đại học năm cuối cấp có ý nghĩa vô cùng lớn, vừa là một cuộc tổng duyệt trước khi thi cũng là cuộc “so tài” giữa các cao thủ trong trường. Ngay sau khi thi đội tuyển Quốc gia xong thì thi thử lần1, em chỉ xếp thứ 8. Sau đó thi thử lần 2 em xếp thứ 3 và lân cuối cùng em xếp thứ 1. Còn về phong trào đoàn, cũng thật may, lớp em tinh thần đoàn kết cao và chính “những tình cảm dạt dào năm cuối cấp đã hiện thực hóa thành những hoạt động hết sức bổ ích”. Chi đoàn vẫn là ngọn cờ đầu của phong trào đoàn trường. Và như là một sự ghi nhận, khi em cầm tờ giấy báo trúng tuyển đại học cũng là lúc em biết tin mình có quyết định kết nạp Đảng, em trở thành người đầu tiên của thị xã được kết nạp Đảng khi đang còn là học sinh!
|
|
Cánh sao thứ 5: Con đường xanh dưới màu cờ Đảng
Là Đảng viên, với tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm khắc với bản thân mình, ngay khi đỗ vào Trường Đại học Công Nghệ (K50CA – Hệ chất lượng cao của ngành CNTT), em đã đặt ra hai quyết tâm lớn: phải vừa học tốt vừa tham gia hoạt động đoàn hiệu quả. Ngay từ đầu năm học, em đã được Đoàn trường tín nhiệm làm UV BCH Đoàn trường, ở lớp làm lớp phó. Sau một kì học hỏi, làm quen với môi trường đại học, em xếp học lực giỏi, được các bạn tín nhiệm bầu làm lớp trưởng, rồi làm phó bí thư liên chi khoa CNTT, phó chủ nhiệm CLB Thuyết trình và UV BTV Đoàn trường. Thanh cảm thấy trách nhiệm của mình thật lớn: “Trường mình mới từ khoa lên được 2 năm, mặc dù đã có những bước tiến dài nhưng thực sự vẫn còn nhiều điều phải làm đặc biệt trong giai đoạn chuyển giao giữa hình thức đào tạo theo mô hình niên khóa và tính chỉ. Em tự hỏi mình có “tham” quá không nhỉ? Em chỉ đơn giản nghĩ rằng đây là 1 cơ hội để đo sức mình đến đâu, để đóng góp 1 phần nào đó nơi mà mình yêu quý. Tất nhiên, khi biết sức mình tới đâu em sẽ làm tới đó, “người lớn làm việc lớn, người nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Vậy đâu phải là tham! Năm học mới này em lại được các anh chị trong Thường vụ Đoàn trường tín nhiệm giao cho việc xúc tiên thành lập và phụ trách nhóm Tương trợ với phương châm hoạt động “tất cả vì học tập tốt”. Hiện nay, nhóm tương trợ được thành lập với các thành viên là những sinh viên khóa trên có thành tich học tập xuất sắc, trợ giúp các em sinh viên khóa dưới. Chỉ trong một thời gian ngắn – sau hơn một tháng hoạt động, nhóm đã nhận được sự đánh giá rất cao về tính thiết thực cũng như sự hiệu quả từ các bạn sinh viên khóa mới. Trong thời gian tới, nhóm Tương trợ sẽ có nhiều hình thức hoạt động hơn nữa phục vụ các bạn sinh viên. Ngoài ra, em cũng thực sự muốn CLB LEADERS gồm các cán bộ đoàn, lớp đi vào hoạt động, có như thế mới tạo ra bước đột phá trong cách hoạt động của phong trào thanh niên trong Trường Đại học Công nghệ.
20 tuổi, ở cái tuổi “... hồn quay trong gió bão/ Gân đương săn và thớ thịt căng da” Có không ít nam nữ thanh niên đã sa vào những cám dỗ của cuộc đời, sa vào những trò mua vui, tiêu khiển, còn em vẫn như “một nốt trầm xao xuyến, lặng lẽ dâng cho đời” tuổi trẻ và nhiệt huyết thanh xuân phơi phới của mình. 20 tuổi, Thanh trở thành gương mặt duy nhất đại diện cho sinh viên Trường Đại học Công nghệ được Trung ương Hội sinh viên Việt Nam tôn vinh là “Sao tháng Giêng” năm 2007 – Một giải thưởng cao quý chỉ dành riêng cho những cán bộ Đoàn - Hội có thành tích học tập tiêu biểu.
Khi biết mình được nhận giải thưởng, em cũng cảm thấy tự hào lắm chứ. Nhưng nhận giải thưởng rồi, em thấy mình thật nhỏ bé quá. Em quan niệm giải thưởng này cũng giống như các giải thưởng khác, các danh hiệu khác mà thôi, nó giống như một cánh cửa mở ra báo hiệu rằng “đây là điểm xuất phát cho một hành trình mới với nhiều cơ hội và khó khăn hơn đang chờ phía trước. Hãy tiến lên!”. Thanh cho rằng để có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của bản thân, một phần rất lớn cũng là sự giúp đỡ, chỉ bảo của các anh chị đi trước, của bạn bè, đồng chí như chị Huyền Trang K49CA, chị Hương, anh Hưng, anh Thức. Và hình ảnh bố, chị gái- động lực thúc đẩy em phấn đấu vươn lên, đã ngân ngấn lên cùng lời kể.
Nguyễn Tiến Thanh, một ngôi “sao Tháng giêng” trẻ tuổi, một ngôi sao thẳm xanh, hiền từ chưa một lần chói lóa. Nhìn vào ánh sáng dìu dặt, khiêm nhường tỏa ra từ ngôi sao tháng giêng ấy tôi vẫn thấy lòng mình được soi tỏ.
|