Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Cửa sổ du học: "Sinh hoạt phí của đề án 322 đủ để tôi sống và nghiên cứu khi ở Đức"
Đó là nhận định của TS. Trương Vũ Bằng Giang, Phó Trưởng phòng Đào tạo sau đại học và Nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội, một trong những nghiên cứu sinh đi học tập và nghiên cứu tại Đức (2002 - 2006) theo Đề án 322.

Anh đã chia sẻ một vài suy nghĩ và kinh nghiệm khi đi học tập và nghiên cứu theo học bổng từ ngân sách nhà nước:

- Anh đã được nhận học bổng theo đề án 322 như thế nào?

Năm 2001, khi tôi đang làm giảng viên tại Bộ môn Điện tử & Kỹ thuật máy tính của Khoa Công nghệ, trực thuộc ĐHQG Hà Nội thì tôi nhận được Thông báo về chương trình đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước (theo Đề án 322). Tôi đã gửi hồ sơ dự thi và xin cấp học bổng tới Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – khi ấy là một đầu mối của Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam trong việc tuyển nghiên cứu sinh khối ngành Công nghệ Điện tử - Viễn thông.

Đề cương của tôi nghiên cứu về lĩnh vực Smart Antenna đã được Hội đồng xét duyệt thông qua, trình Bộ và cấp cho một suất học bổng của Đề án 322. Qua một người bạn đã tốt nghiệp Tiến sĩ và làm việc tại Đức, tôi đã được GS.TS Arne Jacob, Trường ĐH Kỹ thuật Hamburg – Hurburg và TS. Achim Dreher, Trưởng phòng nghiên cứu Anten, Viện Truyền thông và Dẫn đường, Trung tâm Hàng không & Vũ trụ Đức (DLR) nhận đồng hướng dẫn luận án Tiến sĩ và tiếp nhận tôi vào nhóm nghiên cứu có 2 ông tham gia tại DLR. Với kết quả đánh giá của Hội đồng về tính khả thi, tính khoa học và điểm mới trong nghiên cứu của đề tài và thư bảo lãnh của các nhà khoa học người Đức nêu trên, tháng 10 năm 2002, tôi đến thành phố Munich, Đức để bắt đầu quá trình làm nghiên cứu sinh.

- Với mức sinh hoạt phí được cấp, anh đã sống, học tập và nghiên cứu như thế nào trong những ngày ở Đức ?

Với mức học bổng là 630USD/tháng khi đó đủ để tôi trang trải những chi phí khi nghiên cứu và học tập ở Đức. Các nhà khoa học người Đức thì làm việc rất nguyên tắc, tính kỷ luật cao, kế hoạch, quy trình rõ ràng và rất khoa học. Điều đó buộc tôi phải bắt nhịp vào cuộc sống của họ. Rất may, trước đó, khi tôi còn làm giảng viên ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Khoa Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, tôi đã có dịp làm việc với một số nhà khoa học người Anh, người Nhật và người Mĩ, tôi đã phần nào làm quen với phong cách làm việc nền nếp, kỷ cương và có kế hoạch của các nhà khoa học nước ngoài. Tôi không bị bỡ ngỡ nhiều lắm trước phong cách làm việc của người Đức và nhanh chóng bắt nhịp với cường độ làm việc của các nhà khoa học nước ngoài. Vì mong muốn đưa được vợ con sang Đức để đoàn tụ gia đình, tôi đã đề nghị Viện nghiên cứu làm thêm một số công việc liên quan đến chuyên môn theo Đề án nghiên cứu của Viện. Theo luật của Đức, lưu học sinh như tôi không được cấp giấy phép để làm quá 3 tháng trong một năm. Việc làm thêm ấy giúp tôi có thêm thu nhập để đưa vợ con sang đoàn tụ trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Munich.

- Gần đây có dư luận phản ánh về tình trạng cấp sinh hoạt phí cho lưu học sinh theo diện học bổng của đề án 322 muộn và không đủ để chi trả các khoản khi ở nước ngoài, anh nói gì về điểu này?

Là một người trong cuộc, tôi cho rằng phải nhìn nhận cho đúng vấn đề này. Tôi đã từng nhận học bổng của Đề án 322 và số tiền lúc đó đủ để tôi trang trải những nhu cầu cần thiết khi tôi ở nước ngoài. Tôi có một kinh nghiệm này muốn chia sẻ với những người đang và sẽ nhận học bổng 322 là bạn nên tìm hiểu để nắm chắc các quy định và yêu cầu của tổ chức cấp xét học bổng và giữ liên lạc thường xuyên với Ban quản lý Đề án 322. Trước hạn cấp sinh hoạt phí ít nhất 1 tháng, báo cáo kết quả nghiên cứu của bạn (có xác nhận của Giáo sư hướng dẫn) cần phải được nộp qua đường bưu điện về Ban điều hành Đề án 322, vì theo tôi, Ban Điều hành Đề án 322 quản lý rất nhiều lưu học sinh như tôi nên chắc chắn cần thời gian để xử lý. Tôi đã làm điều này khi tôi còn là nghiên cứu sinh và tôi luôn được nhận đủ và đúng kỳ hạn tiền sinh hoạt phí từ Ban Điều hành. Tôi nói điều này hoàn toàn khách quan bởi cá nhân tôi không hề có sự quen biết với các cán bộ Ban điều hành Đề án 322 của Bộ.

Tuy nhiên, để Đề án 322 thực sự là chỗ dựa cho lưu học sinh, tránh 1 số rủi ro về sự trượt giá của đồng USD so với một số ngoại tệ khác thì Ban Điều hành Đề án 322 cũng thử xem xét đến việc quyết định cấp sinh hoạt phí cho lưu học sinh theo một số loại ngoại tệ phổ biến sử dụng tại các nước sở tại (ví dụ Đồng Euro cho lưu học sinh cộng đồng EU, đồng Yên cho lưu học sinh Nhật hay đồng USD cho lưu học sinh Mĩ..) không nên bó hẹp việc quyết định cấp sinh hoạt phí bằng đồng USD.

- Chuyển sang làm công tác quản lý, anh giành thời gian nào cho chuyên môn?

Tôi cho rằng với một nhà khoa học, công việc quản lý chỉ mang tính thời điểm còn công việc chuyên môn mới là mãi mãi. Mặc dù hiện tại, tôi đang đảm nhiệm cương vị Phó Trưởng phòng Đào tạo Sau Đại học và Nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Công nghệ nhưng tôi vẫn giảng bài 2 buổi/tuần bộ môn Mô hình hóa và mô phỏng cho các lớp cao học của nhà trường. Nghiên cứu khoa học như một sở thích cá nhân của tôi. Tôi thường xuyên đọc báo, tạp chí khoa học và nghiên cứu những khi rảnh rỗi vào buổi tối và những ngày cuối tuần. Tôi đã và đang chủ trì 2 đề tài nghiên cứu khoa học QC cấp Đại học Quốc gia Hà Nội; hướng dẫn 2 học viên cao học trong đó 1 người đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ còn 1 người sẽ bảo vệ trong năm 2008 này cùng 1 số khóa luận tốt nghiệp đại học.

- Một yếu tố quan trọng khi đi du học ở nước ngoài là vốn ngoại ngữ, anh đã học ngoại ngữ như thế nào?

Khi tôi còn là giảng viên ở Khoa Công nghệ Điện tử - Viễn thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, tôi đã rất tích cực tham gia Câu lạc bộ tiếng Anh của Trường đặt tại 19 Lê Thánh Tông. Từ các hoạt động cụ thể của Câu lạc bộ, vốn tiếng Anh của tôi dần trở nên tốt hơn, tập được suy nghĩ trực tiếp bằng tiếng Anh thay vì phải suy nghĩ bằng tiếng Việt sau đó mới dịch sang tiếng Anh. Vốn ngoại ngữ lúc mới làm NCS đủ để trao đổi chuyên môn với các nhà khoa học nước ngoài. Với quan niệm nghiên cứu khoa học phải được toàn cầu hóa nên các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu tại Đức luôn khuyên chúng tôi nên sử dụng tiếng Anh khi trao đổi các thông tin khoa học đó cũng là một thuận lợi của tôi khi đi du học ở nước ngoài. Với hơn 3 năm ở Đức, sống, học tập và nghiên cứu cùng người Đức, khả năng sử dụng tiếng Anh và tiêng Đức của tôi ngày càng tốt hơn.

Xin cảm ơn Anh.

 Trần Anh (thực hiện) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :