Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
“Mật mã” mang tên thủ khoa Luật
Trước khi gặp tân thủ khoa Khoa Luật - ĐHQGHN, tôi cứ ngỡ Trần Thái Hà sẽ “sở hữu” cặp kính dày cộp, cách nói chuyện đậm màu sắc phản biện, khô khan, triết lý. Tôi thay đổi hẳn cách nhìn khi gặp gỡ và trò chuyện với Thái Hà - cô gái Hà thành xinh xắn, dịu dàng, thông tuệ…

Duyên ngầm với  Luật học

Thái Hà dự thi vào Khoa Luật - ĐHQGHN là sự tình cờ. Giai đoạn chuẩn bị làm hồ sơ thi tuyển đại học, Hà băn khoăn chọn ngành học, nghề học cho mình. Hà cũng như bạn cùng trang lứa không được định hướng nghề nghiệp. Những kiến thức như ngành học nghiên cứu gì, cần khả năng gì, công việc thực chất là gì, cô nữ sinh cấp 3 Thái Hà đều phải tự mò mẫm tìm hiểu. Từ nhỏ, khi xem phim, Hà đã bị hút bởi hình ảnh nữ luật sư trên phiên tòa xét xử. Niềm đam mê, sự ngưỡng mộ hình tượng “nữ luật sư” đã tạo động lực giúp Hà mạnh dạn ghi tên vào khoa Luật ĐHQGHN.

Thái Hà phân tích thêm về sự lựa chọn nghề nghiệp: “Thời điểm mình làm hồ sơ dự tuyển ĐH cũng trùng với thời điểm Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO”. Theo Hà, muốn có những giải pháp về kinh tế, giành ưu thế cạnh tranh, phải hiểu rõ pháp luật. Hà đạt điểm đầu vào ĐH cao ngất ngưởng: 25 điểm.

Những buổi học thảo luận theo nhóm, thuyết trình giúp Thái Hà nâng cao khả năng hùng biện, lập luận để bảo vệ quan điểm. Ngoài kiến thức lý thuyết, buổi học ngoại khóa được đến tận tòa án xem xét xử, Hà nắm được trình tự thủ tục xét xử, từ cảm quan tiếp nhận vấn đề trực tiếp.

Trên giảng đường đại học, Thái Hà trang bị nhưng kiến thức để hiểu rõ bản chất công việc ngành luật, kỹ năng người luật sư cần có. Từ đó, niềm đam mê luật học của Thái Hà nhân lên gấp bội.

“Bí kíp” Thủ khoa

Khi được hỏi làm sao có thể nhập tâm được những quyển giáo trình dày cộp, Thái Hà chia sẻ: “Học được lượng kiến thức khổng lồ đó ngoài chăm chỉ học tập, không học vẹt, nhớ bản chất vấn đề phải có phương pháp học tập: sơ đồ hóa kiến thức”. Chỉ khi sơ đồ hóa bài giảng trên lớp thành hệ thống mới không bỏ sót kiến thức, và lưu trữ được trong bộ óc. Bên cạnh đó, sơ đồ hóa còn nêu được quan hệ mắt xích của các khái niệm, vấn đề bản chất...

Hà học khối D, nên có thuận lợi hơn về các môn toán - rèn luyện tư duy logic để giải quyết vấn đề, ngoại ngữ - là chìa khóa để tiếp cận tri thức, bổ trợ nhiều cho ngành luật. Theo Hà, những tố chất rất cần thiết của sinh viên học luật đó là tư duy phản biện: luôn đặt ra câu hỏi tại sao, và làm thế nào để giải được những câu hỏi đó, tư duy phân tích bản chất tình huống, sự tự tin, bản lĩnh hùng biện tốt.

Thái Hà đã bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp “Hệ thống hình phạt trong luật hình sự Việt Nam và luật hình sự Thụy Điển  - những khía cạnh so sánh luật học” với điểm số 9,8. Tác giả của khóa luận đã chỉ ra rằng: Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp, vì thế cần hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta, và chỉ ra được ưu điểm, khuyết điểm của pháp luật Việt Nam. Một cách hay để tự hoàn thiện là đặt phát luật Việt Nam trong thế đối sánh phát luật của nước khác. Thụy Điển có hệ thống pháp luật lâu đời, pháp luật dân chủ và tiến bộ, nhiều điều lệ trong hiến pháp Thụy Điển có thể áp dụng vào Việt Nam. Khóa luận tốt nghiệp của Thái Hà được đánh giá là đáp ứng nhu cầu cấp thiết của pháp luật, đồng thời đã đưa ra kiến nghị thiết thực để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Tương lai nào cho tân thủ khoa?

Thái Hà còn nhớ như in ngày chân ướt chân ráo đỗ vào Khoa Luật: “Buổi hội thảo nói chuyện kỹ năng tìm việc làm, nhà tuyển dụng đặt ra yêu cầu gì cho ứng viên, những ưu khuyết điểm của sinh viên ngành luật được “mổ xẻ” cặn kẽ. Từ đó, mình chuẩn bị tâm thế vững vàng, tiếp thu kiến thức bù vào chỗ hổng đó”.

Theo Thái Hà hiện nay có rất nhiều cơ hội việc làm mở ra cho sinh viên ngành luật. Hàng năm, ĐHQGHN cũng như nhiều đơn vị đào tạo thành viên vẫn tổ chức hội chợ và ngày hội tư vấn việc làm. Bên cạnh đó, nhiều công ty, cơ quan nhà nước cũng đã liên hệ với đơn vị đào tạo để tạo cầu nối, tạo cơ hội việc làm đến với sinh viên.

Liệu thủ khoa có được ưu tiên gì so với ứng viên khác khi đi xin việc? Hà thẳng thắn: “Trong khi xét hồ sơ sẽ ưu tiên hơn, nhưng thường ứng viên vẫn phải trải qua các vòng phỏng vấn, nếu không thể hiện rõ năng lực, kỹ năng tích lũy được thì cũng bị loại như nhiều ứng viên khác”. Thái Hà đang làm hồ sơ chuyển tiếp học cao học, và học thêm tiếng Anh để tìm cơ hội du học. Hà tâm niệm: “Chỉ khi toàn tâm, toàn ý với công việc thì mới đạt kết quả cao. Nhưng nếu có một cơ hội việc làm tốt, phù hợp với khả năng của mình, có khả năng thăng tiến, không ảnh hưởng đến việc học, mà lại hỗ trợ và hoàn thiện những kỹ năng nghề nghiệp thì mình sẽ suy nghĩ, cân nhắc”.

Trần Thái Hà, Thủ khoa Luật khóa 2004 - 2008 với điểm tổng kết 8.51,

Sinh ngày: 22/1/1987

Lớp trưởng Lớp chất lượng cao K49 khoa Luật ĐHQGHN

Bằng khen:

Sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện khóa 2004 - 2008 do Giám đốc ĐHQGHN trao tặng

Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN năm 2007

Giấy khen thủ khoa xuất sắc Khoa Luật khóa 2004 - 2008

Giấy khen sinh viên giỏi Khoa Luật năm học 2007 -2008

Giấy khen cán bộ nhiệt tinh, hoạt động quản lý lớp tốt Khoa Luật.

 Lưu Vân, K50 Báo chí, ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :